Năm 2024 là năm công nghiệp công nghệ số (CNS) trở thành một trong những ngành kinh tế - kỹ thuật có quy mô lớn nhất, là động lực tăng trưởng của đất nước. Đến hết năm 2024 doanh thu ước đạt 152 tỷ USD, tăng 35,7% so với năm 2019; tổng số lao động đạt khoảng 1,5 triệu người tăng 50% so với năm 2019; toàn ngành có khoảng 54 nghìn doanh nghiệp công nghệ số.
Thông tin tại phiên họp của Hội đồng giám khảo và các tiểu ban Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2024", ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT (ICT) thuộc Bộ TT&TT cho biết: “Giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghiệp CNS tăng mạnh từ khi phát động chiến lược Make in Viet Nam: Năm 2019 đạt 21,35%, đến năm 2024 đạt khoảng 31,8%".
Ông Nguyễn Khắc Lịch cũng nhấn mạnh: "Chủ trương, định hướng thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số, chuyển đổi số của Bộ TT&TT đã được cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số hưởng ứng mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ tạo ra các sản phẩm công nghệ số đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia toàn diện trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước".
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông(TT&TT)Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh:“Đi ra nước ngoài là mang tri thức, công nghệ số của Việt Nam đi mở cõi. Để thế giới biết đến Việt Nam không chỉ vì Việt Nam là nơi đến và còn là do nơi Việt Nam đến. Đi ra nước ngoài là để Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của nhân loại”.
Từ năm 2023, Bộ TT&TT đã dành sự chú trọng đặc biệt đến việc hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế. Cụ thể, hạng mục mới của Giải thưởng “Sản phẩm Công nghệ số Make in Vietnam” – “Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài” – được bổ sung, nhằm tôn vinh những doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ công nghệ số đã gặt hái thành công tại các thị trường quốc tế.
Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, hạng mục này không chỉ là giải thưởng danh giá mà còn là động lực để các doanh nghiệp Việt Nam vươn xa hơn, khẳng định thương hiệu trên bản đồ công nghệ thế giới.
Cụ thể, hạng mục “Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài” được đánh giá dựa trên hai nhóm tiêu chí lớn:
Một, thiết kế sáng tạo (35/100 điểm): Sản phẩm được đánh giá về tính độc đáo, khả năng áp dụng công nghệ mới, tính năng dễ sử dụng và tương thích. Ban giám khảo cũng xem xét vai trò của người Việt trong thiết kế và sáng tạo sản phẩm.
Hai, giá trị tại thị trường nước ngoài (65/100 điểm): Nhóm tiêu chí này tập trung vào doanh thu, tốc độ tăng trưởng, quy mô thị trường, và mức độ hài lòng của khách hàng. Ngoài ra, sản phẩm phải chứng minh khả năng cạnh tranh với các đối thủ quốc tế.
Theo ông Tuyên, các tiêu chí này không chỉ giúp xác định những sản phẩm xuất sắc mà còn là chuẩn mực để doanh nghiệp Việt cải thiện chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh toàn cầu.
Tiếp tục với sự thành công của Giải thưởng các năm trước với quy mô lớn trên toàn quốc, quy tụ mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong giới ICT nước nhà, nhằm đáp ứng chủ trương, mục tiêu mà Chính phủ, Bộ TT&TT đã đề ra trong năm 2024, Giải thưởng năm nay sẽ tìm kiếm, tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc, mang tự hào trí tuệ Việt Nam, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế,tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia và tăng năng suất lao động, tạo ra kết quả thiết thực hơnvà toàn diện hơn mang lại giá trị cho người dân và doanh nghiệp trongchuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xã hộivàcác sản phẩm công nghệ số mới.
Giải thưởng cũng tiếp tục tôn vinh các sản phẩm công nghệ số Việt Nam chinh phục thế giới, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại và thịnh vượng Việt Nam.