Đàn hươu cao cổ 6 con nằm chết khô trên mặt đất Đàn hươu cao cổ 6 con nằm chết khô trên mặt đất , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí
Cảnh tượng khiến nhiều người xót xa được camera từ trên cao ghi lại cho thấy đàn hươu cao cổ 6 con cùng nằm chết khô một chỗ vì không tìm được nguồn nước.
Khoảnh khắc gây ám ảnh được phóng viên ảnh Ed Ram chụp từ trên cao cho thấy 6 con hươu cao cổ chết khô trong tình trạng tiều tụy, nằm thành hình xoắn ốc trên nền đất cằn cỗi. Cảnh tượng khiến nhiều độc giả thấy xót xa, cũng là một minh chứng cho thấy hạn hán đang tàn phá ở Kenya (quốc gia thuộc châu Phi) khốc liệt tới đâu.
Theo các phương tiện truyền thông, những con vật này đã chết sau khi mắc kẹt ở vũng bùn. Chúng cố gắng tiếp cận một hồ chứa nước gần đó nhưng không thành, dù hồ này gần như cạn kiệt.
Phóng viên ảnh Ed Ram cho biết đã ghi hình ở khu bảo tồn sinh vật hoang dã Sabuli, hạt Wajir. Bức ảnh được chụp ở thời điểm những cái xác đã có dấu hiệu phân hủy vì 6 con vật chết được một thời gian. Hiện xác của chúng được chuyển ra ngoại ô làng Eyrib, hạt Wajir, nhằm tránh gây ô nhiễm nguồn nước
Một con hươu cao cổ có trọng lượng khổng lồ. Trung bình chúng nặng gần 1 tấn, nhưng một số con đực thậm chí có thể nặng gấp đôi, bởi vậy, chúng cần lượng nước hàng ngày rất lớn.
Thông thường, hươu cao cổ uống hơn 45 lít nước trong một lần và có khả năng giữ nước rất lâu, giúp cơ thể tồn tại ở những nơi khô hạn trong thời gian dài. Thức ăn ưa thích của chúng là lá cây keo. Mỗi lần, chúng có thể tiêu thụ tới 45 kg lá cây.
Giống như nhiều nước châu Phi khác, tình trạng hạn hán ở Kenya xảy ra thường xuyên. Hiện có tới hơn 2,1 triệu người phải đối mặt với nạn đói do hạn nghiêm trọng và bị đe dọa bởi việc thiếu nước sạch. Nguồn nước cho cả người và gia súc bị cạn kiệt, buộc các gia đình phải đi bộ quãng đường dài hơn để kiếm nước, gây nên tình trạng căng thẳng xung đột giữa các cộng đồng.
Hiện giới chuyên gia cảnh báo, tình trạng hạn nặng đang đe dọa mạng sống của 4.000 con hươu cao cổ ở hạt Garissa lân cận. Ông Ibrahim Ali, chuyên gia đến từ khu bảo tồn hươu cao cổ Bour-Algi cho biết, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn do việc nuôi trồng dọc theo các con sông, cản trở nhiều loài động vật hoang dã tới điểm uống nước.