Còn bao nhiêu cơn bão ''''tấn công'''' nước ta đến cuối năm sau bão số 13? Còn bao nhiêu cơn bão ''''tấn công'''' nước ta đến cuối năm sau bão số 13? , Người xứ Nghệ Kiev
Do hình thái La Nina hoạt động mạnh nên khả năng từ nay đến cuối năm vẫn có thể tiếp tục xuất hiện bão tác động đến nước ta.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã có những phân tích mới nhất về xu thế thời tiết thời hạn mùa từ nay đến tháng 5-2021.
- Thưa ông, hình thái La Nina dự báo sẽ tiếp diễn đến khi nào?
- Xu thế nhiệt độ mặt nước biển tiếp tục lạnh đi và hiện tượng La Nina đã xuất hiện. Dự báo, hiện tượng La Nina sẽ tiếp tục duy trì từ nay cho tới những tháng đầu năm 2021.
- Sau bão số 13, còn cơn bão nào khả năng tác động đến nước ta hay không? Và những hình thái thời tiết nguy hiểm đáng lưu ý trong thời gian tới là gì thưa ông?
- Dự báo, từ nay cho tới hết năm 2020, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 1 - 2 cơn và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam.
Cần tiếp tục đề phòng gió mạnh trên biển do tác động không khí lạnh trên khu vực phía Bắc và giữa Biển Đông vào các tháng chính của mùa đông năm 2020-2021. Ngoài ra cũng cần đề phòng các đợt mưa vừa, mưa to tại các tỉnh Trung Bộ từ nửa cuối tháng 11 đến tháng 12-2020.
- Dù đã vào mùa đông song nhiệt độ ở các tỉnh Bắc và Trung Bộ khá cao, trời nắng oi vào thời điểm trưa, chiều. Vậy xu hướng nhiệt độ trong thời gian tới như thế nào và bao giờ trời mới thực sự chuyển rét, thưa ông?
- Tháng 12-2020 và tháng 5-2021, trên phạm vi toàn quốc, nhiệt độ phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tháng 1-2021, tại khu vực Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng, nhiệt độ thấp hơn từ 0,5 đến 1 độ C so với trung bình nhiều năm. Tháng 3 và 4-2021, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ thấp hơn từ 0,5 đến 1 độ C.
Các đợt rét đậm, rét hại xảy ra trong thời kỳ từ nửa cuối tháng 12-2020 đến tháng 2-2021, tập trung trong tháng 1-2021 và có khả năng kéo dài từ 7 đến 10 ngày, kéo dài hơn ở các tỉnh vùng núi phía Bắc. Người dân cần đề phòng các hiện tượng băng giá và sương muối trong các tháng chính của mùa đông 2020-2021.
- Vậy còn về xu hướng lượng mưa được dự báo như thế nào thưa ông?
- Tại Bắc Bộ, nguồn nước tháng 12-2020 trên các lưu vực sông phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, riêng sông Thao, hạ lưu sông Lô và sông Hồng thiếu hụt từ 20 đến 60%.
Từ tháng 1 đến tháng 5-2021, nguồn nước trên các lưu vực sông phổ biến thiếu hụt. Thiếu nhiều nhất là trên lưu vực sông Thao, hạ lưu sông Lô và hạ lưu sông Hồng từ 30 đến 70%.
Đối với Trung Bộ, vào tháng 12-2020, tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn và xấp xỉ với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ vào tháng 1 đến tháng 3-2021, có khả năng xuất hiện mưa trái mùa nên tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm.