Khi nghĩ về khủng long cổ đại và các động vật thời tiền sử khác, chúng ta thường liên tưởng đến những sinh vật khổng lồ, có kích thước vượt xa các loài động vật ngày nay.
Nhờ vào các hóa thạch còn sót lại, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng một số loài khủng long có thể cao bằng một tòa nhà 6 tầng hoặc nặng tới 45 tấn.
So với động vật có vú lớn nhất hiện nay trên cạn như voi rừng châu Phi, vốn nặng khoảng 6 tấn, dài 7,5 mét và cao 3,3 mét, rõ ràng động vật thời tiền sử có kích thước lớn hơn rất nhiều.
Vậy nguyên nhân gì dẫn đến sự khác biệt này?
Môi trường sống
Trái Đất thời tiền sử có một mảng lục địa rộng lớn và hệ thực vật phát triển mạnh mẽ. Môi trường sống rộng rãi và hàm lượng oxy dồi dào trong không khí được cho là đã góp phần vào sự phát triển kích thước của các loài động vật.
Ngoài ra, nồng độ oxy thấp hơn hiện tại đã khiến các động vật tiền sử phát triển hệ thống đặc biệt để sử dụng oxy hiệu quả hơn. Những loài có cấu trúc phổi mạnh mẽ thường có khả năng phát triển kích thước lớn hơn, nhờ vào lượng oxy hấp thụ cao kết hợp với không khí trong lành.
Tính chất tiến hóa
Thực tế, không phải tất cả các loài động vật thời tiền sử đều có kích thước khổng lồ. Một số loài tiến hóa theo hướng nhỏ dần, trong khi nhiều loài khác lại phát triển lớn hơn. Trong thời kỳ khủng long thống trị, nồng độ CO2 trong khí quyển cao hơn hiện nay, khiến thực vật phát triển cao lớn. Để ăn được thực vật, động vật cũng phải phát triển chiều cao tương ứng.
Theo thời gian, các loài to lớn trở thành kẻ thống trị Trái Đất, trong khi các loài nhỏ bé hơn phải chấp nhận số phận hoặc sống ẩn mình hoặc bị tiêu diệt. Những sinh vật khổng lồ tiếp tục lai tạo và sinh ra thế hệ con cháu với kích thước tương tự. Qua hàng triệu năm tiến hóa, chúng dần hoàn thiện và đạt được kích thước khổng lồ cùng lượng cơ bắp lý tưởng.
Sự thay đổi liên tục của Trái Đất
Đặt câu hỏi ngược lại, "tại sao các động vật ngày nay không đạt kích thước khổng lồ như động vật thời tiền sử?" Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời từ sự thay đổi khí hậu, sự tách rời các lục địa và sự trỗi dậy của các loài động vật có khả năng thích nghi tốt hơn.
Các loài sinh vật khổng lồ thường chịu ảnh hưởng lớn nhất và khó lòng thích nghi với những thảm họa biến đổi khí hậu. Lượng oxy giảm mạnh và thức ăn khan hiếm là hai nguyên nhân chính dẫn đến sự diệt vong của nhiều loài khổng lồ, bao gồm khủng long.
Một cơ thể ngoại cỡ đòi hỏi lượng oxy và thức ăn lớn. Ngược lại, những loài vật nhỏ bé với nhu cầu thấp hơn về thức ăn đã tỏ ra phù hợp hơn với sự thay đổi của Trái Đất hàng triệu năm sau đó. Do đó, hầu hết các loài động vật tiến hóa với kích thước vừa phải thay vì ngày càng lớn hơn.
Trong số các động vật xuất hiện vài triệu năm trở lại đây, con người nổi bật với nhiều đặc điểm tiến hóa phù hợp với thời đại. Khả năng tư duy, tưởng tượng và đặc biệt là khả năng kết hợp nhóm đã giúp con người vượt qua các loài khác để trở thành bá chủ toàn cầu.
Đến ngày nay, các sinh vật khổng lồ nếu có xuất hiện cũng khó tồn tại, bởi môi trường sống đã bị con người kiểm soát. Chúng không thể chống lại sức mạnh tập thể của con người, dẫn đến tuyệt chủng hoặc bị cải tạo nòi giống theo thời gian
https://phunutoday.vn/dong-vat-tien-su-to-lon-gap-nhieu-lan-dong-vat-ngay-nay-vi-sao-d418933.html