(Dân trí) - Cách đây gần tròn 92 năm, vào lúc 10 giờ 53 phút tối một ngày tháng 11, những người may mắn ở miền Nam nước Úc đã được chứng kiến một trong những sự kiện thiên văn hiếm có nhất trên hành tinh.
Một ngôi sao băng - một hòn đá lửa khổng lồ lóe sáng trên bầu trời vùng Karoonda. Những người tận mắt nhìn thấy cảnh tượng này vào ngày 25/11/1930 nhớ lại hình ảnh hòn đá lửa khổng lồ kéo theo chiếc đuôi lóe sáng và phát ra âm thanh như sấm khi thiên thạch này lao đi với tốc độ siêu thanh.
Những người khác kể rằng một tiếng ầm lớn làm rung chuyển mặt đất như một trận động đất, kéo theo sau nó là những tràng tiếng chó sủa kinh động khắp vùng.
Ông Herbert Sanders, một chủ trang trại đang lái xe từ Adelaide về nhà ở vùng nông thôn Karoonda, đã tận mắt chứng kiến cảnh tượng đó. Tất nhiên ông không hề biết đó là sao băng, ông chỉ thấy một tia sáng chói vụt qua trên đầu.
Điều khiến cho thiên thạch này trở nên kỳ thú hơn các thiên thạch khác là người ta không chỉ được chiêm ngưỡng thời khắc nó chói lòa trên bầu trời đêm mà nó còn được tìm thấy ngay sau đó.
Ông Paul Curnow, giảng viên thiên văn học ở Cung thiên văn Adelaide cho biết "hầu hết các thiên thạch chúng ta tìm thấy trên Trái Đất đều đã nằm ở đây hàng nghìn, hàng triệu năm nhưng vẫn thạch (phần còn lại của thiên thạch) lần này được tìm thấy chỉ trong vòng vài tuần".
Ngày 9/12/1930, dưới sự dẫn dắt của Giáo sư Kerr Grant của Trường đại học Adelaide và nhà thiên văn học George Dodwell, một nhóm sinh viên đã tiến hành tìm kiếm và phát hiện ra vẫn thạch này.
Nó được đặt tên theo địa danh nơi nó rơi xuống. Tổng khối lượng của tảng đá lên đến hơn 40 kg. Từ các mảnh vỡ, nhóm nghiên cứu đã phân tích và nhận thấy thành phần cấu tạo của nó vô cùng đặc biệt, bao gồm các khoáng chất như ma-giê, sắt và niken.
Theo giảng viên Curnow, thiên thạch đặc biệt này khá hiếm, và hiếm có hơn nữa là nó là một loại thiên thạch chưa bị biến đổi do sự tan chảy của vật thể mẹ có tính carbon, vì thế thành phần của nó có cả carbon. Nó nằm trong số 4,6% những vụ thiên thạch rơi xuống Trái Đất.
Các nhà thiên văn học cho rằng các thiên thạch xuất phát từ tinh vân mặt trời - một đĩa khí và bụi xoay tròn, tạo ra Mặt Trời và Hệ Mặt Trời. Rất nhiều trong số các vẫn thạch này có tuổi đời lâu hơn cả Trái Đất.
Vô giá và gần như không thể bảo hiểm được
Một vài mảnh vỡ của vẫn thạch Karoonda được thu hồi và đưa vào trưng bày ở Bảo tàng Nam Úc, còn tảng đá chính được trao cho hội đồng địa phương.
Nhưng sau khi cất giữ tảng đá lịch sử này suốt gần 100 năm, Hội đồng quận Karoonda East Murray đã quyết định gửi báu vật này đến bảo tàng để nó được bảo vệ tốt hơn.
Thị trưởng Caroline Phillips nói rằng tảng đá từ vũ trụ này được các cơ quan kiểm toán xác định là một tài sản rủi ro, các nhà bảo hiểm không thể bảo hiểm hết toàn bộ các phần của nó. "Hiển nhiên là chúng tôi phải tập trung giữ cho nó được bảo vệ đúng cách và an toàn."
Hội đồng địa phương cho biết, ngay cả những mảnh vỡ nhỏ nặng dưới 1 gam cũng có thể được bán với giá khoảng 100 đô-la Úc. Hội đồng vẫn giữ quyền sở hữu vẫn thạch này nhưng sẽ gửi nó đến Bảo tàng Nam Úc để bảo quản và bảo vệ tốt hơn. Sau đó, hội đồng sẽ cho tái tạo một bản sao của tảng đá để trưng bày tại văn phòng của hội đồng để người dân và khách du lịch được chiêm ngưỡng nó.
Bà Phillips nói rằng vẫn thạch Karoonda sẽ kể một chuyện về lịch sử lâu đời của vùng đất này, bà hy vọng nó sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của mọi người không chỉ ở địa phương mà còn từ các nơi xa khác. Tận dụng câu chuyện về thiên thạch này và những câu chuyện độc đáo khác của địa phương để khuyến khích du khách và những người quan tâm đầu tư vào việc phát triển địa phương là điều mà bà mong muốn.