Thứ sáu, 11/06/2021 - Nem chua của Việt Nam giúp khoa học thế giới giải bài toán hóc búa Thứ sáu, 11/06/2021 - Nem chua của Việt Nam giúp khoa học thế giới giải bài toán hóc búa , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí
Nem chua bản chất là thịt sống, nhưng lại không gây ngộ độc nhờ vào một cơ chế thú vị mới được các nhà khoa học phát hiện.
Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều món ăn độc đáo, thậm chí khiến người nước ngoài phải "sửng sốt" trước cách mà chúng ta có thể chế biến và tiêu thụ những món ăn như vậy.
Điển hình trong số đó phải kể tới nem chua, khi đây thực ra là thịt sống, kết hợp cùng khí hậu nóng ẩm dễ khiến vi khuẩn sinh sôi, nhưng lại có thể được ăn một cách ngon lành mà không gây hại gì cho cơ thể.
Điều này đã truyền cảm hứng cho các nhà khoa học tại RMIT, dẫn đầu bởi Giáo sư Andrew Smith và Tiến sĩ Bee May khi họ quyết định thực hiện một nghiên cứu chuyên sâu về món ăn này.
Kết quả vô cùng đáng kinh ngạc, khi họ phát hiện thấy một "hợp chất diệt khuẩn tự nhiên" trong nem chua, thuộc nhóm bacteriocin.
Trong các thử nghiệm, hợp chất trong nem chua - vốn được tạo thành từ một số loại vi khuẩn nhất định, có tác dụng tiêu diệt các loại vi khuẩn cạnh tranh, bao gồm cả vi khuẩn Listeria có khả năng tồn tại trong tủ lạnh và sống sót sau khi bị đóng băng.
Đáng chú ý, đặc tính của nó lại có tính khả dụng cao, khi gần như không màu, không mùi, không vị, không gây hại và rất bền vững.
"Bacteriocin tạo ra các lỗ trên màng của vi khuẩn cạnh tranh, khiến các chất trong tế bào của mục tiêu bị rò rỉ ra ngoài - cơ chế này giúp tiêu diệt vi khuẩn một cách hiệu quả", nghiên cứu cho biết.
Được đặt tên là Plantacyclin B21AG - hợp chất tự nhiên trong nem chua thậm chí hoạt động hiệu quả hơn cả Nisin - chất từng được đưa ra thị trường vào thập niên 1960 làm chất bảo quản thực phẩm.
"Việc sử dụng bacteriocin làm chất bảo quản thực phẩm nghĩa là chúng ta đang dùng chính vũ khí của vi khuẩn để chống lại chúng", Tiến sĩ Elvina Parlindungan của nhóm nghiên cứu cho biết.
Theo lời nhận xét này, đặc sản nem chua trứ danh của Việt Nam có thể đang nắm giữ "chìa khóa" cho công nghệ bảo quản thực phẩm tự nhiên và an toàn, giúp thế giới giải quyết cùng lúc 2 bài toán hóc búa: Các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và tình trạng lãng phí thực phẩm.
Được biết, tình trạng lãng phí thực phẩm đã trở thành một vấn đề toàn cầu gây thiệt hại xấp xỉ 680 tỷ USD mỗi năm tại các nhiều quốc gia trên thế giới, gây lãng phí gần 25% lượng nước sử dụng trong nông nghiệp và tạo ra 8% lượng phát thải nhà kính trên toàn thế giới.
Trong khi đó, các bệnh do đường ăn uống như Listeria và Salmonella gây ảnh hưởng tới hàng triệu người trên thế giới mỗi năm, đe dọa tính mạng đối với những đối tượng dễ tổn thương như phụ nữ mang thai, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch bị suy yếu.
Từ phát hiện nêu trên, các nhà khoa học cũng kỳ vọng rằng trong tương lai, những hợp chất tương đồng có thể sẽ trở thành một loại thuốc kháng sinh tự nhiên dành cho con người.