Ngừng phát sóng truyền hình analog tại 15 tỉnh từ 0h ngày 28-12-2020 Ngừng phát sóng truyền hình analog tại 15 tỉnh từ 0h ngày 28-12-2020 , Người xứ Nghệ Kiev
(HNMO) - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã thống nhất sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog) tại 15 tỉnh thuộc nhóm IV từ 0h ngày 28-12.
Nhóm IV gồm 15 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.
Để chuẩn bị cho kế hoạch này, Ban Chỉ đạo yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng khẩn trương thực hiện các nội dung. Trong đó, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) hoàn thành phủ sóng truyền hình số mặt đất (DVB-T2) đối với 4 tỉnh Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang trước ngày 15-12-2020. Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC hoàn thành chuyển đổi các trạm phát sóng từ DVB-T/MPEG-2 sang DVB-T2/MPEG-4.
UBND 15 tỉnh thuộc nhóm IV chỉ đạo các đài phát thanh, truyền hình địa phương sớm lựa chọn đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng để truyền tải kênh chương trình của địa phương trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất trước thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất.
Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan hoàn thành hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất (STB DVB-T2) và đầu thu truyền hình số qua vệ tinh (STB DTH) tại 15 tỉnh trên trước ngày 28-12-2020. Ban Chỉ đạo cũng lưu ý, việc triển khai hỗ trợ đầu thu thường bị chậm so với kế hoạch, dẫn đến phải điều chỉnh thời điểm tắt sóng truyền hình tương tự... Do vậy, Ban Quản lý Viễn thông công ích xây dựng kế hoạch chi tiết, có giải pháp bảo đảm hoàn thành hỗ trợ đầu thu STB cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện nhận hỗ trợ, báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Quản lý doanh nghiệp) để có sự theo dõi, chỉ đạo kịp thời.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương nhóm IV đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về Đề án số hóa truyền hình qua nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh đó, cần gia tăng tần suất thực hiện tuyên truyền trong khoảng thời gian gần tới thời điểm tắt sóng truyền hình analog.
Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020 là năm cuối cùng để hoàn thành Đề án số hóa truyền hình, vì vậy các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan tích cực triển khai, khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ để thực hiện ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất theo đúng thời gian quy định.