Cùng với “type O tổ tiên“ đầu tiên của virus corona chủng mới có nguồn gốc từ Vũ Hán (Trung Quốc), các nghiên cứu cho thấy hiện có tổng cộng 10 biến thể của chủng virus này.
Một số biến thể của virus corona chủng mới có khả năng cao trong việc xâm nhập vào lá phổi con người. Ảnh: PA
Một số biến thể của chủng virus gây nên COVID-19 được phát hiện có khả năng cao trong việc xâm nhập vào phổi của con người – với biến thể A2a thậm chí còn khôn ngoan hơn so với SARS-CoV đã gíêt chết 800 người và khiến 8.000 người nhiễm bệnh một thập kỷ trước.
Theo Partha Majumder, một tác giả thuộc viện nghiên cứu y sinh học quốc gia ở Kalyani, Ấn Độ, biến thể A2a đã vượt qua bản gốc có ưu thế nhất. A2a gần như đã thay thế tất cả các biến thể khác để xuất hiện ở hầu khắp các vùng địa lý.
Majumder cho biết: “Virus corona có thể được phân loại thành nhiều biến thể – O, A2, A2a, A3, B, B1, v.v. Hiện nay, có 11 biến thể, bao gồm ‘type O’ có nguồn gốc từ Vũ Hán. Những virus đột biến như vậy làm tăng số tần số lây truyền và đôi khi thay thế hoàn toàn virus ban đầu. SARS-Cov2 đang làm điều đó”.
Nghiên cứu trên rất quan trọng trong việc phát triển các loại vaccine hiệu quả để chống lại COVID-19.
Nhưng trong khi các nhà khoa học trên khắp thế giới đang chạy đua tìm ra vaccine, các chuyên gia khẳng định virus corona dường như không bị tiêu diệt và có thể quay lại mỗi năm như cúm mùa.
Dự đoán của các chuyên gia Trung Quốc cũng giống nhận định của giáo sư người Anh Chris Whitty cảnh báo hồi tuần trước. Giáo sư Whitty cho biết nước này khó có thể trở lại bình thường, cho đến khi có thể tìm thấy vaccine.
Các nhà nghiên cứu về virus và y tế Trung Quốc cho hay, virus này không có khả năng biến mất như SARS, vì nó có thể lây nhiễm cho những người mang mầm bệnh mà không biết họ có triệu chứng và đang âm thầm truyền sang người khác. Các quan chức y tế Trung Quốc vẫn đang xác nhận hàng chục người mang mầm bệnh không có triệu chứng mỗi ngày.
Jin Qi, giám đốc viện về mầm bệnh sinh học thuộc viện Khoa học Y khoa Trung Quốc, cho biết: “Đây rất có thể là một dịch bệnh tồn tại lâu dài với con người, trở thành theo mùa và được duy trì trong cơ thể con người”.
Các chuyên gia Trung Quốc cho biết thêm rằng, họ đã không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy tốc độ lây lan của virus sẽ chậm lại trong mùa hè vì chúng không đạt đến nhiệt độ cần để biến mất.
Wang Guiqiang, trưởng khoa truyền nhiễm của bệnh viện số 1 của Đại học Bắc Kinh, cho biết: “Virus này rất nhạy cảm với nhiệt độ, nhưng đó là khi nó tiếp xúc với nhiệt độ 56 độ C trong 30 phút và thời tiết sẽ không bao giờ nóng như vậy. Vì vậy, trên toàn cầu, ngay cả trong mùa hè, khả năng các trường hợp nhiễm giảm đáng kể là rất nhỏ”.