Mối đe dọa trên “cõi mạng” cũng như trong đời thực Mối đe dọa trên “cõi mạng” cũng như trong đời thực , Người xứ Nghệ Kiev
16/04/2020
(HNMCT) - Khi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão kết nối mọi ngõ ngách trên thế giới, internet được coi là một công cụ đắc lực phục vụ và đem lại lợi ích to lớn cho con người, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn bao giờ hết.
Nếu như những năm trước, vấn đề an toàn internet chủ yếu đề cập tới các trang web đen hay tình trạng đánh cắp dữ liệu cá nhân thì 3 năm qua, tin giả, tin sai sự thật, tin xấu độc chính là mối đe dọa khủng khiếp trên “cõi mạng” cũng như trong đời thực.
Theo số liệu thống kê tính tới cuối năm 2019, số người sử dụng internet toàn cầu đã vượt quá 4,5 tỷ người, tức khoảng 58,8% dân số thế giới. Internet đã tạo nền tảng cho một không gian sống thông minh, giúp người dân toàn cầu có thể kết nối với nhau thông qua mạng xã hội. Nhưng “thế giới ảo” đồng thời cũng tạo mảnh đất màu mỡ để tin tức giả và thông tin độc hại lan tràn như một bệnh dịch. Nếu các hình ảnh, video và tin tức giả được ví như loại vi rút nguy hiểm thì mạng xã hội chính là vật chủ lây nhiễm. Hiện có 3,2 tỷ người trên toàn thế giới sử dụng mạng xã hội hằng ngày, trong đó có khoảng 2,25 tỷ người dùng Facebook, do vậy tin giả không đơn thuần chỉ để tăng lượt xem, mà còn có thể thao túng đám đông, gieo rắc ý tưởng độc hại tới lượng người khổng lồ.
Trong năm qua, ước tính các chiến dịch tung tin giả đã diễn ra ở ít nhất 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tin giả ngày càng trở nên nguy hiểm khi chúng được lan truyền có tổ chức, có chủ ý, bóp méo sự thật đến mức phi lý, góp phần kích động bạo lực, gây rối loạn xã hội, làm bất ổn kinh tế lẫn chế độ chính trị, thậm chí còn đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia.
Tại Mỹ, tin giả thậm chí có thể có mặt ngay trên báo in, báo điện tử, truyền hình chính thống hoặc lan tỏa trên các phương tiện truyền thông và các mạng xã hội với tốc độ nhanh. Ranh giới giữa thật và giả trong các bản tin của báo chí Mỹ cũng đã châm ngòi cho một cuộc chiến vẫn đang âm ỉ giữa Tổng thống Donald Trump và giới truyền thông Mỹ hiện nay. Dưới sức ép của chính quyền và dư luận, một số ông chủ của các hãng công nghệ lớn, điển hình là Giám đốc điều hành mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook cũng đã phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ, cam kết hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng để điều tra về những chiến dịch tung tin giả.
Ngay trong những ngày này, khi thế giới đang nỗ lực đối phó với dịch Covid-19, sự lây lan của “vi rút” tin giả trở nên nguy hiểm hơn. Cùng với tốc độ lây lan nhanh chóng của SARS-CoV-2 trên toàn thế giới, những thông tin sai sự thật về dịch bệnh đã xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông xã hội, làm gia tăng tâm lý sợ hãi dẫn tới nhiều phản ứng quá khích. Đơn cử như nguồn gốc của vi rút SARS-CoV-2, nhiều nội dung đăng trên các trang mạng xã hội Facebook và Twitter nói rằng một số chính phủ đã bí mật tạo ra hoặc cấp phép phát triển chủng vi rút này, với các mục tiêu như để bán các loại vắc xin hay phát triển vũ khí sinh học. Mặc dù nhiều quốc gia khẳng định đây là thông tin giả, song nội dung xuyên tạc về nguồn gốc SARS-CoV-2 vẫn được lan truyền. Những nạn nhân mới đây nhất là hàng nghìn người ở Iran, do tin vào tin đồn nên đã uống cồn methanol với hy vọng diệt được chủng mới của vi rút corona. Kết quả là họ đã bị ngộ độc, phải nhập viện; gần 300 người đã tử vong, trong đó có cả trẻ em.
Thực trạng đáng báo động nói trên đã buộc chính phủ nhiều nước, các tập đoàn công nghệ cũng như các hãng truyền thông trên thế giới phải cấp tốc đưa ra các biện pháp ngăn chặn tin giả mạo, tin thất thiệt, tích cực đăng tải những thông tin chính thống, đáng tin cậy nhằm dập tắt những đồn đoán vô căn cứ gây hoang mang. Chính phủ Thái Lan đã thành lập Trung tâm Chống tin giả phối hợp với Đơn vị Chống tội phạm công nghệ của Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan. Theo đó, hành vi đăng tải hoặc chia sẻ thông tin không có căn cứ trên mạng internet, gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, an toàn công cộng hoặc gây hoảng loạn trong dân chúng có thể bị phạt tiền lên đến 100.000 baht (hơn 3.200 USD), hoặc bị phạt tù lên đến 5 năm.
Facebook, Twitter, Google và YouTube cũng đang đẩy mạnh biện pháp ngăn chặn tin giả càn quét trên các nền tảng trực tuyến. Facebook thông báo đã dán nhãn những thông tin thiếu chính xác và đẩy bài viết xuống dưới trang hiển thị bài đăng hằng ngày của người dùng. Bên cạnh đó, trang mạng xã hội lớn nhất thế giới này còn tuyên bố sẽ thẳng tay xóa các bài đưa ra thông tin sai lệch hoặc những giả thuyết mà các tổ chức và chuyên gia y tế uy tín trên toàn cầu cho là có thể gây hại cho những người cả tin, đồng thời cung cấp cho người dùng thông tin chính xác từ các cơ quan y tế quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các bên thứ ba kiểm chứng thông tin trên toàn cầu. Trong khi đó, Twitter thông báo điều chỉnh bộ lọc tìm kiếm. Bất cứ khi nào người dùng gõ các từ khóa liên quan đến SARS-CoV-2 hoặc Covid-19, các thông tin chính thống và có kiểm chứng sẽ được hiển thị lên đầu mục. Biện pháp này là một phần trong chiến dịch của Twitter mang tên #KnowTheFacts (Biết sự thật) đang được nhân rộng ở nhiều quốc gia.
Không nằm ngoài nỗ lực ngăn chặn tin giả, các công ty và viện công nghệ trên thế giới đã hợp tác để triển khai sáng kiến mang tên "Thách thức Deepfake" để nâng cấp các công cụ phát hiện video và các loại thông tin truyền thông bị bóp méo nhờ Trí tuệ nhân tạo (AI).
Có thể nói, cuộc chiến chống tin giả đang bước vào hồi khốc liệt nhất. Những mối đe dọa thực tế trên "thế giới ảo" hiện nay đòi hỏi những biện pháp đồng bộ, kiên quyết hơn nữa, và đặc biệt là trách nhiệm của toàn xã hội, từ chính quyền và các công ty công nghệ trong việc ngăn chặn và kiểm soát, đến người dùng trong việc sàng lọc và chia sẻ thông tin, để internet thực sự là một môi trường an toàn cho tất cả mọi người.