Giải thưởng Tạ Quang Bửu: Khuyến khích nghiên cứu khoa học cơ bản Giải thưởng Tạ Quang Bửu: Khuyến khích nghiên cứu khoa học cơ bản , Người xứ Nghệ Kiev
(HNM) - Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hằng năm, nhằm tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật. Giải thưởng năm nay dự kiến được trao vào tháng 5-2020, với mục đích khuyến khích niềm đam mê nghiên cứu khoa học cơ bản của thế hệ trẻ, thúc đẩy khoa học công nghệ Việt Nam hội nhập và phát triển.
4 nhà khoa học "thẩm định" 1 công trình
Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng tôn vinh ngành nghiên cứu cơ bản. Đây là nghiên cứu khai phá, mang tính đặt nền móng, nên khó nhìn thấy thành tựu và kết quả được áp dụng vào thực tiễn. Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức trao tặng giải thưởng này với hy vọng góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng và khoa học công nghệ Việt Nam nói chung tiếp cận trình độ quốc tế, tạo tiền đề cho khoa học và công nghệ của đất nước hội nhập và phát triển.
Theo Giáo sư Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng xét chọn Giải thưởng Tạ Quang Bửu trong nhiều năm, đây là giải thưởng quốc gia đầu tiên vinh danh các công bố khoa học xuất sắc ngang tầm thế giới. Hội đồng xét chọn chỉ gồm những nhà khoa học tiêu biểu, mà không có sự tham gia của các nhà quản lý. Các công trình được trao giải thường nằm trong tốp 3% danh mục tạp chí của từng chuyên ngành, mỗi công trình đều có thành tích đỉnh cao trong hướng nghiên cứu.
Quy trình xét chọn Giải thưởng Tạ Quang Bửu chặt chẽ, khoa học, công khai và minh bạch. Các hồ sơ do Hội đồng khoa học chuyên ngành của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) và Hội đồng Giải thưởng gồm các nhà khoa học có uy tín quốc tế (như: GS.TS Pierre Darriulat, GS.TS Ngô Bảo Châu...) đánh giá. Mỗi công trình đều có đánh giá, "thẩm định" của 2 nhà khoa học uy tín trong nước và 2 nhà khoa học quốc tế. Công trình được lựa chọn cần có ít nhất 2/3 số phiếu chấp thuận.
Nhìn nhận lại quá trình tổ chức xét chọn Giải thưởng Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết, sau mỗi lần tổ chức, chất lượng các công trình dự giải đều tăng. Hơn nữa, dù Việt Nam có nhiều giải thưởng, song Giải thưởng Tạ Quang Bửu vẫn có một vị trí nhất định đối với cộng đồng khoa học trong nước cũng như cộng đồng khoa học người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài.
Tôn vinh những giá trị khoa học
Từ 48 hồ sơ đề cử và ứng cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020, các hội đồng chuyên ngành của Quỹ NAFOSTED đã lựa chọn được 8 hồ sơ lọt vào chung kết xét giải, trong đó có 5 đề cử Giải thưởng chính và 3 Giải thưởng trẻ. 5/8 hồ sơ lọt vào chung kết xét Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm nay thuộc các lĩnh vực: Toán học, vật lý, hóa học, khoa học y dược, khoa học nông nghiệp. Hiện tại, các hồ sơ lọt vào chung kết xét giải đang được Hội đồng Giải thưởng chấm, đánh giá để trao các giải thưởng vào tháng 5-2020.
PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan (Trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh), người có hồ sơ lọt vào chung kết xét giải chia sẻ: “Để có bài viết đăng trên Tạp chí Y học New England (NEJM) - tạp chí y học lớn nhất thế giới - tôi phải sửa bản thảo tới 17 lần trong khoảng 10 tháng. Quá trình bình duyệt của tạp chí có nhiều vòng và sau vòng bình duyệt của các chuyên gia, tôi nhận được 14 trang A4 góp ý, nhận xét và câu hỏi yêu cầu trả lời. Sau đó, tôi mất 2 tháng để trả lời và điều chỉnh bản thảo, rồi thêm 2 lần điều chỉnh, sửa chữa cùng với một thành viên của Ban Biên tập, bài báo mới được chính thức chấp nhận, công bố. Đó là một hành trình dài, căng thẳng, song cũng đầy thú vị”.
Là nhà khoa học có nghiên cứu lọt vào chung kết xét Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020, PGS.TS Nguyễn Quang Hưng, Trường Đại học Duy Tân cho biết, công trình của anh và đồng nghiệp là công trình nghiên cứu thứ hai của nhóm tác giả người Việt được công bố trên Tạp chí hạng nhất (Physical Review Letters) về vật lý. Điều này minh chứng rằng, mặc dù điều kiện nghiên cứu trong nước còn nhiều hạn chế, nhưng các nhà khoa học Việt Nam vẫn hoàn toàn có đủ trình độ để công bố được kết quả nghiên cứu trên các tạp chí danh tiếng, không thua kém các nhà khoa học tại các nước phát triển.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Quang Hưng, nghiên cứu khoa học, đặc biệt khoa học cơ bản là một hành trình khám phá suốt đời để tìm ra những kiến thức mới cho nhân loại. Kiến thức đó có thể chưa mang lại những ứng dụng nhất thời hoặc cũng có thể không bao giờ được đưa vào ứng dụng thực tế, song đây là tiền đề cho những nghiên cứu phát triển tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh thông tin thêm, việc trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu hằng năm, không chỉ là dịp tôn vinh những giá trị khoa học, mà còn góp phần khuyến khích, khơi gợi niềm đam mê nghiên cứu khoa học của thế hệ trẻ, kêu gọi xã hội quan tâm đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tính đến năm 2019, qua 6 đợt xét thưởng, Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã được trao cho 17 nhà khoa học ở các trường đại học và viện nghiên cứu, thuộc đầy đủ các ngành, lĩnh vực: Toán học, vật lý, hóa học, khoa học nông nghiệp, khoa học y dược, khoa học thông tin và máy tính, khoa học trái đất và môi trường, cơ học kỹ thuật, với 14 Giải thưởng chính và 3 Giải thưởng trẻ.