Những quốc gia đi đầu trong việc sản xuất bộ xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 Những quốc gia đi đầu trong việc sản xuất bộ xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 , Người xứ Nghệ Kiev
Các quốc gia đã tiếp cận việc xét nghiệm vi rút corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 theo nhiều cách khác nhau. Nhiều quốc gia đã sớm nhận ra nhu cầu cấp thiết của việc phát triển các phương pháp xét nghiệm nhanh và nhanh chóng sản xuất số lượng lớn để kịp đáp ứng nhu cầu. Dưới đây là những quốc gia đã đi đầu trong sản xuất bộ xét nghiệm nhanh (test kit), giúp làm phẳng dần đường cong dịch bệnh.
Trung Quốc
Với kinh nghiệm chống dịch SARS vào đầu thế kỷ và là nơi khởi phát dịch Covid-19, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc là quốc gia đi đầu trong tiến hành xét nghiệm nhanh xác định người nhiễm SARS-CoV-2. Đến cuối tháng 3, nước này đã tiến hành trên 320.000 xét nghiệm.
Tất cả các dạng của sự sống đều có một loại phân tử mang hướng dẫn di truyền của chúng. Ở người, và hầu hết các dạng sống, đó là DNA. Trong khi đó, nhiều loại vi rút - bao gồm viêm gan, Ebola và bệnh dại - lại có RNA, hoặc axit ribonucleic, giống như DNA, là một axit nucleic mang thông tin di truyền.
Ngay từ giai đoạn đầu phát hiện có bệnh lạ, các nhà khoa học ở cả Trung Quốc đại lục và Hong Kong (Trung Quốc) đã nghiên cứu để xác định RNA của loại vi rút mới. Theo một báo cáo trên tạp chí Caixin của Trung Quốc, loại vi rút mới, sau đó được gọi là SARS-CoV-2, đã được giải mã phần lớn vào ngày 27-12-2019. Nhưng mãi đến ngày 11-1, bộ gien đầy đủ mới được đăng trên trang web nguồn mở virological.org và được chính quyền Trung Quốc chia sẻ vào ngày 12-1.
Sau đó, một trong những công cụ xét nghiệm sớm nhất đã được phát triển bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CCDCP). Chi tiết về loại xét nghiệm này được đăng trên trang web của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ ngày 24-1, ngay sau khi lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán được công bố.
Tại Hong Kong, nhà vi rút học Leo Poon cũng đã sớm theo dõi diễn biến dịch Covid-19. Ông Poon đã có kinh nghiệm nghiên cứu về nhiều căn bệnh mới xuất hiện trong nhiều năm qua. Năm 2003, nhóm của Leo Poon tại Đại học Hong Kong (HKU) đã nhận diện vi rút SARS là một chủng vi rút corona. Lần này, nhóm chuyên gia do Leo Poon dẫn đầu đã nhanh chóng tự phát triển dụng cụ xét nghiệm của riêng mình, dựa trên bộ gien giải mã mà Trung Quốc chia sẻ.
Ông Leo Poon cho biết: “Do chúng tôi đã trải qua tất cả những chuyện này trong quá khứ, chúng tôi hiểu rõ tầm quan trọng của việc xét nghiệm chẩn đoán tích cực. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã cố gắng phát triển bộ xét nghiệm càng sớm càng tốt”.
Là một trong những nhà sản xuất hóa chất lớn trên thế giới, Trung Quốc đã có thể đẩy nhanh sản xuất các bộ xét nghiệm. Hiện nay, có tới hơn 100 công ty Trung Quốc đang cung cấp các bộ xét nghiệm nhanh tại châu Âu, mặc dù trong đó, nhiều công ty chưa được cấp phép sản phẩm ngay tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, tình trạng bộ xét nghiệm kém chất lượng đã xảy ra khiến nhiều nước như Tây Ban Nha, Séc... đã phải trả lại một số lô hàng.
Đức
Nước Đức đã có sự chuẩn bị tốt để chống dịch một phần là nhờ chính phủ đã sớm thừa nhận rằng Covid-19 sẽ trở thành một đại dịch toàn cầu. Trong khi nhiều quốc gia khác còn chậm chạp trong việc lên kế hoạch phòng chống dịch, từ đầu tháng 1-2020, một nhà khoa học ở Berlin, ông Olfert Landt, đã nhận ra sự tương đồng giữa vi rút corona chủng mới và vi rút SARS-CoV trước đây, và hiểu rằng đất nước cần chuẩn bị sẵn bộ dụng cụ xét nghiệm.
Khi đó, không có bộ gien của SARS-CoV-2, Landt và công ty của ông, TIB Molbiol, đã thiết kế bộ thử nghiệm đầu tiên dựa trên vi rút SARS và các chủng corona đã biết khác.
Phương pháp của họ đã được WHO công bố vào ngày 17-1, trước cả khi công cụ xét nghiệm của Trung Quốc được công bố. Đến cuối tháng 2, công ty của Olfert Landt đã sản xuất được 4 triệu bộ xét nghiệm và hiện đang sản xuất thêm 1,5 triệu bộ mỗi tuần.
Tới ngày 25-3 vừa qua, tập đoàn Bosch của Đức cũng cho biết đã phát triển thành công bộ công cụ xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 cho kết quả trong vòng 2,5 giờ. Dự kiến, Bosch sẽ sản xuất và đưa ra thị trường bộ xét nghiệm nhanh này vào đầu tháng 4.
Bộ xét nghiệm nhanh hoàn toàn tự động và thiết bị này có thể hỗ trợ đắc lực cho các cơ sở y tế như phòng khám, bệnh viện, phòng thí nghiệm và các trung tâm y tế trong việc chẩn đoán nhanh một người có mắc Covid-19 hay không. Phần lớn thiết bị xét nghiệm hiện nay thường phải đợi từ 24-48 giờ mới có kết quả.
Hàn Quốc
Hàn Quốc là một trong những quốc gia tích cực nhất trong tiến hành xét nghiệm đại trà SARS-CoV-2. Trái ngược với giai đoạn đầu ở Anh - nơi mà Thủ tướng Boris Johnson từng dự đoán vi rút chỉ có khả năng “lây lan thêm một chút nữa” - các quan chức y tế Hàn Quốc đã nhanh chóng học được bài học từ Vũ Hán rằng loại vi rút mới này cực kỳ dễ lây và có thể lây lan nhanh chóng trên diện rộng.
Hàn Quốc ưu tiên xác định và cách ly những người xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và đã phát triển năng lực để tiến hành khoảng 15.000 xét nghiệm chẩn đoán mỗi ngày. Cho đến nay, họ đã thực hiện hơn 300.000 xét nghiệm, đều miễn phí, bao gồm cả tiến hành trong các bốt xét nghiệm được triển khai ở bất cứ nơi nào có nghi vấn dịch lây lan.
SD Biosensor là một trong 5 công ty Hàn Quốc đang sản xuất bộ kit xét nghiệm Covid-19. Họ đang sản xuất tới 350.000 bộ mỗi ngày - tương đương số xét nghiệm mà Hàn Quốc đã tiến hành.
Các bộ xét nghiệm do Hàn Quốc sản xuất đang được cung cấp cho nhiều quốc gia trên thế giới, như Đức, Iran, Ấn Độ, Italia và đang thảo luận hợp đồng với khoảng 60 nước khác.
Iceland
Là một quốc gia nhỏ và thịnh vượng, Iceland có một vài lợi thế trong triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 và họ đã tiến hành xét nghiệm cho người dân với tỷ lệ cao hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới, bao gồm xét nghiệm với nhiều người không có triệu chứng bệnh.
“Dân số quy mô nhỏ của Iceland đặt họ vào vị trí độc nhất có năng lực xét nghiệm rất cao, với sự hỗ trợ từ công ty nghiên cứu y học deCode Genetic”, chuyên gia dịch tễ học của Iceland, Thorolfur Guðnason nói với BuzzFeed.
Ông Guðnason nói rằng nỗ lực xét nghiệm này là nhằm “thu thập được bức tranh rõ ràng về mức độ lây lan thực sự của vi rút trong cộng đồng, vì tại thời điểm này hầu hết các quốc gia trên thế giới chỉ xét nghiệm các cá nhân có triệu chứng bệnh”.
Với chỉ khoảng 364.000 dân, Iceland không cần phong tỏa mà tiến hành xét nghiệm toàn cộng đồng, và cách ly nhanh những người có kết quả dương tính. Hiện tại khoảng 6% dân số Iceland đã được xét nghiệm, tương đương gần 21.000 người. Trong khi đó, tới ngày 1-4, nước Mỹ tiến hành khoảng 1,1 triệu xét nghiệm, chỉ chiếm 0,34% dân số.
Mỹ
Ngày 27-3, Phòng thí nghiệm Abbot của Mỹ đã ra mắt một thiết bị xét nghiệm cầm tay có thể thông báo kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 trong 5 phút, và thông báo kết quả âm tính trong 13 phút.
Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã cấp giấy phép khẩn cấp cho phòng thí nghiệm trên bắt đầu sản xuất các thiết bị xét nghiệm này để cung cấp cho các cơ sở chăm sóc y tế ngay từ tuần tới.
Thiết bị xét nghiệm trên chỉ có kích cỡ tương đương một lò nướng nhỏ và sử dụng công nghệ phân tử, cho phép thiết bị này được triển khai ở ngoài "4 bức tường của bệnh viện tại các điểm nóng dịch".
Thái Lan
Ngày 18-3, các nhà khoa học Thái Lan đã phát triển một bộ xét nghiệm nhanh vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và có kế hoạch đưa vào thử nghiệm lâm sàng vào tháng 4.
Theo nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Vidyasirimedhi (VISTEC), bộ xét nghiệm mới này cho kết quả trong vòng 30-45 phút, nhanh hơn nhiều so với thời gian yêu cầu hiện nay là 4-6 giờ. Dự kiến, 4.000 bộ xét nghiệm nhanh sẽ được sản xuất mỗi ngày và có giá thành khoảng 475 baht (14,71 USD) mỗi bộ.
Việt Nam
Để đối phó với dịch Covid-19, Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu các loại kit test nhanh vi rút SARS-CoV-2, trong đó bộ sinh phẩm real-time RT-PCR do Học viện Quân y phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện (công bố ngày 5-3), đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để sản xuất hàng loạt tại Việt Nam. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã đặt hàng Việt Nam sản xuất bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa và Công nghệ Phạm Công Tạc, ngày 17-3, Việt Nam có khả năng sản xuất được hàng chục nghìn bộ test/ngày với mức giá khoảng 500.000 đồng cho một lần xét nghiệm, trong đó đã bao gồm các vật tư, thiết bị đi kèm.
Trước đó, nhóm nghiên cứu Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cũng công bố chế tạo thành công bộ kit phát hiện vi rút SARS-CoV-2.