Nguồn dự trữ nước ngọt có thể giúp giải quyết hạn hán kéo dài trong tương lai. Ảnh: Science Alert. |
Nhóm chuyên gia ở Viện nghiên cứu nước và khí quyển quốc gia New Zealand (NIWA) phát hiện nguồn dự trữ nước ngọt hiếm gặp bên dưới đáy biển ở ngoài khơi Đảo Nam, có thể giúp con người đối phó hạn hán trong tương lai và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong những năm tới. Họ tìm thấy nước ngầm ngọt ngoài khơi (OFG) thông qua kết hợp địa chấn học và kỹ thuật quét sóng điện từ, giúp xây dựng bản đồ 3D của tầng ngậm nước dưới biển. Nhà địa chất học hải dương Joshu Mountjoy ở NIWA và cộng sự công bố phát hiện trên tạp chí Nature Communications hôm 13/3.
Dù chưa thể tính toán chính xác trữ lượng nước, nhóm nghiên cứu cho rằng hệ thống có thể chứa 2.000 km3 nước ngọt và rộng hơn hồ Ontario ở Mỹ. Dù có thể tìm thấy ở nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới, các tầng ngậm nước không phổ biến. Trong trường hợp này, phần lớn nước sót lại từ ba kỷ băng hà gần nhất.
"Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của nghiên cứu này là nâng cao hiểu biết về quản lý nước", Mountjoy chia sẻ. "Hiện tại, chúng tôi sử dụng các kỹ thuật từ xa, lập mô hình và địa vật lý. Chúng tôi thực sự cần đi tới đó và tìm hiểu các phương án".
Bằng chứng đầu tiên về sự tồn tại của OFG ẩn ngoài khơi thành phố cảng Timaru ở phía nam tỉnh Canterbury là nước lợ được phát hiện trong dự án khoan khoa học năm 2012. Quá trình tìm hiểu kỹ hơn bắt đầu trên tàu nghiên cứu năm 2017. Tầng ngậm nước này nông bất thường, chỉ sâu 20 m bên dưới đáy biển và trải rộng khoảng 60 km từ bờ biển.
Tỉnh Canterbury đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ dân số và mùa khô kéo dài. Nguồn dự trữ nước ngọt khổng lồ có thể chiếm một nửa lượng nước ngầm ở Canterbury. Dù bản đồ chi tiết độ mặn của nước và hình dáng tầng nước ngầm đang được soạn thảo, các nhà nghiên cứu vẫn còn nhiều điều chưa biết. Tiếp theo, nhóm nghiên cứu dự định lấy mẫu hệ thống nước ngọt và so sánh với các mô hình từ trước tới nay.
An Khang (Theo Science Alert)
https://vnexpress.net/khoa-hoc/tru-luong-nuoc-ngot-khong-lo-duoi-day-bien-4073154.html