28/05/2018
Nằm cách trung tâm TP Hồ Chí Minh 300 km, đối với nhiều người dân miền Bắc, biển Cổ Thạch là một địa danh nghe khá lạ tai. Tuy nhiên, Cổ Thạch lại là niềm tự hào của người dân đang sinh sống tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Tháng 3 là thời điểm thích hợp nhất để đi "săn rêu".
|
Biển Cổ Thạch có những lúc khá đông, nhưng phần lớn thời gian lại khá vắng vẻ, im ắng. Nơi đây chỉ trở nên sôi động vào thời gian diễn ra lễ hội Nghinh Ông hoặc vào mùa rêu. Nếu không tìm hiểu rõ về bãi biển Cổ Thạch trước khi đến, du khách sẽ phải tiếc nuối khi bỏ lỡ một trong những cảnh đẹp thiên thiên vô cùng ngoạn mục, đó là khung cảnh tất cả bãi đá được phủ lớp rêu xanh mướt.
Những bãi rêu biển đẹp luôn thường là nơi có nhiều ghềnh đá, nước trong veo. Khi nắng lên giữa trưa, rêu sẽ ngả hẳn sang màu vàng rất đẹp, khiến cho những ai may mắn được chứng kiến sẽ ngỡ mình đang ở chốn bồng lai tiên cảnh. Biển Bình Thuận nhiều tầng đá, lại là nơi vươn ra biển để đón mùa nắng sớm hơn các vùng biển khác, nên rong rêu ở đây hình thành sớm và đẹp hơn.
Mùa đi săn ảnh rêu của các phượt thủ thường vào khoảng tháng 2, tháng 3. Tùy vào thời tiết mà mùa rêu có thể đếm sớm hoặc muộn hơn một chút. Những lớp rêu phủ lên những bãi đá thông thường có thể tồn tại được tầm một tháng và tối đa là hai tháng.
Để săn được những bức ảnh đẹp về mùa rêu Cổ Thạch cũng khá công phu bởi việc này liên quan đến mực nước biển. Nếu nước biển lên quá cao sẽ che mất bãi đá phủ rêu. Nhưng nếu mực nước xuống thấp quá cũng khiến rêu nhìn trông khô, mất đi vẻ đẹp mượt mà. Rêu sẽ chuẩn màu nhất khi biển yên vào lúc sáng sớm hay khi hoàng hôn.
Cùng với bộ áo rêu xanh sẫm khoác lên mình các tảng đá, bãi đá bảy màu- món quà quý giá thiên nhiên ban tặng cho vùng biển Cổ Thạch cũng là một trong những yếu tố thu hút du khách đến với bãi biển hoang sơ này.
Bãi biển ở Cổ Thạch là một quần thể đá và cát, có những bãi đá gồm nhiều loại đá nhỏ, tròn, dẹp, nhiều sắc màu, được người dân địa phương gọi là đá bảy màu. Bãi đá này hình thành từ tự nhiên do tác động của thủy triều, hải lưu và nước biển.
Từ những khối đá to chìm sâu trong lòng biển, cát, đá, nước cùng nhau bào mòn và đẩy những đá vụn lên bờ. Qua thời gian hàng trăm năm đã hình thành ra những bãi đá đầy sắc màu như hiện nay. Đá ở bãi đá bảy màu thường có nhiều hình dáng to nhỏ khác nhau, và mỗi ngày lại tiếp tục được bào mòn để lấp lánh muôn màu muôn sắc.
Nhìn từ trên cao, bãi đá giống như một bức tranh thiên nhiên độc đáo với muôn ngàn viên sỏi đủ màu sắc, hình thù kỳ thú. Có viên vuông và sắc cạnh như bao diêm, có viên hình tam giác, lục giác, đa giác, hình thoi… có những đường vân rất đẹp, với nhiều màu sắc: nâu, vàng, tím, lục, lam, xám, trắng.
Dưới ánh nắng mặt trời, thêm vào đó là tấm màng nước do sóng bao phủ, bãi đá càng thêm lung linh, óng ánh. Nhìn từ xa, chúng giống như những viên ngọc thuần khiết nhất. Còn từ trên cao trông xuống, bãi đá lúc giống bức tranh thiên nhiên độc đáo, nổi bật với sự kết hợp hài hòa của nhiều gam màu và khối hình kỳ thú, khi lại như tấm khảm khổng lồ lấp lánh sinh động.
Cổ Thạch có nhiều bãi biển đẹp như bãi biển chính nằm gần chùa Cổ Thạch và bãi Tiên nhưng du khách thường thích ghé bãi đá bảy màu để tắm biển vì biển nơi đây sạch hơn, dạo biển ngắm đá và chụp ảnh cũng thú vị hơn.
Sóng biển, gió trời, những viên đá và khung cảnh còn hoang sơ của Cổ Thạch là một trong nhiều lý do biến nơi đây trở thành điểm dừng chân hấp dẫn cho những ai yêu thích và muốn tận hưởng thiên nhiên thanh bình, tĩnh tại.
Nếu nghỉ đêm tại Cổ Thạch, bạn có thể đặt hàng món nướng hải sản mực một nắng, sò, cá Bình Thuận với giá cả phải chăng. Còn muốn ăn hải sản ngon, rẻ, bạn nên chịu khó đi xa, ghé các nhà hàng ở khu vực Đồi Dương, cách Cổ Thạch khoảng 4 km.
(Dân trí)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/toi-co-thach-dam-chim-trong-mua-reu-xanh-va-bai-da-ky-ao-20180528170918260.htm
|