Chủ tịch Hồ Chí Minh và nghệ thuật dùng người tài: Giao việc là tin trọn vẹn Chủ tịch Hồ Chí Minh và nghệ thuật dùng người tài: Giao việc là tin trọn vẹn , Người xứ Nghệ Kiev
Lê Thọ Bình Thứ hai, ngày 19/05/2025
“Không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tin rằng “kiến thiết cần phải có nhân tài”. Với tinh thần khoan dung, chân thành và tấm lòng biết quý người hiền, Bác đã phát hiện, bồi dưỡng và trao quyền thực sự cho nhiều nhân sĩ, trí thức, để họ không chỉ được cống hiến mà còn tìm thấy ý nghĩa sống”- PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết.
Hôm nay 19/5/2025, kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân dịp này PV Dân Việt có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) xung quanh vấn đề tư tưởng của Người trong công tác cán bộ.
Vì sao Bác tìm người tài ngoài đảng?
Thưa ông, chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời khi tìm kiếm nhân tài không phải là những đảng viên cộng sản xuất phát từ đâu?
- Trước hết, do mục tiêu kiến thiết nước nhà mà “kiến thiết cần phải có nhân tài”. Từ quan điểm của V.I.Lênin, rằng những người cộng sản chỉ như những giọt nước trong "đại dương nhân dân", nếu “chỉ trông vào bàn tay những người cộng sản để xây dựng xã hội cộng sản, đó là một tư tưởng hết sức ngây thơ”, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh một thực tế ở Việt Nam: “So với số nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một người đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp sức, thì Đảng không làm được việc gì hết. Vì vậy, ta cần phải hợp tác với những người ngoài Đảng” và “chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gũi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước”. Trong hoàn cảnh “thù trong giặc ngoài”, sự cần thiết phải thực thi chiến lược đại đoàn kết dân tộc tất yếu dẫn đến sự ra đời của “một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái”.
Bác Hồ trò chuyện với các nhà văn, nhà thơ Tố Hữu, Phan Tứ và Trần Đình Vân. Ảnh Tư liệu
Để hiểu được quan điểm của Hồ Chí Minh về thu hút và trọng dụng nhân tài, chúng ta cần hiểu Bác quan niệm “nhân tài” là người như thế nào, theo ông?
- Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nhân tài không chỉ là người có tài năng xuất chúng, có thể làm được những việc không mấy ai làm được mà còn phải là người có đạo đức. Vì thế, Người luôn chủ trương “tìm người tài đức” và “trọng dụng những kẻ hiền năng”. Nhân tài là những người “có thể làm được những việc ích nước lợi dân” chứ không chỉ mưu cầu hạnh phúc cá nhân. Tinh thần “dĩ công vi thượng” sẽ giúp tài năng của họ chuyển hóa thành các giá trị xã hội và trong quá trình cống hiến, tài năng càng được “nở rộ”.
Thưa PGS, nói thì nói vậy chứ việc phát hiện ra những người tài, nhất lại là những người tài ngoài Đảng không phải là chuyện đơn giản. Vậy cách thức mà Bác tìm kiếm người tài ngoài Đảng như thế nào?
-Để có được vốn quý là nhân tài và sử dụng họ, điều quan trọng là phải phát hiện nhân tài. Hồ Chủ tịch khẳng định, trách nhiệm này trước hết là của Nhà nước, Kháng chiến và kiến quốc quan hệ mật thiết và quyết định lẫn nhau và đều cần có nhân tài.
Trên báo Cứu quốc số 91, ngày 14/11/1945, Hồ Chí Minh đăng bài “Nhân tài và kiến quốc”. Người nêu rõ, muốn giữ vững nền độc lập thì phải đem hết lòng hăng hái vào con đường kiến quốc. “Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi. Kiến thiết cần có nhân tài”. Rồi Người kêu gọi: “Chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng, có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay”.
Tiếp theo, ngày 20/11/1946, trên báo Cứu quốc số 411, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Hồ Chí Minh có bài “Tìm người tài đức”. Chủ tịch nhấn mạnh: Chính phủ có thể nghe không đến, thấy không khắp, nên các bậc tài đức không thể xuất thân. “Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu trí thức dự Hội nghị Chính trị đặc biệt tháng 3/1964. (Ảnh tư liệu)
Đã giao việc là tuyệt đối tin tưởng
Thực tiễn cuộc sống cho thấy tìm kiếm nhân tài đã khó nhưng sử dụng nhân tài cũng không dễ. Khó hơn nữa là ngay trong những năm tháng kháng chiến, thù trong giặc ngoài bao vây như vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tập hợp được đội ngũ nhân sĩ, trí thức đông đảo như vậy cùng Chính phủ, tham gia gánh vác việc nước?
- Một trong những đặc điểm trong cách sử dụng nhân tài của Hồ Chí Minh là khi muốn dùng ai thì giao việc, giao quyền, đã giao quyền thì tuyệt đối tin tưởng. Thực tế cho thấy, những ai được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin dùng đều hoàn toàn xứng đáng với niềm tin ấy.
Với lòng tin khoa học vào con người, năm 1946, Hồ Chí Minh mời cụ Huỳnh Thúc Kháng, một người ngoài Đảng tham gia Chính phủ với cương vị Bộ trưởng Nội vụ và ngày 29/5/1946, trước khi đi Pháp, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 82/SL để trao quyền Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh chỉ với lời nhắn nhủ: Mong cụ “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Chưa hết, Bác còn đề nghị cụ Nguyễn Văn Tố, một trí thức ngoài Đảng tham gia công việc của Quốc hội với vai trò Trưởng ban Thường trực Quốc hội (nay là Chủ tịch Quốc hội). Bác còn viết thư mời cụ Bùi Bằng Đoàn từng là Thượng thư Bộ hình Triều Nguyễn ra cống hiến tài năng cho đất nước và cụ Bùi giữ chức Trưởng ban Thường trực Quốc hội trong nhiều năm. Bác mời Khâm sai đại thần Phan Kế Toại tham gia chính quyền và cụ Phan Kế Toại nhiều năm giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1947 - 1963) và Phó Thủ tướng (1955 - 1973).
Sau hòa bình lập lại (năm 1955), trong Chính phủ vẫn có nhiều bộ trưởng là người ngoài Đảng như Nguyễn Văn Huyên, Phan Anh, Nghiêm Xuân Yêm... Bên cạnh việc lựa chọn các nhân tài ngoài Đảng tham gia Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sử dụng các nhân tài ngoài Đảng giữ các vị trí lãnh đạo, phụ trách chuyên môn của ngành y tế, giáo dục, khoa học, luật pháp. Những tên tuổi lớn trong ngành Y tế Việt Nam như Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Đặng Văn Ngữ... đều được trọng dụng.
Trong ngành Giáo dục, ngoài Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên (giữ trọng trách Bộ trưởng Giáo dục suốt từ năm 1946 đến năm 1975), Hồ Chí Minh trọng dụng các giáo sư, trí thức khác như Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Lân, Nguyễn Thúc Hào, Ngô Thúc Lanh. Về khoa học, Người trọng dụng kỹ sư Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Võ Quí Huân...Về luật pháp, Người tin dùng luật sư Hồ Đắc Điềm, Vũ Trọng Khánh... Người cũng vận động các vị chức sắc tôn giáo như giám mục Lê Hữu Từ, nhà tư sản theo công giáo Ngô Tử Hạ trở thành “Cố vấn tối cao cho Chính phủ”; đưa linh mục Phạm Bá Trực trở thành Phó Chủ tịch Quốc hội.
Với Bác, nhân sĩ trí thức không chỉ là cộng sự mà còn là “tri âm, tri kỷ”
Một trong những nét độc đáo của Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh là sự hấp dẫn về tài năng và đức độ của Người đối với các trí thức trẻ người Việt Nam ở nước ngoài. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này không?
-Rất tin cậy và trọng dụng các nhân tài trẻ tuổi, trong chuyến đi sang Pháp trở về năm 1946, Người đã đưa về nước 4 trí thức nổi tiếng là Phạm Quang Lễ, Trần Hữu Tước, Võ Quí Huân, Võ Đình Quỳnh. Trước tài năng và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các trí thức trẻ đã tự nguyện từ bỏ địa vị, bổng lộc, cơ hội thăng tiến và hạnh phúc cá nhân ở chốn phồn hoa để theo Người về nước, chấp nhận mọi gian khổ. Nhà Nông học Lương Định Của, bác sỹ Hồ Đắc Di cũng từ Nhật trở về để tham gia kháng chiến.
Với niềm tin vào sự nghiệp cách mạng, vào chế độ mới và kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bậc nhân sĩ, trí thức đã tận tụy với đất nước, nhân dân và Chính phủ, đi suốt hai cuộc kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ và cả thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc. Đó là các vị: Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Trịnh Đình Thảo, Phan Kế Toại, Phan Anh, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển, Tôn Thất Tùng, Vũ Đình Tụng…và có những người đã anh dũng hy sinh: Nguyễn Văn Tố, Dương Quảng Hàm, Nam Cao, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch,... cùng nhiều người khác.
Quý trọng nhân tài là đặc tính nổi bật của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Giữa Người và các các bậc chí sĩ ngoài Đảng như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại... không chỉ là những cộng sự mà còn là “tri âm, tri kỷ”?
-Đúng vây, đó là nét độc đáo của một vĩ nhân! Người thực sự thương tiếc mỗi khi những bậc cao nhân qua đời. Nếu tang lễ cụ Huỳnh được cử hành theo nghi thức Quốc tang thì trong tang lễ cụ Nguyễn Văn Tố, Hồ Chí Minh tự mình viết lời điếu theo lối văn cổ bởi cụ Tố vốn là nhà Hán học cự phách.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam ngày 18/5/1963.
Quý trọng nhân tài, thấu hiểu sự mặc cảm về thành phần xuất thân cũng như những khó khăn nhất định trong công việc của các nhân tài ngoài Đảng, Hồ Chí Minh có cách động viên rất tế nhị. Khi ông Nguyễn Văn Huyên đến xin Hồ Chí Minh cho từ chức Bộ trưởng vì không phải là đảng viên, Người đã nói: “Điều quan trọng không phải là đảng viên hay không đảng viên mà là làm việc có tốt hay không”. Yêu quý nhân tài nên Hồ Chí Minh cùng họ “chia ngọt, sẻ bùi”. Khi con trai của bác sỹ Vũ Đình Tụng hy sinh, Người đã viết thư động viên: “Ngài đã đem món quà quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc... Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn Ngài và gửi Ngài lời chào thân ái và quyết thắng”. Bác sỹ Vũ Đình Tụng đã viết: “Tôi thấy nỗi đau thương và sự hy sinh của gia đình mình trở thành nhỏ bé trong cái tình thương mênh mông và sự hy sinh cao cả của Bác đối với dân tộc”.
Sáng suốt, chân thành, khoan dung, độ lượng, Hồ Chí Minh đã giúp các nhân tài ngoài Đảng “bung nở” tài năng, tìm thấy ý nghĩa đời mình trong sự hiến dâng cho Tổ quốc.
Bài học từ cách thu hút và trọng dụng nhân tài ngoài Đảng của Hồ Chí Minh
Việc sử dụng nhân tài, bao gồm có nhân tài ngoài Đảng, bộ phận tinh túy của nguồn nhân lực chất lượng cao đang được xác định là “khâu đột phá” trong chiến lược phát triển đất nước. Hơn bao giờ hết, bài học về sử dụng nhân tài ngoài Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần được hiểu sâu sắc và vận dụng linh hoạt, triệt để, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho việc thực hiện “Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài” của Đảng và Nhà nước hiện nay. Theo ông những bài học kinh nghiệm này là gì?
- Vấn đề đặt ra lúc này là: Làm thế nào Đảng vẫn giữ vững quyền lãnh đạo và quy tụ được nhân tài ngoài Đảng? Tư tưởng và thực tiễn sử dụng nhân tài ngoài Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại một số bài học, kinh nghiệm sau đây:
Thứ nhất, phải thực thi cho được chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc. Sinh thời, Hồ Chủ tịch từng nhấn mạnh: “Chỉ đoàn kết trong Đảng, cách mạng cũng không thành công được, còn phải đoàn kết nhân dân cả nước... Vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên làm không nổi”. Hiện nay vẫn tồn tại tư duy phân biệt người trong Đảng - người ngoài Đảng. Tư duy đó phần nào cản trở việc phát huy tối đa nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng.
Thứ hai, phải chủ động tìm kiếm, vận động họ. Vận động nhân tài trước hết bằng sự chân thành, cởi mở, lấy uy tín cá nhân để bảo đảm là họ sẽ được thể hiện tài năng.
Thứ ba, phải thực sự đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, phải khơi dậy trong đội ngũ trí thức tinh thần “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Nhân tài, hiền tài là những người giàu trí tuệ, có tinh thần dân tộc nên muốn quy tụ họ thì phải lấy lợi ích dân tộc làm tối cao.
Thứ tư, phải thực sự quý trọng, nâng đỡ nhân tài, tạo điều kiện để người có năng lực trở thành người tài. Trọng nhân tài thì phải đặt họ vào đúng chỗ, bởi dùng sai thì lãng phí, hỏng việc. Trọng nhân tài thì phải tôn trọng cá tính, không chấp nhất sự “khác người” của họ. Yêu thương nhân tài thì phải cảm thông, động viên họ khi họ va vấp trong quá trình tìm tòi chân lý, phải tạo điều kiện để họ được bồi dưỡng, rèn giũa.
Thứ năm, phải chủ động thu hút trí thức, nhân tài người Việt ở ngoài nước và có cơ chế, chính sách trọng dụng họ. Hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở 130 quốc gia trên thế giới, trong đó có tới hơn 6.000 tiến sỹ và hàng trăm nhà khoa học có danh tiếng trên nhiều lĩnh vực. Phần lớn họ đều tâm huyết và mong muốn đóng góp cho đất nước.
Thứ sáu, muốn thu hút được người tài ngoài Đảng thì phải chọn được người đứng đầu thực sự có đức, có tài và có tư duy mới về công tác cán bộ. Có một tài năng lớn hơn mọi tài năng là tài năng sử dụng người tài. Người đứng đầu phải thực sự “dĩ công vi thượng”, dùng ai, loại ai phải vì lợi ích chung. Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình”. Phải thực sự tuân thủ phương châm “chọn người tài chứ không chọn người nhà”.
Đối với bất kỳ quốc gia nào, lãng phí nhân tài cũng là lãng phí lớn nhất. Đất nước đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và đặt ra những mục tiêu hết sức lớn lao, việc sử dụng nhân tài ngoài Đảng càng trở nên tất yếu và cấp thiết. Việc thấm nhuần và vận dụng sáng tạo các bài học, kinh nghiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ góp phần quy tụ, phát huy nguồn “Trí Việt” quý giá trong việc xây dựng và phát triển đất nước.