Lễ đón bằng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh “Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ được tổ chức ngày 5/5, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Biểu diễn bài Chòi ở phố cổ Hội An.
|
Đây là một trong những nội dung quan trọng được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ quý 1 năm 2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức ngày 24/4, tại Hà Nội.
Chương trình Lễ đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do Nghệ sỹ Nhân dân Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm Tổng đạo diễn.
Chương trình được dàn dựng công phu từ sân khấu đến âm thanh, ánh sáng; quy tụ sự tham gia của gần 400 nghệ nhân, nghệ sỹ, ca sỹ của 9 tỉnh có di sản Bài Chòi.
Tại buổi lễ này, bên cạnh phần lễ, phần hội cũng sẽ được chú trọng với các nội dung nói về cội nguồn nghệ thuật Bài Chòi; thể hiện đậm nét truyền thống văn hóa, đời sống cộng đồng của người dân miền Trung; bảo tồn, phát huy giá trị của Bài Chòi trong thời gian tới. Các tiết mục, hình ảnh và làn điệu Bài Chòi đặc sắc của 9 tỉnh trong khu vực Trung bộ cũng được trình diễn, giới thiệu trong chương trình.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên, việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng, các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Kết quả này cũng đồng thời ghi nhận sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương cùng các nghệ nhân trong việc bảo vệ di sản văn hóa nói chung, Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ nói riêng.
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, cho biết thêm từ năm 2012, sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và sự thống nhất của 9 tỉnh, thành phố, tỉnh Bình Định đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Hồ sơ trình UNESCO.
Ngày 7/12/2017, tại Jeju, Hàn Quốc, Hội nghị lần thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể, Ủy ban đã chính thức ra Nghị quyết đưa Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Việc Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là niềm vui đối với các tỉnh, thành phố có di sản: Bình Định, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa cũng như nhân dân cả nước.
Để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam tại Lễ đón bằng UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngành chức năng cũng phối hợp với các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp giới thiệu, quảng bá giá trị của di sản tới công chúng trong và ngoài nước, gắn bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cùng 9 tỉnh, thành khu vực Trung bộ tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, văn học và nghệ thuật truyền thống của di sản; tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản trong cộng đồng; hỗ trợ cộng đồng phục hồi, lưu truyền các bài bản cổ, các tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến di sản; mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới, phù hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị di sản Bài Chòi trong cuộc sống đương đại.
Tỉnh Bình Định đang xây dựng, hoàn thiện dự án nhằm bảo tồn nghệ thuật đặc biệt này; trong đó đề cao việc tôn vinh các cá nhân, câu lạc bộ, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; có chính sách, khen thưởng cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo vệ, trao truyền những giá trị văn hóa của di sản; tăng cường các hình thức giáo dục phù hợp trong và ngoài trường học để truyền dạy di sản Bài Chòi cho thế hệ trẻ.
Tại cuộc họp báo tổ chức ngày 24/4, các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng giải đáp nhiều câu hỏi xoay quanh các vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, đang được dư luận quan tâm như: Cấp giấy phép tổ chức các cuộc thi hoa hậu, người đẹp; xử lý nạn tranh giả; đào tạo nghệ sĩ cho các bộ môn nghệ thuật truyền thống; Nhà nước đặt hàng trong lĩnh vực điện ảnh…/.
MỸ BÌNH (TTXVN/VIETNAM+)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/thoi-su/le-don-bang-ghi-danh-nghe-thuat-bai-choi-se-dien-ra-ngay-55-20180424161831730.htm
|