Lăng Khải Định
|
So với các công trình lăng tẩm ở Huế thì lăng Khải Định có diện tích khá nhỏ nhưng thời gian để hoàn thành công trình này lại lâu nhất, lên tới 11 năm và tốn nhiều công sức tiền của nhất.
Cái khác biệt lớn nhất của lăng Khải Định với các lăng tẩm khác ở Huế chính là những công trình mang dấu ấn của nhiều trường phái kiến trúc khác nhau, đặc biệt là ảnh hưởng lớn của kiến trúc phương Tây. Có lẽ chính vì vậy mà lăng Khải Định có cái lạ, có phần ngông nghênh, phô trương và độc đáo so với các công trình kiến trúc truyền thống của Việt Nam.
Đây là nơi yên nghỉ của vị hoàng đế thứ 12 của triều Nguyễn – Khải Định (1885-1925). Có thể nói công trình phản ánh rõ nét tính cách xa hoa, thích chưng diện của vua Khải Định lúc sinh thời.
Ra đời trong sự giao thoa văn hóa Đông Tây, những công trình trong lăng Khải Định đều mang những nét kiến trúc châu Âu thế kỷ 19. Bạn sẽ ít thấy các vật liệu truyền thống của dân tộc như gỗ, đá, gạch, vôi mà thay vào đó là những cánh cửa sắt, những cây thánh giá khẳng khiu, những viên gạch caro ngói, hệ thống đèn điện…
Cung Thiên Định ở vị trí cao nhất là kiến trúc chính của lăng, nơi mà tài hoa của những người thợ được phô diễn, gởi gắm. Công trình này gồm 5 phần liền nhau: 2 bên là Tả, Hữu Trực Phòng dành cho lính hộ lăng; phía trước là điện Khải Thành, nơi có án thờ và chân dung vua Khải Định; chính giữa là bửu tán, pho tượng nhà vua và mộ phần phía dưới; trong cùng là khám thờ bài vị của ông vua quá cố. Toàn bộ nội thất của 3 gian giữa trong cung Thiên Định đều được trang trí những phù điêu ghép bằng sành sứ và thủy tinh.
Và người chịu trách nhiệm chính trong việc kiến tạo những tuyệt tác nghệ thuật trong lăng Khải Định là nghệ nhân Phan Văn Tánh, tác giả của 3 bức bích họa “Cửu long ẩn vân” lớn nhất Việt Nam. Ba tấm phù điêu này được trang trí trên trần của 3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định.
Ở một phương diện nào đó, sự đầu tư thái quá của Vua Khải Định vào công trình lăng tẩm của ông khiến người đời chê trách, nhưng nhìn vào giá trị nghệ thuật kiến trúc, lẫn trang trí nội thất còn nằm nguyên vẹn ở từng cái cột, hàng rào, nhà bia, hay những bức khám sành sứ tinh tế, những bức phù điêu kết hợp sành sứ thủy tinh khá sắc sảo…, người ta cũng phải thán phục thay, bởi chính cá tính ngạo nghễ của ông đã góp phần làm cho Ứng Lăng trở nên lạ và khá độc đáo trong lịch sử xây dựng lăng tẩm của các vua triều Nguyễn.
(Du lịch Việt Nam)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/su-pha-tron-kien-truc-dong--tay-cua-lang-khai-dinh-o-hue-20180307171019625.htm