Khung cửa đá Di tích Gò Xoài
|
Đó là Khu di tích khảo cổ Bình Tả (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa), thuộc văn hóa Óc Eo, được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa quốc gia tại Quyết định số 1570/VH-QĐ ngày 5/9/1989.
Bình Tả là một cụm gồm 17 phế tích kiến trúc và di chỉ cư trú phối hợp với một hệ thống bàu nước cổ ở xung quanh, do nhà khảo cổ học người Pháp - Henry Parmentier phát hiện vào năm 1910. Năm 1931 J. Y. Claeys khai quật một di tích kiến trúc được xây bằng gạch ở phía Tây Nam cụm di tích này là Gò Tháp Lấp. Năm 1987-1988, Sở Văn hóa-Thông tin Long An (nay là Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) phối hợp Viện Khoa học Xã hội tại TP.HCM khai quật 3 di tích trong khu vực này là Gò Đồn, Gò Xoài và Gò Năm Tước.
Gò Đồn là tên địa phương đặt cho một gò đất, nơi đây thời chiến tranh có đặt một đồn lính. Cuộc khai quật cho biết đây là một kiến trúc đền tháp xây bằng gạch (có diện tích 78,5m x 60m) với nhiều hiện vật bằng đá như tượng thần Dravapala (thần giữ đền), đầu tượng thần Ganesa (phúc thần), nhiều vật thờ như linga, yoni, máng dẫn nước thiêng (somasutra), bàn nghiền hương liệu (pesani), đá cuội, đá thờ và các cấu kiện kiến trúc như mi cửa, trụ đá chạm trổ hoa văn,… và nhiều đồ gốm cổ. Đây được nhìn nhận là một kiến trúc đền thờ quy mô lớn thuộc Ấn Độ giáo. Gò Năm Tước là gò đất được gọi theo cách gắn với tên người cũng là một di tích kiến trúc Ấn Độ giáo xây bằng gạch như Gò Đồn nhưng quy mô nhỏ hơn (17,2m x 11m).
Đặc biệt, tại Gò Xoài (do gò đất này có trồng nhiều cây xoài), cũng là một di tích kiến trúc xây bằng gạch, một sưu tập hiện vật vàng được phát hiện. Đó là những mảnh vàng lá hình chữ nhật, tứ giác, ngũ giác, lục giác chạm hình những linh vật như rùa, rắn, voi, hình người, hoa sen, chiếc nhẫn và mề đay nạm đá quý và một bản minh văn Sanskrit-Pali gồm 5 dòng có nội dung Phật giáo (Pháp Thân Kệ và Kinh Pháp Cú) và thần chú Mật Tông. Mẫu tự trên minh văn này được nhận định thuộc loại mẫu tự Nam Ấn. Gò Xoài được nhận định là một di tích tháp (stupa) của Phật giáo. Căn cứ trên các sưu tập di vật, dạng thể và quy mô của các kiến trúc và nhất là nội dung của bản minh văn Gò Xoài, có thể nhận định rằng, đây là trung tâm chính trị - quyền lực - tôn giáo của người xưa có niên đại 1.588 ± 65 năm cách ngày nay.
Để “sánh cùng” những trống đồng Ngọc Lũ, Bia tiến sĩ Văn miếu Quốc tử giám, tác phẩm “Ngục trung nhật ký”, “Đường Kách mệnh”, bản Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, tượng Phật nghìn mắt nghìn tay, bộ Cửu đỉnh, bộ Cửu vị thần công, tranh Vườn Xuân Trung Nam Bắc,… gắn liền với lịch sử-văn hóa dân tộc, Bộ sưu tập hiện vật vàng ở di tích Gò Xoài đã hội tụ những giá trị đặc sắc bởi yếu tố phát hiện tại chỗ, tính nguyên vẹn, chất lượng nghệ thuật, kỹ thuật tạo tác và giá trị khoa học đặc biệt, là di vật duy nhất thuộc loại này trong các di tích Óc Eo mà qua đó xác định một kiến trúc tôn giáo Phật giáo, bắt nguồn từ Ấn Độ, đồng thời phản ánh tính chất địa phương, yếu tố nội sinh Đông Nam Á, phản ánh tư duy tín ngưỡng của cư dân Óc Eo. Cùng với tượng thần Visnu, thuộc thế kỷ VII-VIII sau Công nguyên, phát hiện năm 1989 tại di tích Gò Trâm Quỳ, xã Hòa Khánh Nam cũng thuộc huyện Đức Hòa, bảo vật quốc gia này được Thủ tướng Chính phủ công nhận vào đợt 2, ngày 30/12/2013. Do chưa có điều kiện bảo quản đặc biệt nên việc trưng bày, giới thiệu trực quan bảo vật này đến công chúng còn hạn chế nhưng nó đã được giới thiệu qua sách, tạp chí khoa khọc và các ấn bản khác bằng tiếng Anh, tiếng Việt. Hai bảo vật quốc gia của Long An từng có mặt trong cuộc trưng bày đầu tiên về nghệ thuật cổ và truyền thống của Việt Nam được tổ chức tại Houston và New York (Hoa Kỳ) năm 2010.
Về thăm vùng đất Đức Hòa giàu truyền thống cách mạng với những di tích gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng, bạn đừng quên ghé thăm di tích Bình Tả không xa Khu di tích Ngã tư Đức Hòa, cạnh đó còn có chùa Linh Nguyên cổ kính, u tịch với những ngôi mộ tháp, vừa là một trong quần thể các di chỉ khảo cổ ở Bình Tả, vừa là di tích kiến trúc nghệ thuật, đặc biệt nhộn nhịp khách hành hương vào dịp rằm tháng Giêng, để cảm nhận và suy ngẫm cơ nghiệp của người xưa đã tạo dựng một nền văn minh một thời rực rỡ trên mảnh đất chúng ta đang sống hôm nay.
Văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa khảo cổ ở đồng bằng sông Cửu Long, có niên đại khoảng thế kỷ II đến thế kỷ VII sau Công nguyên. Theo kết quả nghiên cứu mới nhất, văn hóa Óc Eo ở Long An được phân định thành 3 giai đoạn phát triển: Giai đoạn tiền Óc Eo (thế kỷ III trước Công nguyên đến thế kỷ I sau Công nguyên); Giai đoạn Óc Eo (thế kỷ II đến thế kỷ VI-VII sau Công nguyên) và Giai đoạn hậu Óc Eo (thế kỷ VIII-IX sau Công nguyên).
|
Nguyễn Tấn Quốc (báo Long An)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/di-tich-khao-co-chua-dung-bao-vat-quoc-gia-20171204153432209.htm