Gành Lá Ngái rất đỗi nên thơ
|
Vượt quãng đường khoảng 20km theo tuyến Mỹ Trà - Mỹ Khê đến xã Tịnh Khê, chúng ta tiếp tục theo Quốc lộ 24B đến chợ Bình Châu rẽ trái đi khoảng vài cây số là đến UBND xã Bình Châu, sau đó rẽ phải. Bon bon trên con đường trải nhựa thẳng tắp, hai bên đường rợp bóng cây dương liễu làm cho chúng ta quên đi những mệt mỏi, căng thẳng, xô bồ nơi phố thị. Ở cuối con đường này, chúng ta rẽ phải vào con đường trong xóm nhỏ.
Ở đây, làng quê rất đỗi yên bình, những ngôi nhà của cư dân ven biển đơn sơ, nhưng được làm kiên cố, nằm xen lẫn trong những thửa bắp, ruộng tiêu xanh tắp trồng trên đất đỏ bazan. Ai đến đây cũng đều có cảm giác như đang lọt thỏm giữa vùng đất Tây Nguyên bạt ngàn. Đưa mắt nhìn ra phía biển, một gành Lá Ngái hiện ra như một bức tranh tuyệt mỹ, nằm bên mép biển.
Gành Lá Ngái kéo dài khoảng 2km. Tiếng sóng biển vỗ vào ghềnh đá đen, tạo nên âm thanh rì rào làm xao xuyến lòng người. Mà kỳ lạ lắm! Bờ biển ở gành Lá Ngái không phải trải dài bằng cát mà bằng những lớp đá đen lóng lánh. Nhiều người dân địa phương cho hay, có lẽ dung nham núi lửa phun trào đã tạo nên lớp bờ biển đá đen này. Đây cũng là vùng nằm trong phạm vi xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn- Bình Châu và vùng phụ cận.
Đi dọc bờ biển dưới những cây bàng tán rộng, sự bao la của biển cả hiện ra rõ hơn. Màu nước xanh trong veo, không khí mát lạnh phả vào người khiến cho lòng người ngất ngây. Những chiếc thúng với đủ sắc màu trên mặt biển khẽ đung đưa theo nhịp gió. Đứng ở bờ, phóng tầm mắt ra xa, đảo Lý Sơn hiện ra sau lớp hơi sương mờ ảo của biển, bỗng trở lên lung linh hơn bao giờ hết.
Sống ở gần gành Lá Ngái có gần chục hộ dân. Ông Nguyễn Trọn (83 tuổi) cho biết: Tôi sống đến từng tuổi này, nên chứng kiến gành Lá Ngái thay đổi rất nhiều. Nhưng cho dù mưa to, gió biển vẫn không hề tàn phá nơi đây. Bởi người dân vùng gành Lá Ngái sống ôn hòa, gần gũi với thiên nhiên. Những tán cây trên đồi được người dân bảo vệ, phía trước nhà dân những cây bàng cũng mạnh mẽ hướng ra biển đã rất lâu đời và lớp kè chắn sóng cũng được người dân đắp nền để bảo vệ dân mỗi mùa mưa bão. Bão tan, cảnh vật lại quay về như cũ. Biển vẫn hiền hòa.
Những hộ dân ở đây sinh sống bằng nghề nông và đánh bắt hải sản gần bờ. Cứ tầm khoảng sáng sớm hoặc giữa trưa, nếu chúng ta ghé đúng dịp thuyền thúng ngư dân vào bờ thì, sẽ tha hồ lựa chọn mua hải sản tươi sống của biển. Với bờ biển rộng, nhóm bếp lửa nhỏ lên, ngồi quây quần bên nhau nướng những con cá, tôm rồi cùng thưởng thức thì không gì sánh bằng. Những người dân nơi đây cũng gần gũi, mộc mạc. Họ sẽ giúp đỡ, hướng dẫn tận tình, giúp chúng ta có một cảm giác như trở về nhà, cùng thưởng thức bữa cơm ấm cúng hương vị gia đình. Vì thế, gành Lá Ngái nếu được quy hoạch, đầu tư bài bản sẽ trở thành một điểm du lịch lý tưởng không thua kém gành Yến hay Ba Làng An.
Đăng Sương/ Báo Quảng Ngãi
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/buc-tranh-da-o-ganh-la-ngai-20171114095830259.htm