Làng Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội nổi tiếng là nơi quy tụ hàng trăm họa sĩ “chân đất”, 2 bảo tàng mỹ thuật và rất nhiều phòng tranh gia đình. Với những đặc trưng không nơi nào có được đó, Cổ Đô hứa hẹn là một điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô.“Viên ngọc” chưa mài giũa
Địa chỉ đỏ cách mạng, nhà riêng ông Nguyễn Văn Lũy (Chủ tịch Ủy ban lâm thời huyện Quảng Oai năm 1945), nay trở thành nhà truyền thống xã Cổ Đô, nơi các họa sĩ mở lớp dạy vẽ miễn phí. Ảnh
Làng Cổ Đô mang dáng dấp của ngôi làng Bắc bộ truyền thống với những hàng cau, ngôi nhà ngói cổ kính nhưng ở đây trở nên đặc biệt hơn khi làng đến 30 người là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Cổ Đô cũng là làng “độc nhất vô nhị” khi có đến 2 bảo tàng về hội họa: Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô và Bảo tàng họa sĩ Sĩ Tốt và gia đình.
Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô chính thức hoạt động chuyên nghiệp từ đầu năm 2016. “Bảo tàng họa sĩ Sĩ Tốt và gia đình” đặt tại nhà riêng của cố họa sĩ Sĩ Tốt, một họa sĩ lão thành với những bức tranh nổi tiếng như “Tiếng đàn bầu”, “Bế con”... Bên cạnh đó, các họa sĩ của làng còn rất nhiều phòng tranh tại gia, trưng bày những bức tranh do chính chủ nhà “múa cọ”.
Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô đã được thành lập trên cơ sở quy tụ những người dân Cổ Đô yêu nghệ thuật hội họa. Hiện Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô có 30 thành viên đã mở được nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài thành phố. Ngoài sáng tác tranh, thành viên câu lạc bộ còn mở nhiều lớp dạy mỹ thuật miễn phí cho trẻ em trong khu vực.
Ông Đỗ Văn Sự, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô chia sẻ, các họa sĩ Cổ Đô chủ yếu sáng tác về chủ đề quê hương theo trường phái hiện thực bằng những chất liệu sơn dầu, sơn mài, màu nước với những bức họa về cánh đồng, con trâu, cây rơm, góc vườn…nơi họ sinh ra và lớn lên.
Bên cạnh bảo tàng, phòng tranh, Cổ Đô còn có những "địa chỉ đỏ". Đây là vùng đất của những danh nhân với hai lưỡng quốc Thượng thư là Nguyễn Sư Mạnh và Nguyễn Bá Lân, là nơi giao thoa giữa ba con sông lớn với Ngã Ba Hạc nổi danh, là làng lụa, làng thơ, làng nghề làm bún truyền thống.
Không gian Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô. Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN
Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp lữ hành, chị Trần Minh Đức - Công ty Du lịch Vietrantour cho biết, khi môi trường tour ở Hà Nội đang rất hiếm, nếu có thêm một sản phẩm du lịch độc đáo tại Cổ Đô, chắc chắn sẽ thu hút được nhiều khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Khách đến đây không chỉ được nghe giới thiệu về các họa sĩ mà còn được biết đến và trải nghiệm không khí của vùng quê thanh bình ngay gần Hà Nội.
Để Cổ Đô trở thành điểm đến du lịch
Điểm nhấn của Cổ Đô là một làng có nhiều họa sĩ, đồng thời cũng là một làng ven sông với những nếp sinh hoạt bình dị. Các chuyên gia lữ hành khẳng định, nếu được đầu tư đúng mức, Cổ Đô sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên, chặng đường để Cổ Đô thực sự trở thành một địa phương mạnh về du lịch còn dài và nhiều khó khăn.
Về cảnh quan, tuy Cổ Đô dày đặc các địa chỉ hấp dẫn nhưng đường đi chưa thuận tiện, vừa gồ ghề, vừa nhỏ hẹp, rác thải nhiều trên đường. Bên cạnh đó, vì chưa đưa vào khai thác du lịch nên Cổ Đô chưa có các cơ sở lưu trú, thiếu địa chỉ phục vụ nhu cầu ăn uống, ngay cả sản phẩm bún làm thủ công cũng chưa được giới thiệu rộng rãi và chưa cung cấp đủ cho thị trường.
Du khách thưởng lãm tranh tại bảo tàng mỹ thuật Sĩ Tốt và gia đình tại làng Cổ Đô. Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN
Đặc biệt, dù được biết đến là một làng họa sỹ nhưng không gian Cổ Đô vẫn chưa mang không khí của một vùng tranh. Bố cục và sự sắp xếp các bức tranh trong các bảo tàng và phòng tranh chưa hợp lý, thiếu ánh sáng nên chưa tạo được hiệu ứng thị giác. Các bài giới thiệu về bảo tàng còn nghèo nàn và không có hướng dẫn viên để lột tả hết được điểm đặc biệt của nghề họa làng Cổ Đô.
Ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc Công ty du lịch Mai Việt Travel nhận định, tiềm năng du lịch của Cổ Đô hiện hữu nhưng để khai thác thành một sản phẩm du lịch vẫn thiếu nhiều yếu tố. Theo ông Tráng, cần xây dựng một tuyến đường hợp lý, đi qua được tất cả những địa điểm nổi bật của Cổ Đô. Bên cạnh đó, cần có các dịch vụ cho du khách trải nghiệm như mở các lớp dạy vẽ, hay có người thuyết trình về lịch sử, bối cảnh, tiểu sử của họa sĩ và các bức tranh được trưng bày.
Về vấn đề này, ông Trịnh Xuân Tùng, Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Sở sẽ phối hợp với UBND huyện Ba Vì và UBND xã Cổ Đô xây dựng Cổ Đô thành một điểm đến. Trước hết, sẽ cải thiện cảnh quan, môi trường.
Sau đó, Sở sẽ hỗ trợ địa phương mời các nhà nghiên cứu, nhà sử học để hướng dẫn xây dựng các bài thuyết minh về địa phương và các danh nhân, họa sĩ, tập huấn cho người dân hiểu về cách làm du lịch và những giá trị của du lịch. Bên cạnh đó, động viên người dân phát huy những giá trị làng nghề để cung cấp thêm những sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách du lịch.