Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người >
  Ghe bầu Quảng Nam Ghe bầu Quảng Nam , Người xứ Nghệ Kiev
 

Biển và ghe bầu trở thành một dấu ấn quan trọng trong đời sống của cư dân miền Trung nói chung và cư dân Quảng Nam nói riêng trong suốt những thế kỷ từ 16 đến 19. Dân Hội An - Quảng Nam từng được người miền Trung và Nam bộ ngày xưa mệnh danh là dân ghe bầu.

Khoảng từ giữa thế kỷ 16, ghe bầu (thương thuyền) là phương tiện hàng hải quan trọng bậc nhất ở Việt Nam, tồn tại đến nửa đầu thế kỷ 20 và là sản phẩm độc đáo của những người thợ đóng ghe thuyền các tỉnh ven biển miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Trong đó nổi bật là ghe bầu xứ Quảng (Quảng Nam) và ghe bầu Phan Thiết (Bình Thuận).

Mô hình ghe bầu trưng bày tại Bảo tàng Gốm Sứ mậu dịch Hội An

Sản phẩm đặc sắc của nghề biển Việt Nam

Theo các nhà ngôn ngữ học, danh từ “ghe bàu” (ghe bầu) có lẽ là cách phát âm của người Việt khi đọc chữ prau hay perahu của ngôn ngữ Mã Lai. Trong tiếng Mã Lai, từ prau là thuật ngữ chung dùng để chỉ tất cả các loại thuyền buồm lớn, từ thuyền tam bản hoặc xuồng đến loại thuyền buồm vuông. Tuy nhiên theo ngôn ngữ học phương Tây, từ prau được dùng chỉ một loại thuyền chèo tốc độ mà những tên cướp biển tại Ấn Độ Dương đã thường xuyên sử dụng.

Trong các vùng biển ở nước ta thì biển miền Trung, nhất là biển xứ Quảng, là nơi nghề đánh bắt cá trên biển, đầm phá nước lợ và trên sông rất phát triển. Chính nơi đây đã cho ra đời ghe bầu - một sản phẩm đặc sắc của nghề biển Việt Nam, được từ điển hàng hải thế giới ghi nhận. Đây là loại thuyền mà mũi và lái đều nhọn, bụng bầu, độ ngấn nước sâu, nên thuyền có khả năng ra khơi xa. Bánh lái (kiểu lái cối, lái ống, lái âm dương...) đều có cấu tạo là sỏ lái xuyên trực tiếp vào bánh lái. Thuyền dùng loại buồm hình tứ giác hay cánh dơi. Mắt thuyền khắc hình dài, trước tròn, đuôi mắt dài nhọn... Chính nhờ loại ghe bầu này mà người dân xứ Quảng có thể vươn ra khơi xa để đánh bắt cá, đặc biệt là việc tổ chức đội lính Hoàng Sa có thể dùng thuyền ra chiếm cứ và canh phòng đảo cách xa đất liền gần 300 km.

Ghe bầu và prau Mã Lai – Nam Đảo có những chi tiết giống nhau khá cơ bản. Bên cạnh đó, ghe bầu xứ Quảng còn tiếp thu một số chi tiết kỹ thuật của thuyền buồm Địa Trung Hải, Tây Ấn Độ Dương và Nam Trung Hoa. Trong đó, yếu tố Trung Hoa thể hiện yếu hơn. So với hình ảnh chiếc thuyền Champa trên phù điêu Angkor và tháp B6 ở di tích Mỹ Sơn, ta thấy có nhiều điểm trùng với địa bàn cư trú của người Chăm trước đây. Kết hợp với nhiều tư liệu khác về đóng ghe bầu, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ghe bầu là kết quả trực tiếp của quá trình giao lưu kinh tế, văn hóa Việt – Chăm, của kỹ thuật đóng ghe cổ truyền Việt và kỹ thuật đóng thuyền Champa.

Phát minh của người Việt trong việc đóng thuyền bè, đặc biệt ghe bầu, đáng kể là ở sự mềm dẻo trong kiến trúc sườn và vỏ với hai đặc tính tiên quyết là ghe tàu phải nhẹ nhàng và có sức chịu đựng. Cả hai ưu điểm này đều tìm thấy ở các loại thuyền Việt Nam. Phần chìm dưới nước của thuyền làm bằng tre, phần nổi lên trên làm bằng các loại gỗ tốt như quỳnh, trường mật, săng lẻ. Tre không những rẻ, lại nhẹ, và ít bị tàn phá bởi mọt hay hàu hà như gỗ. Vỏ thuyền có tính co dãn nên chịu đựng sóng gió khá tốt và thường không hư hại khi lên bãi. Người ta đổi mê tre ba năm một lần, trường hợp có hỏng, thay thế cũng dễ, còn phần gỗ thường bền tới 15-20 năm. Thuyền được xảm kỹ lưỡng bằng xơ dừa hay phân trâu (nhét kín các kẽ hở). Một nguyên liệu rất quan trọng dùng trong việc đóng ghe bầu là dầu rái. Dầu rái dùng để trét thuyền mành, ghe bầu và cả thuyền thúng, thuyền nan. Đây là một nguồn lợi lâm sản đáng kể của Quảng Nam từ thế kỷ 19 về trước.

Ghe bầu Hội An có trọng tải rất lớn, từ 50 -150 tấn. Người ta nhận ra nó từ xa nhờ đuôi tàu với ba vòng đai mạn thuyền, sắp xếp trên dưới đường cong sàn ghe. Vào đầu thế kỷ 20, chỉ riêng các ghe bầu Thanh Châu, Cẩm Phô (ở Hội An) và Bàn Thạch, Duy Vinh, An Hòa (ở Duy Xuyên) cũng đã có đến 120 chiếc với tải trọng phổ biến từ 50 -100 tấn/chiếc.

 Nghệ nhân Huỳnh Ri – một trong những người khôi phục
lại làng mộc đóng thuyền ở Hội An

Ghe bầu hiên ngang lướt gió

Từ thế kỷ 17 – 18, ghe bầu đã góp phần quan trọng trong việc đưa những lưu dân và cả những phương tiện và công cụ của “những dân có vật lực ở xứ Quảng Nam, các phủ Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn” mà Lê Quý Đôn đã nhắc đến trong Phủ biên tạp lục, vào khai phá đất Gia Định.

Có nhiều cảng lớn miền Trung được thiết lập tại các cửa biển trọng yếu như cửa Nhật Lệ (Quảng Bình), cửa Việt (Quảng Trị), cửa Tư Hiền (Thừa Thiên-Huế), cửa Ðại Chiêm (Hội An, Quảng Nam), cửa Sa Kỳ (Quảng Ngãi), cửa Thị Nại (Quy Nhơn), cửa Nha Trang (Khánh Hoà), cửa Phan Rang (Ninh Thuận), cửa Phan Rí, cửa Phan Thiết (Bình Thuận). Mối quan hệ trao đổi hàng hoá giữa các cảng miền Trung vẫn còn diễn ra cho tới nửa đầu thế kỷ 20. Khi nói đến phương tiện chuyên chở chính ở miền Trung, người ta phải nói đến loại ghe bầu nổi tiếng của Quảng Nam trước đây và nhiều loại ghe đi xa trên biển gọi là ghe giã, nhiều chiếc dài 15-20 mét, có trọng tải từ 100- 150 tấn. Chính nhờ loại ghe bầu này mà sinh hoạt người dân xứ Quảng vươn lên, ra khơi, tiến triển mạnh mẽ.

Ở Quảng Nam, trong số các lái, không hiếm những người là chủ nhân của vài ba chiếc ghe bầu chuyên buôn bán đường dài ven biển. Tại Hội quán người Hoa ở Quy Nhơn vẫn còn một bia đá ghi lại mối quan hệ buôn bán giữa Hội An và Quy Nhơn bằng ghe bầu. Hội An đã hình thành nên những làng nghề buôn ghe bầu ở Thanh Châu, Cẩm Phô, Kim Bồng, Thanh Hà… Họ đi buôn bán khắp các cảng trong cả nước. Những chuyến hàng xuôi ngược từ Bắc vào Nam với những mặt hàng như đường, quế, mật ong, dầu phụng, đá vôi, cau khô, lúa gạo, vải vóc, sợi gai... đã góp phần tạo cho giao thương đường thủy phát triển.

Người đi ghe bầu thường phải xa nhà 3-4 tháng trời, cha mẹ, vợ con ở nhà thường nóng ruột, nên trong dân gian thường có câu: Lạy trời thổi gió nồm Đông/Cho buồm căng gió cho chồng tôi lên. Vận chuyển bằng ghe bầu gặp bao nhiêu nguy hiểm, nên vào thời ấy thì không gì hơn là người lái phụ phải lão luyện và có kinh nghiệm xem hiện tượng đoán thời tiết, giông gió.

Ngày xưa, người dân tham gia vào những chuyến hải trình dài ngày trên biển không có những phương tiện định vị hiện đại như la bàn sau này. Dân ghe bầu đã sáng tác ra các bài Vè các lái, Vè thủy trình hay Vè nhật trình bằng thể thơ lục bát mà người nào đi ghe bầu cũng thuộc làu. Đây thực sự là những cẩm nang đường biển, “Nhật trình đi biển”, giúp họ an toàn trên những chuyến đi xa, tránh được bãi đá ngầm, luồng lạch không an toàn, đồng thời ngâm nga để giải khuây lúc đi buôn đường dài. Ban đêm họ dựa vào các vì sao trên bầu trời, ban ngày dựa vào các dãy núi để tính toán lộ trình.

Ghe bầu ở Quảng Nam tồn tại cho đến sau Cách mạng tháng Tám (1945). Tại Cẩm Nam (Hội An) nay vẫn còn miếu thờ các vạn ghe bầu.

 Hình ảnh những chiếc ghe bầu tái xuất hiện trên sông Hoài

Tin vui là hình bóng của những chiếc ghe bầu đang dần dần xuất hiện trở lại trên sông Hoài. Những chiếc ghe bầu mới đóng theo mô hình ghe bầu cổ, vẫn mang hơi thở truyền thống, đã gợi lại những hình ảnh đẹp của ký ức xa xưa, là niềm tự hào của người dân xứ Quảng về trí tuệ uyên bác trong hành trình chinh phục biển khơi của cha ông ta thuở trước.

Thanh Hà (tổng hợp)

Nguồn quehuongonline.vn

http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/ghe-bau-quang-nam-20170914145236436.htm



  Các Tin khác
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
  + Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam (17/01/2023)
  + Cánh đồng Tà Pạ đẹp lạ như phim, dân mạng đang “phát sốt” tìm xem ở tỉnh nào của miền Tây (23/12/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65183431

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July