Tp Hồ Chí Minh luôn là một thành phố rộng lớn và thú vị cho bất cứ ai đặt chân đến đây lần đầu. “Choáng ngợp”, “quay cuồng”, “siêu bận rộn” và “cực kỳ sôi động”… là những gì mà người ta đã dành để nói tới Thành phố này. Nhưng bên cạnh nét hiện đại sôi động ấy cũng có những không gian cổ kính để du khách khám phá lịch sử của Thành phố. Hơn 300 năm là một khoảng thời gian không dài đối với một đô thị lớn, đô thị trung tâm, nhưng Sài Gòn – Tp Hồ Chí Minh đã trở nên một miền đất phồn hoa đô hội với những sắc thái văn hóa đa dạng.
Những công trình kiến trúc độc đáo
Nhiều công trình kiến trúc của Tp Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng rất nhiều theo phong cách nghệ thuật phương Tây. Điển hình như Ngân hàng Nhà nước chịu ảnh hưởng trào lưu Tân Nghệ thuật, trụ sở UBND Thành phố theo phong cách Đệ Tam Cộng hòa Pháp, Nhà Thiếu nhi với phong cách Tân Cổ điển, Nhà Rồng với phong cách Đông Dương, Nhà thờ Đức Bà với nghệ thuật Roman, Bưu điện Trung tâm với trường phái Chiết Trung, Nhà thờ Huyện Sĩ theo Tân Gotic… Mảng kiến trúc hiện đại bùng nổ đã tạo nên một thành phố Sài Gòn vừa cổ kính vừa hiện đại.
Trụ sở UBND Tp Hồ Chí Minh
|
Trụ sở UBND Tp Hồ Chí Minh trên đại lộ Nguyễn Huệ, quận 1 là một tòa nhà được xây dựng từ năm 1898 đến 1909 do kiến trúc sư Gardès thiết kế, mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp. Cấu trúc của tòa nhà khá đơn giản với phần chính giữa là tháp nhọn nhô cao, hai bên có hai tầng mái cân đối. Mặt tiền của toà nhà có 3 bức tượng đắp nổi. Đó là tượng một phụ nữ khoẻ mạnh và một đứa bé đang chế ngự bầy thú dữ (ở giữa). Hai phụ nữ khác trong tư thế cầm gươm (ở hai bên trái, phải). Đặc biệt phía trước tòa nhà là vườn hoa cây cảnh, nơi đặt bức tượng Bác Hồ với thiếu nhi của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu. Trước khi trở thành nơi làm việc của UBND Tp Hồ Chí Minh, tòa nhà có tên là Dinh Xã Tây, sau đổi thành Tòa Đô Chánh Saigon. Đây được coi là một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất Tp Hồ Chí Minh.
Dinh Độc Lập, tên gọi trước đây là Dinh Norodom, được khởi công ngày 23/2/1868, do kiến trúc sư Hermite phác thảo, đến năm 1871 thì hoàn thành. Công trình được xây cất trên một diện tích rộng 12 ha, bao gồm một dinh thự lớn với mặt tiền rộng 80m, bên trong có phòng khách với sức chứa 800 người, và một khuôn viên rộng với nhiều cây xanh và thảm cỏ. Phần lớn vật tư xây dựng Dinh được chở từ Pháp sang. Năm 1962, Dinh được xây lại trên nền đất cũ theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Ông đã kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật kiến trúc hiện đại và kiến trúc truyền thống phương Đông vào công trình. Ngày nay, Dinh Thống Nhất đã trở thành một trong những biểu tượng thiêng liêng của Thành phố.
Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ cũng là người giám sát việc khởi công xây dựng Chùa Việt Nam Quốc Tự vào năm 1964. Chùa được xây dựng với một ngôi tháp 7 tầng mái cong, chạm trổ tinh vi trong không gian thiên nhiên rộng rãi, với các cảnh quan đặc sắc hài hòa mang đậm bản sắc phong cách kiến trúc Việt Nam. Đến nay, Chùa Việt Nam Quốc Tự vẫn là điểm lui tới của các tín đồ Phật giáo xa gần và đông đảo các du khách khi đến với Tp Hồ Chí Minh.
Bảo tháp trong Chùa Việt Nam Quốc Tự
|
Trải qua gần 140 năm, qua nhiều biến động chính trị, lịch sử, Nhà thờ Đức Bà vẫn là công trình kiến trúc tuyệt tác của đô thị Sài Gòn. May mắn không bị phá hủy bởi chiến tranh như nhiều công trình khác, thời gian dường như cũng không thể làm tàn phai sự lộng lẫy của kiến trúc đặc sắc này. Là một công trình khá đặc biệt về quy hoạch - nằm giữa quảng trường, liền kề với không gian giao thông quảng trường, không hề có hàng rào và khuôn viên kế cận, Nhà thờ là một điểm nhấn trong không gian đô thị, có góc nhìn đẹp từ mọi phía. Khi thi công, hầu hết những nguyên vật liệu xây dựng, trang trí đều được chuyển từ Pháp sang, như: gạch xây, ngói, sắt thép, xi măng, kính màu trang trí và các kết cấu, phụ kiện kim khí…
Nằm cạnh Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Trung tâm Sài Gòn là tòa nhà được người Pháp xây dựng từ những năm 1886–1891 theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Villedieu cùng phụ tá Foulhoux. Công trình kiến trúc mang phong cách châu Âu kết hợp với nét trang trí châu Á. Bên ngoài, phía trước ngôi nhà trang trí theo từng ô hình chữ nhật, trên đó ghi danh những nhà phát minh ra ngành điện tín và ngành điện. Trên các ô có đắp hình các nam nữ đội vòng nguyệt quế, trên vòng cung ngôi nhà có chiếc đồng hồ lớn.
Chợ Bến Thành
|
Chợ Bến Thành là một trong những địa điểm tiêu biểu của Tp Hồ Chí Minh, là địa điểm yêu thích của nhiều du khách quốc tế. Thời kỳ đầu, chợ được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, được mô tả là "phố chợ nhà cửa trù mật ở dọc theo bến sông… Đầu phố phía Bắc là ngòi Sa ngư, có gác cầu ván ngang qua, hai bên nách cầu có dãy phố ngói, tụ tập trăm thứ hàng hóa, dọc bến sông ghe buôn lớn nhỏ đến đậu nối liền nơi bến có đò ngang chở khách buôn ngoài biển lên”. Năm 1860, người Pháp đã cho xây cất lại chợ bằng cột gạch, sườn gỗ, và lợp lá. Đến tháng 7/1870, chợ bị cháy mất một gian, phải xây cất lại bằng cột gạch, sườn sắt, lợp bằng ngói, tất cả có 5 gian gồm thực phẩm, hàng cá, hàng thịt, hàng ăn uống và hàng tạp hóa.
Ngoài những công trình cổ có kiến trúc độc đáo, Tp Hồ Chí Minh còn có những công trình hiện đại góp phần làm thay đổi diện mạo của Thành phố, như: Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Cầu Phú Mỹ, Đại lộ Đông – Tây, Hầm Thủ Thiêm, Tòa nhà Bitexco 68 tầng… Những công trình cổ - xưa đã trở thành di sản; ngày nay, Thành phố ngày một mới mẻ và hiện đại với những công trình mới. Tp Hồ Chí Minh đủ để khiến người ta vừa thích thú bởi sự rộng lớn và đa dạng của mình.
Thành phố không ngủ
Khi những ngọn đèn thắp lên những tia sáng đầu tiên thì cũng là lúc Tp Hồ Chí Minh khoác lên mình một chiếc áo mới - chiếc áo với nhịp sống đêm vô cùng tất bật và hối hả cùng nhiều điểm đến thú vị. Và đôi khi khiến ta chỉ muốn tạm gác lại những lo toan của cuộc sống để thu mình vào chiếc áo ấy, đắm chìm vào một Sài Gòn quyến rũ. Chẳng biết từ bao giờ đêm của Tp Hồ Chí Minh đã được ví von là “Đêm của thành phố không ngủ”.
Biết bao du khách đến với Tp Hồ Chí Minh và đã thức trọn đêm cùng với Thành phố, để tận hưởng nhịp sống năng động từng giây của thành phố này. Người ta cần một nơi để thức, để chuyện trò thâu đêm, để làm việc hay đơn giản là ngồi bên ly cà phê, nhâm nhi ngắm nhìn đường phố. Những quán cà phê của Thành phố lúc nào cũng lấp lánh ánh đèn, mở quán phục vụ 24/24h, đáp ứng nguyện vọng “thức cùng Thành phố” của biết bao người.
Đêm Sài Gòn là những buổi họp mặt bạn bè, gia đình trong những nhà hàng, quán ăn hay những quán cà phê cóc vỉa hè để tìm sự tươi mát trong lành sau một ngày làm việc mệt mỏi. Những đôi trai gái yêu nhau dạo bước chầm chậm trong công viên, hay đơn giản là cùng nhau ngồi trên chiếc xe gắn máy, vi vu phố phường. Đêm Sài Gòn là những quán bar sôi động dành cho giới trẻ hay những ai yêu thích phong cách hiện đại, mới mẻ. Đêm Sài Gòn còn là những khu chợ tấp nập du khách trong và ngoài nước.
Khu phố Tây nhộn nhịp của tiếng nói cười, tiếng nhạc xầm xình, tiếng những ly bia chạm nhau. Khách ta – tây đủ cả, chỉ cần cụng chai bia là có thể bắt đầu câu chuyện với những người lạ - thậm chí cách ta một nửa địa cầu. Khu phố đi bộ Nguyễn Huệ với không gian thoáng đãng, sang trọng cùng màn trình diễn nhạc nước hoành tráng; hát hò, trò chuyện, không khí náo nhiệt của một Sài Gòn về đêm được tái hiện rõ nét tại khu phố đi bộ này.
Tết Đinh Dậu này, Thành phố lại rực rỡ sắc hoa trên giao lộ Lê Lợi – Nguyễn Huệ với sự trang trí công phu, chia làm 3 phân đoạn chính: Mùa Xuân trên thành phố mang tên Bác; Thành phố văn minh - hiện đại - nghĩa tình; Khát vọng ngời sáng.
Những phố xá đèn sáng choang, sinh hoạt và vui chơi giải trí kéo dài đến tận khuya. Những dòng xe cộ hối hả trên khắp các ngả đường như không bao giờ dứt. Khi đêm đã về khuya, Sài Gòn có những nơi khiến bạn chỉ muốn ở lì tại đó suốt đêm. Dù bạn thích không gian yên tĩnh để ngắm nhìn phố phường vắng lặng hay muốn thấy được những xa hoa nhộn nhịp giữa đêm thì Sài Gòn luôn đưa bạn đến nơi cần đến.
Hầm Thủ Thiêm
|
Phát triển du lịch bền vững
Những năm qua, ngành du lịch của Tp Hồ Chí Minh luôn giữ vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Lượng khách du lịch quốc tế đến Thành phố gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, góp phần nâng cao vị thế du lịch của Thành phố trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Ngành du lịch Tp Hồ Chí Minh cũng đã nỗ lực và sáng tạo tổ chức định kỳ một số sự kiện du lịch mang tầm vóc quốc gia và quốc tế, dần khẳng định thương hiệu riêng, độc đáo của mình. Du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố.
Lượng du khách đến Tp Hồ Chí Minh ngày càng tăng càng đặt ra cho ngành du lịch những cơ hội và thách thức để duy trì và phát triển bền vững. Từ điều kiện cụ thể của địa phương, những năm qua, theo hướng phát triển du lịch bền vững, Đảng bộ Thành phố đã chủ trương: “Đưa ngành du lịch Thành phố thực sự là một ngành công nghiệp với sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh với các trung tâm du lịch của các nước trong khu vực”, coi du lịch là thế mạnh và là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trong những năm qua, lượng khách quốc tế đến TP.HCM bình quân tăng 8,2%/năm, doanh thu bình quân tăng 16,4%, chiếm tỉ trọng khoảng 9% trong tổng GDP của Thành phố.
|
Du lịch không chỉ để đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá và nghỉ dưỡng mà còn để tìm kiếm đối tác, phát triển việc kinh doanh... Đây là lý do hình thành loại hình du lịch MICE (Meeting - hội họp; Incentive - Khen thưởng; Convention - Hội nghị; Exhibition - Triển lãm). Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh cùng với sức hút trong thu hút đầu tư, Tp Hồ Chí Minh hứa hẹn sẽ thu hút một lượng lớn các cuộc họp, hội thảo quốc tế, và theo đó, khách du lịch loại hình này cũng ngày càng tăng. Việc Tp Hồ Chí Minh trở thành “điểm nóng” về du lịch MICE sẽ thu hút một lượng lớn các cuộc họp quốc tế và khách du lịch với số lượng ngày càng tăng, điều này sẽ tạo ra nguồn thu đáng kể cho tất cả các ngành liên quan của Thành phố.
Tp Hồ Chí Minh chào đón khách quốc tế
|
Để phát triển du lịch bền vững, Tp Hồ Chí Minh tăng cường xúc tiến, quảng bá đầu tư, thương mại, du lịch để giới thiệu hình ảnh Thành phố với các nước trên thế giới, nhằm thu hút khách du lịch tới Thành phố và tìm kiếm cơ hội đầu tư, từ đó tranh thủ vốn của các nhà đầu tư nước ngoài phát triển kinh tế Thành phố nói chung cũng như đầu tư thương mại du lịch nói riêng. Đặc biệt là việc chú trọng phát triển du lịch bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo hài hòa tương tác giữa khai thác phát triển du lịch với bảo vệ giá trị tài nguyên tự nhiên và nhân văn để vừa làm thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch, vừa tạo cơ sở động lực cho sự phát triển kinh tế của Thành phố được thực hiện đồng bộ.
Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được quan tâm đặc biệt, ngành du lịch Tp Hồ Chí Minh đã đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng cường, củng cố và cải thiện chất lượng các sản phẩm du lịch đã có; tiếp tục nâng cao chất lượng các điểm tham quan có sức thu hút cao như: Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, Dinh Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bưu điện Thành phố, Nhà thờ Đức Bà, hệ thống các chùa… Đồng thời xây dựng các sản phẩm mới và mang tính đặc thù như: Khu phố đi bộ ở quận 1 tại đường Đồng Khởi - Nguyễn Huệ; xây dựng tuyến du lịch tham quan khu phố Đông y quận 5 kết hợp với nhà hàng thực dưỡng. Chú trọng các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng với khu vực phụ cận và ra các nước như Campuchia, Thái Lan, Singapore…
Thành phố chủ động đẩy mạnh công tác cải cách và tăng cường quản lý nhà nước về du lịch, trong đó quan tâm phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo Phát triển Du lịch Thành phố trong việc tham mưu, đề xuất để Trưởng Ban Chỉ đạo điều phối những hoạt động phối hợp các sở, ngành, quận, huyện với Sở Du lịch. Nâng cao năng lực quản lý về du lịch, công tác quy hoạch, kế hoạch thanh kiểm tra; xây dựng và xác lập hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về du lịch được chính xác đồng bộ và đề ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng du lịch. Đồng thời, nâng cao năng lực hoạt động của lực lượng bảo vệ du khách, bảo vệ các địa bàn trọng điểm du lịch, tăng cường các biện pháp khuyến cáo du khách về an ninh, thành lập các đội tình nguyện hỗ trợ du khách…
Tp Hồ Chí Minh đang tạo bước phát triển mới cho du lịch và các vùng lân cận; phát huy sức mạnh nội lực, khai thác các thế mạnh tiềm năng, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Tp Hồ Chí Minh trở thành trung tâm du lịch đứng đầu cả nước; phát triển du lịch đồng thời với việc duy trì và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn Thành phố, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Mai Lan (tổng hợp)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/tp-ho-chi-minh-tu-co-kinh-den-hien-dai-20170123161326837.htm
|