Phơi gốm
|
Trong cuốn "Nửa tháng trong miền Thất Sơn", nhà văn, học giả người An Giang Nguyễn Văn Hầu đã ghi lại cảnh tấp nập và sự trù phú một thời của làng gốm Khmer ở Tri Tôn, An Giang: "Phía dưới bến chợ có vô số là nồi. Người ta chất nồi trong nhà vựa, để nó ở trên bãi và chuyển xuống đầy ghe. Nhiều chiếc ghe to chở đầy nồi và chồng lên cao nghệu như núi. Thế mà cũng vững trân...".
Ông Chau Tra, người Khmer ở ấp Phnôm Pi, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, thì bảo gốm của người Khmer khá đơn giản, nhưng khi xưa, nó lại là một thương hiệu gốm nổi tiếng về cả chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Chẳng thế mà thuyền ghe của thương lái từ các tỉnh lân cận đậu kín bến sông Tri Tôn, chờ mua gốm.
Cảnh trên ghe dưới thuyền tấp nập người mua đồ gốm giờ chỉ còn lại trong ký ức của những người Khmer ở ấp Phnôm Pi (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang). Ấp Phnôm Pi, như những ấp bà con Khmer ở đây, lặng lẽ, bình yên bên chân núi Cấm, thưa thớt khách đường xa. Hơn 20 hộ dân trong ấp còn gắn bó với nghề gốm, chủ yếu là những đã trung tuổi, không muốn nghề truyền thống của ông cha bị thất lạc.
Sản phẩm gốm của người Khmer ở Châu Lăng rất đơn giản, chỉ là những chiếc nồi, ấm, lu, vại, bếp lò (bà con còn gọi là cà ràng), khuôn bánh khọt... Sản phẩm cũng thô sơ, không cầu kì về kiểu cách, hình dáng, hầu như không có hoa văn trang trí. Tất cả các công đoạn đều được làm bằng tay, không có khuôn mẫu hay bàn xoay.
Theo những hộ làm gốm ở Phnôm Pi, không phải đất nào cũng làm gốm được. Đất làm gốm phải là đất lấy dưới chân núi Cấm, bà con còn gọi là núi Na-ti-na. Đó là loại đất sét có màu vàng xám, nhuyễn. Tuy nhiên, theo Bà Neang Kim Sinh, một người chuyên làm cà ràng cỡ nhỏ ở ấp Phnôm Pi, để làm ra những sản phẩm gốm có màu sắc đẹp và độ bền cao, bà con thường trộn đất sét với một tỉ lệ nhỏ đất đỏ, cũng lấy ngay chân núi, nhưng cách khu đất sét khoảng hơn 1 cây số.
Ông Chau T'ra, một hộ chuyên làm nồi và cà ràng, bảo rằng: Lấy đất - làm đất là công việc của những người đàn ông, bởi việc này khá nặng nhọc, vất vả. Đất trên bề mặt không thể làm gốm được, mà phải đào sâu ít nhất 5 thước; lấy được đất về rồi, phải đập đất, nhào đất cho thật nhuyễn.
Có một điều đặc biệt là mỗi một gia đình làm gốm ở Phnôm Pi không làm nhiều loại sản phẩm này, mà chỉ chuyên một mặt hàng nào đó. Vì thế, mỗi phụ nữ ở ấp Phnôm Pi cũng chỉ chuyên về tạo hình cho một vài sản phẩm, người thì chuyên làm nồi, người chuyên làm cà ràng, người lại chuyên làm khuôn bánh khọt.
Những chiếc nồi, chiếc cà ràng do những người phụ nữ ở Phnôm Pi làm, không chiếc nào giống chiếc nào. Bởi, họ không có bất kì một chiếc khuôn nào để tạo hình cho sản phẩm của mình. Tất cả đều được nặn bằng tay, từng cái một.
Bà con Khmer ở Châu Lăng không xây lò đốt gốm, mà đốt trực tiếp ngoài sân. Sản phẩm thô làm xong, phơi khoảng 3 - 5 nắng, rồi 2, 3 nhà gom lại, đốt chung một mẻ. Người ta đặt những chiếc nồi nhỏ bên nồi lớn, hoặc các sản phẩm to ở giữa, các loại nhỏ xung quanh. Khi đốt, lửa chỉ âm ỉ, nếu ngọn lửa cháy bùng lên là gốm sẽ không chín. Ông Chau T'ra bảo, vì thế, rơm củi mà khô quá thì phải ngâm nước cho ẩm.
Chờ thêm nửa ngày cho gốm nguội, người Khmer ở Phnôm Pi đã có một mẻ gốm. Những chiếc nồi, chiếc cà ràng màu đỏ nhạt, do kết hợp 2 loại đất, do nung ở nhiệt độ thấp, được các chị em người Khmer gánh hoặc chở trên những chiếc xe đạp đi bán dạo ở các phum sóc xa gần.
(VOV4)