(HNM) - Đêm 19-12-1946, dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân Hà Nội đã nổ súng “Mở đầu toàn quốc kháng chiến”. Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Thủ đô đã giam chân địch trong thành phố suốt 60 ngày đêm, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đập tan âm mưu đánh úp của thực dân Pháp, bảo vệ an toàn cho Trung ương Đảng, Chính phủ, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị mọi mặt và vững tin bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. “60 ngày đêm khói lửa”, quân và dân Thủ đô viết nên khúc tráng ca hào hùng trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, góp phần làm tỏa sáng giá trị văn hiến nghìn năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
Quân số của Pháp hơn gấp 2,6 lần quân ta, vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại và lớn hơn nhiều lần lực lượng của ta. Tuy bất lợi về lực lượng, nhưng quân dân Thủ đô vẫn không nao núng, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Bộ Tổng chỉ huy, bình tĩnh, tự tin, sẵn sàng mọi mặt cho cuộc chiến được dự báo trước đầy cam go, quyết liệt. Các khu phố và liên khu phố đều thành lập các đội làm công tác cứu thương, tiếp tế, phá hoại, tình báo, giao thông, tản cư, địch vận, trừ gian, các tổ sản xuất và sửa chữa vũ khí, quân cụ. Các đơn vị tự vệ có sự giúp sức của thanh niên các địa phương, đã bí mật đào đắp công sự chiến đấu, đào giao thông hào, tạo vật chướng ngại, hình thành các chiến lũy ở các cửa ô và trên đường phố để ngăn cản cơ giới địch; đục lỗ bắn, đục tường thông nhà ở các dãy phố để cơ động chiến đấu. Nhiều gia đình ở Hà Nội đã ủng hộ toàn bộ tiện nghi quý trong nhà như: Sập gụ, tủ chè, trường kỷ, thậm chí cả vật dụng, đồ thờ của gia đình, dòng họ để xây dựng chiến lũy…
Ngày 16-12-1946, tại trụ sở của Bộ Chỉ huy mặt trận Hà Nội, Chỉ huy trưởng Vương Thừa Vũ đã báo cáo toàn bộ công tác chuẩn bị tác chiến của lực lượng vũ trang Hà Nội với các đồng chí trong cơ quan Tổng chỉ huy là Võ Nguyên Giáp và Hoàng Văn Thái. Chủ tịch Ủy ban bảo vệ Khu 11 và Bộ Chỉ huy Mặt trận Hà Nội đã ra mệnh lệnh chuẩn bị chiến đấu cho toàn thể lực lượng vũ trang Thủ đô nêu rõ: Vệ quốc đoàn, dân quân tự vệ, công an xung phong toàn thành từ giờ phút này phải chuẩn bị gấp. Bất kỳ lúc nào có lệnh, toàn thể bộ đội, dân quân tự vệ, công an phải triệt để tấn công vào các vị trí địch theo như nhiệm vụ của đơn vị đã định trong kế hoạch.
Sau khi nhận được mệnh lệnh, tại nhiều địa điểm trong thành phố, các chiến sĩ Vệ quốc quân, Quyết tử quân, dân quân tự vệ đã làm lễ tuyên thệ với lời thề: “Sống chết với Thủ đô”, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Với lòng yêu nước và ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập của dân tộc, quân dân Thủ đô sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu quyết tử với quân thù. Cuộc chiến đấu của quân dân Thủ đô trở thành biểu tượng sáng ngời về ý chí kiên cường và truyền thống đoàn kết “cả nước đồng lòng, toàn dân đánh giặc”.
Chiều 19-12, Bộ Chỉ huy Chiến khu 11 ra Mệnh lệnh tấn công cho lực lượng vũ trang toàn thành phố, quyết giành quyền chủ động trong chiến tranh, phá tan ngay từ đầu âm mưu đánh úp của thực dân Pháp, theo phương án đã được Bộ Tổng chỉ huy phê duyệt, 20 giờ 3 phút ngày 19-12-1946, khi đèn điện thành phố vụt tắt, quân dân Hà Nội đồng loạt tiến công 21 vị trí quân Pháp đóng quân và hoàn toàn làm chủ tình thế, dựa vào công sự, chiến lũy và thế liên hoàn của các căn nhà, dãy phố, kiên cường chiến đấu gây cho địch nhiều tổn thất. Các chiến sĩ “cảm tử quân” ôm bom ba càng lao vào diệt xe tăng, thiết giáp, gây nên nỗi kinh hoàng cho quân Pháp. Hình ảnh dũng cảm, kiên cường của chiến sĩ cảm tử trở thành biểu tượng của ý chí “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Trên toàn thành phố, các cuộc tập kích địch liên tiếp nổ ra, ngăn chặn bước tiến của địch. Mỗi căn nhà, mỗi góc phố, mỗi xóm làng nội, ngoại thành Hà Nội thực sự là một pháo đài chiến đấu kiên cường, vững chắc.
Trong 60 ngày đêm chiến đấu, với phương thức “không đánh trận địa với địch, không đương đầu với hỏa lực mạnh của địch, không rõ địch không đánh”, quân dân Thủ đô luôn giành thế chủ động tiến công, chiến đấu dũng cảm, kiên cường, đầy mưu trí sáng tạo. Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngự và tiến công, giữa đánh du kích và đánh vận động, giữa đánh ở bên trong và đánh từ bên ngoài, dùng những phân đội nhỏ có tính cơ động nhanh, dựa vào chiến lũy, những căn nhà, ngõ phố, ban ngày chặn đánh không cho địch cơ động, phát triển chiến đấu, ban đêm luồn lách, tập kích quân địch khắp mọi nơi đẩy chúng lâm sâu vào thế bị động đối phó. Với hơn 100 trận đánh trong nội thành, quân Pháp chỉ chủ động tiến công ta khoảng 30 trận, còn lại là ta chủ động tiến công địch. Qua 60 ngày đêm chiến đấu quân dân Thủ đô đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 2.000 tên địch, phá hỏng 22 xe tăng và xe thiết giáp, 31 xe vận tải, bắn rơi và bắn hỏng 7 máy bay địch, bắn chìm 2 ca nô. Vừa đánh vừa phát triển lực lượng, ngày 6-1-1947, Trung đoàn Liên khu 1 (tiền thân của Trung đoàn 102 - Thăng Long, Sư đoàn 308 ngày nay) được thành lập ngay trong lòng địch, tạo thêm niềm phấn khởi, tin tưởng không chỉ quân dân trên mặt trận Hà Nội mà cho quân dân cả nước. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giam chân địch, Trung đoàn Thủ đô đã thực hiện cuộc lui quân “thần kỳ”, rút khỏi thành phố trong vòng vây khép kín của kẻ thù, vượt qua sông Hồng, lên Chiến khu an toàn.
“60 ngày đêm chiến đấu” mở đầu Toàn quốc kháng chiến của quân dân Hà Nội kết thúc thắng lợi, góp phần quan trọng bảo vệ cơ quan Trung ương, Chính phủ, các đoàn thể và các cơ quan của thành phố rút lên Chiến khu an toàn, làm thất bại hoàn toàn âm mưu chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp. Cuộc chiến đấu dũng cảm, kiên cường, mưu trí của quân dân Thủ đô Hà Nội là bức tranh hoành tráng khắc họa đậm nét cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện của Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, để lại kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật tác chiến trong thành phố và ý chí, tinh thần quyết đánh, quyết thắng và biết thắng. Chiến công của quân dân Thủ đô trong 60 ngày đêm đã phát huy tác dụng cổ vũ tinh thần, khí thế và trí tuệ của quân dân cả nước, tạo điều kiện thuận lợi để đất nước bước vào cuộc kháng chiến một cách chủ động, vững vàng, tự tin, tạo tiền đề cho quân dân cả nước thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Khúc tráng ca “60 ngày đêm khói lửa” - mở đầu toàn quốc kháng chiến đã, đang và sẽ tiếp tục là nhịp bước quân hành của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô, là động lực tinh thần to lớn để quân dân Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vững bước trên con đường đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Thiếu tướng Nguyễn Thế Kết Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/856936/bai-8-60-ngay-dem-khoi-lua---khuc-trang-ca-cua-quan-va-dan-thu-do
|