Miền Tây sông nước là nơi tập trung đông dân cư, nơi trù phú cá tôm và cũng là vùng đất mang đậm bản sắc nhất ở Nam Bộ. Văn hóa miền Tây thân thuộc từ hình ảnh cây dừa, con đò, bến nước, hệ thống kênh rạch chằng chịt, những khu rừng ngập mặn cùng bao đặc sản ẩm thực nghĩ tới là thèm. Cũng chính bởi thế mà nhiều bộ phim Việt đã lấy bối cảnh ở đây, để kể về cuộc sống và số phận lênh đênh của những người dân ở xứ này.
Đất phương Nam – rừng U Minh
Đất phương Nam là bộ phim được sản xuất vào năm 1997. Đạo diễn mất một năm để đi tìm các bối cảnh phù hợp và 3 năm để hoàn thành chúng. Cũng chính vì vậy mà khi ra mắt, bộ phim đã thu hút sự chú ý của khán giả với những hình ảnh mang tính đặc trưng của miền Tây Nam Bộ như rừng tràm bạt ngàn, dòng sông chảy nặng phù sa, những cây cầu khỉ vắt vẻo, con người mộc mạc hay cả những trò đùa nghịch ngợm đặc trưng của trẻ con nơi đây.
Trong các bối cảnh của phim, người xem, đặc biệt là người miền Tây, sẽ nhận ra khu rừng U Minh Hạ, cách thành phố Cà Mau 50 km. Cánh rừng xanh thẳm ngút tầm mắt, trải dài tít tắp về phía chân trời, dòng kênh rạch mang màu đỏ đặc trưng do lá tràm rụng xuống phân hủy tạo thành. Ngoài ra, phim còn được quay ở khu di tích Xẻo Quýt (Đồng Tháp), sông Tiền, sông Hậu trải dài tới Rạch Giá – Kiên Giang, Năm Căn – Cà Mau với cánh đồng bát ngát mênh mông sóng nước và rừng rậm.
Mùa len trâu – Cà Mau
Phim Mùa len trâu lấy bối cảnh về vùng đất Cà Mau. Mỗi khi mùa mưa về, nước tràn ngập mọi nơi, để cứu đàn trâu không bị chết đói vì thiếu cỏ, người ta tổ chức những cuộc “len trâu”, tìm đến những khu đất cao, nơi có cỏ. Đây là một phần trong đời sống người dân ở đây.
Bộ phim được đầu tư kinh phí khá lớn về bối cảnh, do đó có sức chinh phục người xem mạnh mẽ, bởi chất Nam Bộ đặc sệt trong hầu hết các khuôn hình: đoàn đi len giữa hàng trăm con trâu giữa cánh đồng nước nổi, mưa dầm giữa buổi chiều trong tiếng đàn bầu buồn nẫu ruột, cơn lũ tràn về giữa đêm khuya cuốn trôi nhà cửa, người dân ăn cơm nắm với mắm, ngủ trong chiếu quấn thay chăn màn, người chết không có đất chôn giữa mùa nước, túp lều giữa đồng nước nổi…
Hương phù sa – Bến Tre
Bộ phim ghi dấu tên tuổi của các diễn viên Tăng Thanh Hà, Kim Hiền, Quốc Thái và Minh Thư. Hương phù sa phải mất khoảng hai tháng để quay chỉ những cảnh ở miền Tây, chiếm thời lượng khá dài trong toàn bộ phim.
Cảnh phim được quay chính ở chợ Cái Quao, Mỏ Cày, Bến Tre, nơi tấp nập cảnh chợ nổi, lãng mạn trong những cuộc hẹn hò trên sông. Kết nối không gian đầy ắp sông nước của phim có 2 trại xuồng, một bến sông, một trại nuôi cá, một khu nhà cổ… Các nhân vật di chuyển từ nơi này qua nơi khác chỉ toàn bằng xuồng máy y như người dân miền Tây.
Cánh đồng bất tận – Đồng Tháp Mười
Một bộ phim điện ảnh khác cũng lấy bối cảnh về miền Tây là Cánh đồng bất tận. Những cảnh bắt cá, tắm đồng, hay những buổi họp chợ trên sông rất đặc trưng của miền sông nước đều được phim khắc họa một cách chân thật và sinh động.
Đoàn phim chọn chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) để quay cảnh mở đầu phim. Cảnh sông nước miền Tây, những nơi con đò đi qua, cánh đồng lúa vàng, hệ thống lò gạch có tạo hình độc đáo ven sông ở tỉnh Đồng Tháp được quay đầy nghệ thuật.
Đoàn phim bám trụ giữa Đồng Tháp Mười hơn một tháng rưỡi, phim trường chính nằm trong Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn phát triển dược liệu, thuộc xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, giáp biên giới Campuchia. Giữa một hòn đảo nằm lọt ở vùng sông nước mênh mông, bạt ngàn tràm, bàng (cói), lại có một khu dân cư với mấy ngôi nhà lớn, nhà hai tầng, có máy lạnh, ban đêm điện sáng rực… Đây cũng là địa điểm quay bộ phim nổi tiếng Cánh đồng hoang.
Bồng bềnh trên sông – Cần Thơ, Vĩnh Long
Bộ phim này đang được trình chiếu nhưng cũng kịp để lại cho khán giả những tình cảm thân thương dành cho những số phận lênh đênh “bồng bềnh trên sông” của những cô gái miền Tây.
Khán giả sẽ không chỉ bị hút bởi lối kể chuyện mộc mạc, chân thành nhưng đầy cảm xúc, mà còn không thể rời mắt khỏi khung cảnh miền sông nước đẹp nao lòng. Phim được quay chính ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Cát Lái (TP HCM) với những con ghe ngược xuôi ngang dọc, phiên chợ nổi tấp nập kẻ mua người bán, con đường đất dẫn đến bến nước, hàng dừa đặc trưng, chỉ cần người miền Tây xem qua là trào lên nỗi nhớ nhà.
(Theo Ngôi sao)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/mien-tay-than-thuong-qua-cac-bo-phim-viet-noi-tieng-20161103155548766.htm