Thứ Tư ngày 18/05/2016
(HNMO)- Đảo Trường Sa được mệnh danh là “Trái tim của huyện đảo Trường Sa”. Đảo giống như một pháo đài sừng sững kiên trung giữa biển Đông. Đây là hòn đảo lớn của quần đảo Trường Sa, cách Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) khoảng 254 hải lý.
Đảo có hình dáng gần như một tam giác vuông, mặt đảo bằng phẳng, thổ nhưỡng trên đảo là cát san hô được phủ một lớp mùn mỏng lẫn phân chim của nhiều loài chim sinh sống như hải âu, hải yến, vịt biển.
So với mực nước biển lúc thủy triều xuống thấp nhất, mặt đảo cao khoảng 3,4-5m. Do nằm trên nền san hô ngập nước nên trên đảo có nước lợ nằm ở độ sâu khoảng 2m rất thuận tiện cho tắm giặt, tưới cây. Có thể nói, đây chính là sự ưu đãi của thiên nhiên cho con người ở đảo.
Điều kiện khí hậu, thủy văn ở đảo Trường Sa mang đặc trưng khí hậu, thủy văn của quần đảo Trường Sa, có mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp; mùa khô từ tháng 2 đến tháng 5, mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 1 năm sau.
|
Nhà khách Thủ đô trên đảo Trường Sa |
Thực vật trên đảo chủ yếu là cây phong ba, bàng vuông, xương rồng, muống biển và một số loài cỏ lau thân mềm, cỏ lá kim nhưng sự phát triển, sinh trưởng kém do sự khắc nghiệt của khí hậu.
Xung quanh đảo có nhiều loài ốc, cá, hải sâm. Khu vực biển quanh đảo có nguồn hải sản phong phú có giá trị kinh tế cao, vì thế đã thu hút nhiều tàu đánh bắt cá xa bờ của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên,… Chính điều kiện trên đã làm cho mảnh đất nơi đây in đậm những dấu vết của Việt xưa. Những phát hiện khảo cổ là căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định vững chắc chủ quyền quần đảo Trường Sa là của Việt Nam.
|
Ngôi chùa trên đảo Trường Sa |
Đảo Trường Sa (thị trấn Trường Sa) là trung tâm hành chính của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Trên đảo có các công trình, như: nhà đèn, nhà dân, chùa, trạm khí tượng thủy văn, nhà khách Thủ đô, Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Tượng đài Liệt sỹ. Nằm ở trung tâm quần đảo Trường Sa, đảo Trường Sa là nơi thuận tiện cho ngư dân tránh gió.
Trên thực tế, nhiều năm qua ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam và một số địa phương ven biển Nam Bộ mỗi khi xa bờ, ra khơi sản xuất, bất ngờ có bão, giông, đau ốm, bệnh tật phần nhiều đã đến đảo Trường Sa tạm lánh, cấp cứu, điều trị, tiếp nhận nước ngọt, lương thực, thực phẩm và rau xanh…
Một số hình ảnh trên đảo Trường Sa:
|
Đoàn công tác số 9 do Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn làm Trưởng đoàn đến thăm đảo Trường Sa ngày 29/4/2016 |
|
Quân và dân trên đảo Trường Sa chào đón đoàn công tác số 9 - năm 2016 |
|
Lễ chào cờ trên đảo Trường Sa ngày 29/4/2016 |
|
Lễ diễu binh tại đảo Trường Sa |
|
Lễ tưởng niệm liệt sỹ tại đài tưởng niệm liệt sỹ trên quần đảo Trường Sa |
|
Dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đảo Trường Sa |
|
Thăm nhà ở của các chiến sỹ trên đảo |
|
Giây phút giải lao của chiến sỹ đảo Trường Sa |
|
Tặng quà cho trẻ em trên đảo |
|
Phóng viên Báo Hànộimới trao quà do đoàn viên thanh niên tòa soạn báo gửi tặng chiến sỹ trên đảo |
|
Vườn rau xanh trên đảo Trường Sa |
|
Giếng khơi - nơi cung cấp nước sinh hoạt hằng ngày cho chiến sỹ và nhân dân |
|
Chăn nuôi gà cải thiện đời sống |
|
Chương trình giao lưu văn nghệ tại đảo Trường Sa tối ngày 29/4/2016 |
Hưng Thịnh
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/834578/truong-sa--phao-dai-kien-trung-giua-bien-dong
|