19/04/2016
Đến Quảng Bình mùa này, nếu bạn muốn ngắm bãi cát vàng, thỏa thích vùng vẫy trong làn nước biển xanh thì bãi biển Đá Nhảy hay bãi biển Nhật Lệ tuyệt đẹp là nơi thích hợp nhất. Nhưng nếu bạn vừa muốn tắm mát, lại vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, của hoa vàng anh thì suối Moọc là địa điểm tuyệt vời nhất.
Dòng suối Moọc hoang sơ, nước trong xanh
Để đến với suối Moọc, bạn cần đi xe hơn 10km từ trung tâm Phong Nha (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch), dọc theo đường 20 Quyết Thắng thuộc nhánh Tây đường Hồ Chí Minh. Sau khi qua khỏi Khu tưởng niệm 8 Thanh niên Xung phong hy sinh, để vào đến suối Moọc phải vượt qua một con đường mòn khá dài và vào sâu trong rừng cây rậm rạp. Từ đó, khung cảnh thiên nhiên hội đủ màu sắc với hồ, sông, suối và thác đá từ từ hiện ra, bạn sẽ chẳng tiếc công sức mình đã đi bộ mệt nhoài đến thế.
Theo lời người dân bản địa, dòng nước màu ngọc bích lững lờ trôi kia chẳng biết đâu là nguồn; những cột nước thấp trồi lên từ chân núi đá, tuôn chảy thành hàng chục dòng suối trong vắt, đan vào nhau như mạng nhện. Dòng nước ấy khi thì nhẹ nhàng, âm thầm len lỏi dưới tán rừng già rậm rạp, lúc bất ngờ lồng lên như con dã thú hóa hàng trăm thác nước chảy khắp núi rừng linh thiêng, hùng vĩ.
Đâu chỉ thế, có những đoạn chia thành nhiều nhánh, nhiều ngã, nước chảy về mọi hướng, một phần đổ vào sông Chày hoặc mất hút đâu đó trong núi đá. “Nước mọc” là cách người dân địa phương gọi tên hiện tượng này và theo cách phát âm địa phương đã thành ra “nước moọc”, tên gọi “suối Moọc” cũng ra đời từ đó.
Những chùm hoa vàng anh rực rỡ lung linh trong nắng trưa
Đặc biệt, mùa này, ở suối Moọc có rất nhiều cây hoa vàng anh đang trổ hoa trông như những mâm xôi khổng lồ lan tỏa hương thơm ngào ngạt. Trước khi thỏa thích đắm mình dưới dòng nước trong xanh, bạn hãy dạo một vòng ngắm những hoa vàng anh từng chùm xòe cánh tô điểm lên nền trời xanh thẳm lung linh ánh nắng ban trưa.
Hai bên bờ suối, cây cối xanh tươi, tiếng chim hót líu lo hòa cùng tiếng róc rách của dòng nước uốn lượn quanh những hòn đá vôi nghe như tiếng giã gạo của người dân bản xứ. Tất cả hợp thành một thanh âm say lòng người lữ khách phương xa.
(Theo Dân Việt)
|