Phố cổ Hà Nội - nơi mà từng chút rêu phong lặng lẽ nằm lại ở những ngách nhỏ nắng không rọi tới, nơi hàng ngày vẫn chật ních những người xe qua lại mà không lưu lại chút nào dấu chân của khách bộ hành. Người Hà Nội vẫn tự hào về những con phố nao nao nỗi nhớ ấy, như một chút dư vị được chắt lọc, còn lắng lại của một thành phố đã bắt đầu vươn mình thay đổi quá nhanh.
Hà Nội, phố cổ, phải thật sự dùng cả trái tim để cảm nhận, mới thấy được vì sao người ta rung động rồi, thì không cách nào dứt áo đi được. Phố cổ vào ngày không nắng thật tuyệt vời. Du khách khắp nơi đổ về những dãy phố, đi thong dong và không thể không tạt vào các cửa hàng, các phòng tranh vô cùng ấn tượng với nhiều phong cách khác nhau.
Nhưng lẽ dĩ nhiên, phố cổ Hà Nội vẫn mang một nét rất riêng biệt của người Việt Nam, không thể hòa tan với bất kì nét đẹp của một nước nào khác trên thế giới.
Là con phố Hàng Gai nhộn nhịp, là con phố Hàng Hòm yên bình êm ả, là phố Hàng Mã đủ màu sắc hình hài, là Hàng Bạc, Hàng Buồm nghiêng mình trước dòng chảy của thời gian… Là ánh nắng vàng sóng sánh bên song cửa sổ, là nét trầm mặc cổ kính của những mái ngói cổ trên phố Hàng Bông, Hàng Đào, là hương hoa sữa ngào ngạt đầu phố đêm đêm, là nét duyên thầm dịu dàng của người con gái Hà Nội trong tà áo dài Việt trước tháp Rùa nghiêng soi bóng cầu Thê Húc.
Người ta yêu Hà Nội, yêu hoài không chán, cũng có lẽ vì những con phố nghìn năm tuổi, lúc thì mang hình hài của một cô thiếu nữ, lúc thì sóng sánh lẫn trầm tư của một người con gái trưởng thành, còn lúc thì lại như bà lão đã bắt đầu chậm chạp tay chân.
Bạn có thể đạp xe chạy dọc khắp các con phố buổi sáng vẫn còn ngai ngái vị sương mai rồi tự thưởng cho mình một bát bún bò Huế ở Hàng Điếu hay Hàng Than. Khu phố cổ Hà Nội, thường được gọi là “Hà Nội 36 phố phường”, là một quần thể kiến trúc độc đáo với những nét văn hóa ẩm thực độc đáo. Ẩm thực phố cổ Hà Nội là sự hòa hợp phong phú giữa các món ăn truyền thống Âu – Á, giữa phong cách sang trọng và phong cách bình dân “vỉa hè”...
Là bát bún thang đẹp mê hồn mị vị giác, là chiếc xe tào phớ vẫn loong koong trong ngách nhỏ đầu thu, là tiếng rao bánh khúc vẫn cất lên đều đặn mỗi đêm đông lạnh buốt, là bát phở nóng bốc hơi nghi ngút mỗi sáng tinh sương. Chẳng cần phải đi đâu xa, chỉ cần quanh quẩn ở các ngóc ngách phố cổ, là có thể tha hồ mà khám phá ẩm thực, vị giác của người Hà Nội khó tính, cũng chính vì lẽ ấy. Hà Nội mùa nào thức nấy, chẳng lúc nào thiếu những món đồ ăn vặt vãnh nghe tên thì đơn giản là vậy, nhưng đã một lần ăn thì chẳng thể nào quên.
Những gánh quà vặt trên những thúng hàng rong đã trở thành nét đẹp bình dị của Hà Nội, để hiểu được trong cái khuôn hình đơn sơ ấy chắt chiu toàn bộ những gì tinh túy và thanh khiết nhất của Hà Nội, nằm trong lòng phố cổ. Phố cổ chật, nhưng vẫn đủ bao dung rất nhiều người. Phố cổ hẹp, nhưng cũng đủ để gìn giữ thay Hà Nội cái chất nền không thể mất đi ấy.
Những con phố nhỏ hẹp, chật ních, lối đi chỉ vừa đúng cho một người chậm rãi lách vào, thế mà lại ẩn giấu những quán café hanh hao vị xưa cũ, nhấm nháp chút phong vị cổ kính cũng có thể khiến người ta hài lòng tựa lưng, tìm về hình ảnh Hà Nội từ những cuốn phim đã ố vàng vị thời gian. Người Hà Nội vẫn nói, đến Hà Nội là phải thưởng thức vị café phố cổ, vị café không nồng, nhưng chính không gian phố cổ sẽ khiến mọi người chật nêm xúc cảm.
Ai đó nói rằng, Hà Nội bé tí tẹo, nhưng dù có đi mỏi chân cũng không thể qua hết những con phố, ăn hết những món ngon, và nếm hết những vị nhàn nhạt nhưng sâu lắng.
Hơi thở của người Hà Nội, chính là hơi thở của những bước chân vang lên trong từng con ngách nhỏ, là tiếng những bản nhạc không lời lặng lẽ phát ra từ một căn gác nào đó đâu đây. Là những ngày gió heo may se sắt ngày chuyển mùa, tự dưng vì một tiếng xuýt xoa nhè nhẹ mà cảm thấy trầm mặc.
Người ta vẫn nói, nhắc đến Hà Nội là phải nhắc đến phố cổ, bởi vì âu cũng là quy luật, trước khi yêu một cô gái, bạn phải yêu tâm hồn của cô ấy trước. Mà phố cổ thì là linh hồn của Hà Nội.
Mọi người vẫn nhộn nhạo sống, phố cổ vẫn lặng im, như nhịp điệu của lối sống hiện đại không thể làm ảnh hưởng đến, như tiếng xe cộ và những âm thanh sinh hoạt ồn ào khác không thể chạm đến tận cùng những ngõ hẻm sâu nhất trong phố cổ.
Người dân phố cổ, có thể sống trong những căn nhà chật chội, và ba thế hệ chung nhau những sinh hoạt ngày thường. Vẫn quen lối sống chậm rãi, vẫn quen thanh tao cái chất của Hà Nội. Là vài ba bông hoa mua từ gánh xe thồ sáng sớm, là chiếc làn vẫn theo tay các bà, các cô đi chợ. Hà Nội yên bình, nhưng cái nét yên bình chỉ có thể là vẻ yên bình trải dọc theo các con phố cổ, còn ra khỏi phố cổ, Hà Nội sẽ lại chóng mặt với những guồng quay của tiến trình phát triển vì quá nhanh nên sẽ tồn tại cả đớn đau.
Nhưng phố cổ thì vẫn vậy, trầm mặc đến nỗi chẳng gì có thể xâm phạm và phá đi cái vẻ cổ xưa đóng rễ ấy. Qua biết bao nhiêu thế hệ, vẫn kiên trì với cái nét già cỗi ấy, mà không có ý định ra đi. Đơn giản vì, những trầm mặc mông lung đã trở thành điều tuyệt diệu của cuộc sống này. Đến độ, có nhộn nhịp và tấp nập, vẫn cảm thấy yên bình, có xô bồ và nhốn nháo, nhưng lại là điểm tựa vững chắc. Tựa như ngả lòng vào những ấm áp đã ủ kỹ nghìn năm.
Cho tôi yêu thêm những con phố nghìn năm tuổi này, thêm một chút, một chút nữa thôi. Để gió mang hương hoa đọng lại, để nghe nốt bản dương cầm còn dang dở, để người nhớ người trong xao xuyến ưu tư.
(Theo CaDe/ Trí Thức Trẻ)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/pho-co-ha-noi-cho-toi-yeu-nhung-con-pho-nghin-nam-20151109110850150.htm