Nghệ sĩ Vương Khon bên bộ sưu tập nhạc cụ truyền thống dân tộc.
|
Sinh ra tại Mường So, Phong Thổ (Lai Châu), cái nôi văn hóa lớn của dân tộc Thái, nhạc sĩ Vương Khon năm nay đã trải qua 68 mùa xuân, trong đó có tới 48 năm tuổi nghề. Từ thuở nhỏ, ông được nghe, được cảm và đã say mê những lời ca, điệu hát ngọt ngào, đậm đà bản sắc của người vùng cao trong những buổi chợ phiên, những ngày lễ, Tết, hội hè... Với tình yêu và quyết tâm chắp cánh cho nghệ thuật dân tộc bay cao, vươn xa, năm 18 tuổi, chàng thanh niên người dân tộc Thái Vương Khon theo học Trường Văn hóa-nghệ thuật Tây Bắc, đồng thời cũng miệt mài tự rèn luyện, nghiên cứu các chất liệu âm nhạc dân gian. Sau này, ông từng công tác tại Đoàn văn công Sơn La, Đoàn nghệ thuật tỉnh Điện Biên, Lai Châu và trở thành người cán bộ văn hóa nhiệt tình, mẫn cán, không quản ngại khó khăn để đặt chân tới mọi vùng miền xa xôi phục vụ nhân dân. Nhiều nhạc phẩm của nhạc sĩ Vương Khon trở thành bài ca của quê hương, là biểu tượng, là niềm tự hào như: "Người đẹp Mường Then", "Điệu xòe thương nhau", "Điện Biên mùa ban trắng", "Bên suối Mường So", "Say Mông dạy chữ", "Sìn Hồ quê anh và em"...
Có thể nói, ngoài năng khiếu và những kiến thức âm nhạc bài bản ra thì lòng yêu quê hương dào dạt, sự thấu hiểu văn hóa Tây Bắc của nhạc sĩ Vương Khon đã giúp ông có được cái chất riêng hiếm có giữa nhiều nhạc sĩ, nhà thơ cũng sáng tác về đề tài này. Dựa trên sự phong phú, độc đáo của dân ca, dân vũ Thái, Mông, Xá, Khơ Mú, các loại nhạc cụ truyền thống (khèn, tính tẩu), nhiều sáng tác của nhạc sĩ Vương Khon rất phổ biến trong văn nghệ quần chúng hoặc chuyên nghiệp, được biểu diễn trong các sự kiện, lễ hội, Tết cổ truyền của nhiều vùng từ miền núi Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, cho đến Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... Những lời ca như "Mường Thanh là Mường Trời, sinh ra người con gái Thái", "Inh lả ơi sao noọng ời", "Em lung linh trong điệu xòe, như cành ban trắng mùa xuân"... vừa dễ nghe, dễ thuộc, lại hết sức đậm đà bản sắc văn hóa vùng cao.
Không chỉ sáng tác bài hát hay phổ nhạc cho thơ, nhạc sĩ Vương Khon còn dày công sưu tầm và gìn giữ nhiều điệu hát, điệu múa của đồng bào dân tộc thiểu số. Các truyền thuyết cổ lưu truyền trong dân gian như sự tích hoa ban, chuyện nàng Han đánh giặc... cũng được ông khéo léo lồng vào các bài hát của mình. Lời ca phản ánh chân thực cuộc sống muôn màu muôn vẻ, tâm tư tình cảm của đồng bào các dân tộc khu vực Tây Bắc. Tâm huyết của người nhạc sĩ tài hoa đã được công nhận qua rất nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Văn học-Nghệ thuật, Bộ Quốc phòng...
Hiện nhạc sĩ Vương Khon vẫn làm cố vấn cho nhiều chương trình nay, tuy tuổi đã cao nhưng nghệ thuật, góp phần đào tạo thế hệ nghệ sĩ kế cận và ấp ủ những dự định âm nhạc mới. Mặc dù nhiều lần được mời về xuôi nhưng ông đã chọn ngôi nhà nhỏ tựa lưng vào núi, trông ra mặt hồ ở thành phố Lai Châu để ngày ngày cần mẫn, say mê không ngừng với công việc sáng tác, nghiên cứu, đem đến cho miền đất đang dựng xây này những ca khúc mới mẻ và đầy tự hào. Để rồi những bài hát của nhạc sĩ Vương Khon lại tiếp tục được vang lên qua những bản mường gần xa, qua nương lúa đồi ngô, trong ánh lửa điệu xòe, trong cả phố xá đang thay da đổi thịt ở miền Tây Bắc.
(Theo Nhân Dân)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/nguoi-nhac-si-nang-long-voi-dan-ca-tay-bac-20151104143141292.htm