Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 25/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người >
  Chơi hoa và cây cảnh xưa Chơi hoa và cây cảnh xưa , Người xứ Nghệ Kiev
 

Từ khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội người dân Kinh kỳ, Kẻ Chợ mới ra cắm hoa trong bình, trước đó hoa cúng thì bày vào đĩa, hoa chơi trồng ngoài sân hay vườn. Cùng với hoa là cây cảnh, cây thế. Và không chỉ là thú chơi, vượt lên nó còn là nét văn hóa rất riêng của đất nghìn năm văn hiến.

Hà Nội xưa là đất hoa. Thời nhà Lý, làng Nghi Tàm có cánh đồng trồng hoa gọi là Đồng Bông. Làng Yên Phụ cũng trồng hoa nên có tên là Yên Hoa. Nói chung quanh khu vực Hồ Tây, hầu như làng nào cũng trồng hoa.
 
Thời Trần có một con đường từ bến Đông Bộ Đầu vào thành trồng toàn hoa hòe gọi là đường Hòe Nhai (tương ứng khu vực phố Hòe Nhai hiện nay). Phía tây thành có con đường trồng toàn liễu gọi là Liễu Giai (tương ứng với khu vực Liễu Giai hiện nay). Cũng thời nhà Trần, khu vực quanh Hồ Tây có rất nhiều lầu son, gác tía của quan lại giàu có nên được gọi là khu “thừa lương”. Theo “Đại Việt sử ký” thì “lầu gác nào cũng trồng hoa, cây cảnh”. Còn ở phía nam vùng ven kinh đô cũng có rất nhiều làng trồng các loại mai nên người ta lấy tên mai đặt tên làng như: Bạch Mai, Hồng Mai, Hoàng Mai… Và khu vực này có giống đào thất thốn, hoa nở đôi rất quý. Có trồng hoa thì đương nhiên đất Thăng Long phải có người chơi hoa.

Một góc chợ hoa Hàng Lược xưa. Ảnh tư liệu 

 
Năm 1429, tức là chỉ một năm sau chiến thắng giặc Minh, Đức Thái Tổ Lê Lợi đã ra chỉ dụ buộc nhà các quan trồng hoa, cây và rau. Có lẽ do Thăng Long xập xệ, tan nát sau 20 năm bị quân Minh chiếm đóng đã khiến Lê Lợi ra chỉ để cải tạo và làm mới bộ mặt kinh thành và trồng rau cũng là biện pháp cải thiện cuộc sống khó khăn sau chiến tranh. “Đại Việt sử ký” chép: “Cho đô tổng quản và quản lĩnh các đạo cùng quan viên ở các phường trong kinh thành biết rằng hiện nay đất của các công hầu, bách quan đã có phần nhất định đều phải trồng cây, trồng hoa và rau đậu không được bỏ hoang…”. Nhà Nguyễn Trãi lúc đó ở bên sông Tô, vườn trồng hoa, ao thì trồng sen, bạn ông là Nguyễn Mộng Tuân đến thăm đã có thơ rằng:

Nhất điều thủy lãnh trị Tam quán
Từ bích gia bần phú lục kinh
Mai ảnh nguyệt niên lai giáng trường
Hà phương phong đệ tống sơ linh.


(Tạm dịch: Một dòng nước lạnh qua nhà Tam quán/Bốn vách nghèo sơ chỉ toàn sách vở/Trăng vẽ bóng mai lên tường đỏ/Gió đưa hương sen vào song thưa). Bài thơ cho thấy Nguyễn Trãi trồng hoa trong đó có mai và sen. Đọc “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi, thấy ông kể ra rất nhiều cây hoa được ưa chuộng thời đó như: Mai - trúc - cúc - tùng (sau này gọi tứ quý: Mai - lan - cúc - trúc), đào, mẫu đơn, thiên quế, hòe… Thi nhân xưa thường mượn vạn vật, hoa lá cỏ cây để giãi bày tâm tư của mình về nhân tình thế thái: 

Hé cửa đêm chờ hương quế lọt
Quét hiên ngày lẹ bóng hoa tan.


Đó cũng là tâm trạng của Nguyễn Trãi nhưng dù sao hai câu thơ này cũng tả về hương hoa.

Đến thời vua Lê, chúa Trịnh, chơi hoa, cây cảnh ở Thăng Long được Phạm Đình Hổ mô tả trong “Vũ trung tùy bút”: “Buổi ấy bao nhiêu loài trân cầm dị thú quái thạch, chậu hoa cây cảnh ở chốn dân gian, chúa đều sức thu lấy không thiếu thứ gì… Bọn hoạn quan cung giám lại thường nhờ gió bẻ măng ra ngoài dọa dẫm. Họ dò xem nhà nào có chậu hoa, cây cảnh, chim tốt khướu hay thì biên ngay hai chữ Phụng thủ vào. Đêm đến các cậu trèo qua tường thành lẻn ra đem tay chân đến lấy phăng đi rồi hôm sau buộc tội gia chủ đem dấu vật cung phụng để lấy tiền”. Đó là hành động “cướp hoa, cướp cây” của bọn quan lại cậy chức cậy quyền. Và qua hành động đó chứng tỏ cư dân thành Thăng Long chơi cây, chơi hoa rất nhiều.

Ngày xưa nếp nhà Kẻ Chợ hình ống, mặt tiền có thể hẹp nhưng thường rất dài và giữa nếp nhà trên và nhà dưới bao giờ cũng cách một khoảng sân. Vừa để lấy không gian, nếu có hỏa hoạn thì sân chính là khoảng cách lửa có thể hạn chế đám cháy lan rộng ra. Và ở khoảng sân này, các gia đình trung lưu nho nhã thường có non bộ, đặt một vài chậu cây cảnh, trồng một gốc đinh lăng, cây sói, khóm hồng hay một gốc chi mai để làm đẹp nếp nhà, đồng thời gia chủ cũng có chỗ thư giãn tâm hồn. Thú chơi hoa, cây cảnh ở Thăng Long theo năm tháng được nâng lên thành nghệ thuật. Thú chơi này buộc con người ta phải am hiểu kỹ thuật trồng, cắt tỉa lá cành, bón phân và còn phải tuân theo tín ngưỡng. Ví dụ trồng ngâu thì phải trồng đôi vì ngâu kiêng trồng lẻ. Nhà kinh thành không rộng, không có hồ ao trước mặt nên để “tụ thủy” (nôm na là lấy năng lượng từ vũ trụ xuống) cho nhà cửa tràn dương khí thì cần phải có nước để hứng nên mới sinh ra hòn non bộ đặt trong cái ang nước. Ngoài ra còn phải hiểu tính biểu trưng của từng loài hoa, loài cây theo quy ước dân gian. Đào màu đỏ là ấm khí dương, lan là “vương giả hương” không phàm tục, thanh nhã; hải đường nụ to, hoa lớn cánh dày nhưng hương kín đáo biểu tượng cho sự phúc hậu, đủ đầy. Hoa cúc tượng trưng cho sự khiêm tốn, điềm đạm giàu tâm hồn vì thế vào mùa thu, dịp tết Trùng cửu, các nhà Nho thường lên núi uống “hoàng hoa tửu” (rượu cúc) mạn đàm thơ phú. Rồi mẫu đơn là hoa phú quý, hoa “thiên hương quốc sắc”…

Ở vùng ven kinh thành Thăng Long, các nhà đều có cấu trúc: Nhà - hiên - sân - vườn và bao quanh vườn thường là hàng dâm bụt lá xanh thẫm, hoa đỏ tươi được xén phẳng. Từ ngõ vào sân hai bên thường trồng hai hàng tóc tiên, một luống hồng, luống huệ, mấy khóm nhài. Bên chum nước là cây lan tiêu hay dạ hợp lan ưa ẩm. Trước hiên là bụi sói, một cây tầm xuân “nở ra cánh biếc”. Chơi cây, hoa phải biết làm nó đẹp hơn, ngâu to thì cắt tỉa tạo thành hình tròn như mâm xôi hoặc đôi hạc.

Không chỉ chơi hoa - thứ thiên nhiên ban tặng, người Thăng Long còn chơi cây cảnh mà nay quen gọi là cây thế. Khác với hoa là màu sắc và hương thơm thì cây thế do con người uốn tỉa, làm trái với quy luật để tạo ra những cổ thụ thân cằn cỗi bé tí, còi cọc. Cùng với đó, người Thăng Long còn uốn, ép tạo ra các thế cây như ý muốn, ví dụ hai cây ghép với nhau gọi là thế “song trụ”, cây to đứng bên cạnh cây nhỏ là thế “phụ tử đồng khoa” (hai cha con cùng thi đỗ một khoa), thân thẳng đứng là thế “trực”, ngả rạp mới xòe tán gọi là thế “hoành”, hai cành lớn xoắn vào nhau là “giao long”… Tùy tính cách và mong muốn của từng người chơi mà chọn cây, hoa hay cây thế phù hợp. Những người thích tính cách quân tử, ngoan cường thì chơi tùng hay trúc, vì thế ca dao Thăng Long - Hà Nội có câu:

Ai chơi ta cũng chơi cùng
Chơi trúc quân tử, chơi tùng trượng phu.


Chơi còn phải theo ước lệ như công thức, ví dụ chơi cây phải có bộ, tứ hữu gồm: Mai, lan, cúc, trúc hay chơi theo tứ quý: Mai, sen, cúc, tùng. Bên cạnh hoa và cây thế thì người chơi còn kèm theo vài loài chim quý và bể cá cảnh. Không hiểu biết thì sự chơi sẽ cọc cạch, ngớ ngẩn làm trò cười cho thiên hạ. 

Một chậu hoa, cây thế, một hòn non bộ không những thể hiện trình độ thẩm mỹ mà còn nói lên tâm tư tình cảm của chủ nhân. Trong “Vũ trung tùy bút”, Phạm Đình Hổ nhận định: “Người xưa cùng thường cho tinh thần đi chơi ngoài cảnh vật trong cách chơi mà vẫn cái ý về thế giáo thiên luân. Vậy nên mượn khóm hoa, tảng đá để ký thác hoài bão cao cả”. Nhưng người Thăng Long không quá đắm đuối với thú vui cây cỏ mà xao nhãng để rồi tránh xa chuyện đời. Cũng trong “Vũ trung tùy bút”, Phạm Đình Hổ viết: “Mở vườn trồng cây, trồng đá làm núi khiến cho cái vẻ đẹp của cỏ cây, cái thế hùng vĩ của núi non trình bày ra trước sân, trước cửa sổ đó mà thôi chứ có phải hết sức mà chăm chút cảnh vật đâu”.

Cuối thế kỷ XIX, chơi hoa, cây cảnh cũng có những thay đổi do nhiều giống cây, hoa nhập từ nước ngoài. Người Hà Nội cũng học cách chơi hoa, cắm hoa của phương Tây làm phong phú thêm thú chơi này. Cho đến ngày hôm nay, truyền thống chơi hoa, cây cảnh vẫn được người Hà Nội gìn giữ và có thêm sáng tạo.

(Theo Hà Nội mới)



  Các Tin khác
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
  + Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam (17/01/2023)
  + Cánh đồng Tà Pạ đẹp lạ như phim, dân mạng đang “phát sốt” tìm xem ở tỉnh nào của miền Tây (23/12/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 11
Total: 65227652

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July