Bấy giờ, do thợ thủ công lành nghề dồn về Thăng Long khoe trình độ tay nghề ngày càng nhiều, nên số lượng phường thợ cũng ngày càng lớn hơn, cả về quy mô và chất lượng. Hai bên tả, hữu Thăng Long được phân bố các vùng kinh tế gắn với 61 phường. Mỗi phường khi ấy thường tập trung những người cùng làm một nghề nhất định, thường là từ một vùng nào đó kéo về Thăng Long. Họ vừa làm nghề, vừa mở cửa hàng buôn bán sản phẩm, tạo thành những con phố gắn với nét đặc trưng của phường nghề ấy.
Đúng như tầm nhìn của Lý Thái Tổ, Thăng Long chính là nơi hội tụ của non sông, đất trời, là vùng đất lành. Thuở ấy, người ta vẫn đi lại, vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng đường sông kết hợp với đường bộ. Các tuyến đường bộ huyết mạch (do con người tạo ra) hầu như đều tụ cả về Thăng Long, các tuyến đường sông (do tự nhiên tạo ra) chủ yếu cũng đều hợp lưu tại Thăng Long. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, nên người ta kéo nhau về đây làm ăn, buôn bán cũng là chuyện thường tình.
Hàng hóa khắp nơi đổ về Thăng Long theo các ngả sông Cái (sông Hồng), sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy lúc nào cũng dập dìu tàu, thuyền. Bến bãi mọc lên san sát ngay bên các bờ sông, đặc biệt là sông Tô Lịch, làm thành những bãi trung chuyển hàng hóa nhộn nhịp đêm ngày đưa hàng từ khắp nơi trên cả nước vào Thăng Long và đưa hàng từ Thăng Long về khắp nẻo đất Việt, vươn cả ra nước ngoài để tiêu thụ.
Lịch sử còn ghi rằng ngay từ thuở mới định đô, Thăng Long đã thu hút nhiều nhà buôn nước ngoài vào giao thương. Họ là người Qua Oa (Java, Indonesia), người Xiêm (Thái Lan), người Chiêm Thành và người Trung Hoa.
Do hoạt động giao thương với nước ngoài ngày càng phát triển, năm 1149, vua Lý Anh Tông bèn cho mở bến cảng Vân Đồn Trang làm nơi neo đậu của tàu, thuyền buôn nước ngoài. Sau khi bán hết hàng tại Thăng Long, những lái buôn này dùng chính tiền của Đại Việt để mua hàng của người Việt, vận chuyển về nước họ bán kiếm lời.
Về các sự kiện giao thương với các nước, sử liệu cũng có ghi không ít sự kiện. Chẳng hạn, năm 1066, một thương nhân người Qua Oa đã tới Thăng Long bán cho vua Lý Thánh Tông một viên ngọc dạ quang với giá 1 vạn quan tiền. Năm 1072, vua Lý cũng xuống chiếu miễn thuế vải sợi trắng cho các lái buôn người Chiêm Thành.
Bấy giờ, người Việt ta cũng đã tổ chức đánh tàu đưa hàng ra nước ngoài buôn bán, chủ yếu là sang Trung Hoa. Hàng hóa của chúng ta chủ yếu là sản vật ở các địa phương, được người dân nước bạn ưa thích bởi sự quý hiếm.
Như vậy, thời Lý cũng là thời kỳ mở đầu cho giai đoạn giao thương phát triển mạnh mẽ giữa nước ta với các nước khác (nay vẫn gọi là xuất – nhập khẩu hàng hóa). Thăng Long chính là đầu mối cho mọi hoạt động giao thương ấy.
Nguyễn Tào (hoangthanhthanglong.vn)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/hoat-dong-buon-ban-o-thang-long-thoi-ly-20150930155732416.htm