Du khách dừng chân ngắm cảnh mây núi bao la - Ảnh: Hải Dương
|
Nơi ấy nếu đi từ trung tâm huyện Bá Thước, Thanh Hóa lên thì đến chân núi xe tay ga, ôtô phân khối nhỏ đều phải chào thua... bởi độ dốc cực lớn, cua gấp khúc và đường rất xấu.
Nơi ấy chính là Son, Bá, Mười hay còn gọi là vùng Cao Sơn hun hút giữa khu bảo tồn thiên nhiên Phù Luông hoang sơ.
Chinh phục Son, Bá, Mười
Rời Hà Nội trong tiết trời mùa thu, chúng tôi bắt đầu xuôi về xứ Thanh. Sau quãng đường hơn 160km từ trung tâm thành phố qua Xuân Mai, rồi đường Hồ Chí Minh, tỉnh lộ 217 chúng tôi dừng chân nghỉ một đêm tại thị trấn Cành Nàng - Bá Thước để lấy sức.
Từ thị trấn Cành Nàng lên Cao Sơn gần 40km. Nhưng trước khi xuất phát, mọi người được bác chủ nhà trọ khuyên từ đây vào Phố Đoàn phải tìm quán sửa xe để bảo dưỡng như thay dầu, tăng xích, chỉnh phanh... con xế nếu muốn lên Cao Sơn.
Chinh phục Cao Sơn, mọi người phải trải qua quãng đường 10km cực dốc, khó đi khiến cho xe tay ga hoặc ôtô phân khối nhỏ phải chào thua.
Khá may mắn cho chúng tôi là dù đêm hôm trước ở khu Bá Thước có mưa lớn, nhưng quãng đường tới Cao Sơn đã được đổ nhựa gần hết. Tới địa phận xã Lũng Cao, các tay lái bắt đầu hồi hộp bởi bây giờ mới thật sự bước vào cung đường thử thách.
Đỉnh núi Pa Hé sừng sững cao hơn 1.200m so với mực nước biển phía trước đang đón đợi các tay lái ưa các cung đường mạo hiểm.
Những chiếc xe số đã chinh chiến nhiều cung đường bắt đầu lùi về số 2, rồi số 1, tay ga kéo hết cỡ để ì ạch leo từng đoạn dốc. Để rút ngắn đoạn đèo leo Cao Sơn, người ta đã phải xẻ nhiều quả núi, và độ dốc lớn hơn những cung đường núi khác.
Chỉ 10km nhưng đường lên Cao Sơn khiến người lái và xe mệt nhoài. Một người bạn trong nhóm thừa nhận đi Cao Sơn khó hơn chinh phục Mã Pí Lèng, Khau Phạ... nhiều.
Và phải mất gần hai giờ đánh vật với quãng đường dốc hun hút chúng tôi mới tới được bản Son, mảnh đất đầu tiên của khu Cao Sơn.
Những nếp nhà sàn đơn sơ ẩn hiện giữa núi rừng, nương ngô - Ảnh: Hải Dương
|
Bức tranh phong cảnh hùng vĩ
Khi mọi người đến lưng chừng núi, người ngồi sau xe được ngắm cảnh bắt đầu thốt lên: “Oa! Đẹp quá, hùng vĩ quá!”. Dừng xe bên sườn núi, nơi vẫn chưa có lan can bảo vệ, chúng tôi bắt đầu hướng tầm mắt về phía xa xa. Cảnh tượng hiện ra trong nắng sớm mùa thu thật diệu kỳ.
Những đám mây trắng bồng bềnh bay dưới khu thung lũng Phố Đoàn, Cổ Lũng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cuốn hút tầm mắt. Cảnh sắc bên đường đẹp và hùng vĩ như một bức tranh phong cảnh khổng lồ. Dưới chân núi là bản làng nhỏ bình dị, thanh bình.
Gần 10g sáng trong đợt nắng nóng đầu thu dưới xuôi vẫn 37-38OC, nhưng lên tới bản Son không khí bỗng trở nên mát rượi. Trời trong xanh, nắng vàng đẹp rực rỡ khiến lòng người quên đi bao mệt mỏi, ai ai cũng phấn khích.
Chúng tôi như choáng ngợp khi mở ra trước mắt là cả một vùng không gian thoáng đãng, bạt ngàn màu xanh của cây cối xen lẫn những nếp nhà sàn thâm nâu của người Thái. Đẹp tựa bức tranh non cao yên bình.
Những phượt thủ đầu tiên đến với vùng đất Cao Sơn đã ví nơi này như một Tam Đảo, Sa Pa, Đà Lạt của xứ Thanh. Nhiệt độ ở Cao Sơn chính hạ chỉ khoảng 20OC, còn mùa đông thì vô cùng lạnh lẽo, có khi xuống đến -1, -2OC.
Nhưng khi đã đặt chân đến bản Son rồi, chúng tôi cảm giác nó còn tuyệt vời hơn những lời ví trên. Vùng đất này còn nguyên sơ những gì đẹp đẽ nhất mà thiên nhiên đã ban tặng. Nó chưa hề bị phố hóa hay những ồn ào của các tour du lịch đông đúc đi qua.
Đường đi qua các bản vùng Cao Sơn thẳng băng, độ dốc chỉ còn thoai thoải. Xe của chúng tôi từ từ lướt qua những nương ngô, mướp đắng xanh ngắt của đồng bào người Thái trong làn gió vi vu thổi làm cơ thể mát lạnh, khoan khoái.
Những nếp nhà sàn vách gỗ, mái lợp bằng tấm fibro ximăng đã ngả màu thời gian ẩn hiện giữa cánh đồng lúa xen kẽ với ngô, giàn mướp đắng.
Vùng Cao Sơn thứ tự bắt đầu bằng bản Son, ở giữa là bản Mười và bản Bá cuối cùng tiếp giáp với vùng đất Lũng Vân, Tân Lạc, Hòa Bình. Đỉnh núi cao nhất vùng Cao Sơn cũng là lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, cao đến hơn 1.500m so với mực nước biển.
Nghèo vật chất, giàu tình cảm
Lang thang một vòng đầy thích thú, mọi người dừng chân bên một căn nhà tranh đúng nghĩa của ông bà Ngân Văn May - Vi Thị Len. Căn nhà của hai ông bà nằm ngay sát đường thuộc thôn Son, rất đơn sơ với vách bằng tre, nứa, mái lợp tấm fibro ximăng. Họ niềm nở, mời chào vào nhà bởi “lâu lắm rồi mới thấy người dưới xuôi mà lại tận thủ đô tới thăm”.
Ngồi trò chuyện với ông May - bà Len, chúng tôi được biết nhiều câu chuyện khá thú vị về vùng đất và con người nơi đây. Người Thái ở các bản Son, Bá, Mười hầu hết canh tác lúa nếp và có nhiều gia đình quanh năm ăn gạo nếp. Tại đây người dân trồng rất nhiều mướp đắng để ăn và một phần bán xuống dưới xuôi.
“Vùng Cao Sơn của chúng tôi mới chỉ khoảng 30% số hộ dân có điện dùng. Các tuôcbin thủy điện nhỏ được đặt ở các mó nước để dẫn điện về bản. Điện cũng yếu lắm, chẳng đủ dùng đâu, nước cũng khan hiếm. Chính vì khó khăn thế nên từng có thời kỳ người dân Cao Sơn xin cắt khẩu để nhập về với Lũng Vân, Tân Lạc, Hòa Bình. Vì bên Lũng Vân đã có điện từ rất lâu, đường sá lại thuận lợi hơn nhiều” - ông May cho biết.
Cũng chính vì đường sá quá khó khăn, điện nước thiếu thốn nên ngôi trường tại Cao Sơn (đặt tại thôn Mười) chỉ có toàn thầy giáo. Mọi người từ già đến trẻ đều nói đùa rằng cô giáo dưới xuôi (phía Thanh Hóa) nếu lên đây cắm bản dạy học chỉ có nước ế chồng và cũng chẳng thể về thăm nhà được.
Dù còn rất nhiều gian khó nhưng tình cảm của người dân nơi đây rất đoàn kết, thương yêu nhau. Anh Ngân Văn Đức, trưởng thôn Son, cho chúng tôi biết về địa giới hành chính Cao Sơn có ba thôn nhưng coi nhau như một. Tuy cảnh sắc đẹp, hoang sơ nhưng Cao Sơn vẫn còn rất ít du khách tới thăm.
Cứ mỗi khi có người dưới xuôi lên, bà con từ già đến trẻ quây quần lại mời chào, hỏi han, trò chuyện. Những đứa trẻ rất thích được chúng tôi chụp ảnh và bấm lại cho xem ngay, rồi cười khúc khích. Người lớn thì mời bằng được khách vào nhà để ngồi uống nước, nói chuyện.
Chỉ gặp ở ngoài đường thôi, chẳng hề quen biết, ấy thế mà chị Vi Thị Mai vừa đi bẻ ngô về đã nhiệt tình mời chúng tôi vào thăm nhà. Trò chuyện xong chị còn bảo mấy đứa chúng tôi bẻ chục bắp ngô mang về xuôi luộc.
“Ngô nhà mình bẻ vừa độ, không già không non, mấy bạn mang về luộc ăn là ngon nhất đó!” - chị Mai nói.
Bữa trưa hôm đó chúng tôi dùng cơm trong nhà một người dân ở bản Mười. Cơm nếp, thịt gà núi chính hiệu, kèm thêm bát canh mướp đắng, lọ măng ngâm ớt, chén rượu quê... nhâm nhi trên căn nhà sàn chẳng cần quạt mà vẫn mát rượi thì còn gì tuyệt vời hơn.
Một người dân ở Cao Sơn gùi ngô về nhà - Ảnh: Hải Dương
|
Khi dừng chân nghỉ bên đường, chúng tôi tình cờ gặp anh Ngân Mạnh Hùng, trưởng thôn Mười, đang xuống Phố Đoàn để họp.
Theo anh Hùng, trước đây khi chưa làm đường, để xuống Phố Đoàn họp có khi đi - về phải mất gần một ngày cho quãng đường 40km. Đó là những hôm trời nắng, còn hôm nào trời mưa là phải nghỉ họp.
Cũng theo anh Hùng, vùng Cao Sơn (gồm ba bản) có khoảng 200 hộ với gần 1.000 nhân khẩu, trong đó có đến 87% là đồng bào Thái, ngoài ra còn có người Mường và số ít người Kinh dưới xuôi lên.
(Theo Tuổi trẻ)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/kham-pha-thien-duong-cao-son-20150831112822789.htm