Sau 40 năm đất nước thống nhất, TP.HCM đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Dưới đây là những công trình đặc biệt ấn tượng, góp phần làm thay đổi diện mạo của thành phố.
Kênh Nhiêu Lộc
Đây là công trình nổi bật nhất ở TP.HCM sau 40 năm đất nước thống nhất, là niềm tự hào của thành phố. Kênh dài 8,7km, chảy qua các quận Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh.
Trước đây, kênh Nhiêu Lộc là “điểm đen” với môi trường ô nhiễm. Nhưng nay thì đã hoàn toàn khác. Dòng kênh sạch đẹp với hàng cây xanh mát hai bên không chỉ đem lại diện mạo mới cho thành phố mà còn là nơi để người dân hít thở không khí trong lành, tập thể dục, tản bộ…
Hầm Thủ Thiêm
Một công trình đặc biệt có ý nghĩa đối với người Sài Gòn chính là hầm Thủ Thiêm - hầm ngầm vượt sông đầu tiên ở Việt Nam và cũng là hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á.
Hầm dài 1.490m trong đó có 371m đi ngầm dưới lòng sông với 4 đốt hầm, mỗi đốt dài 92,75m, cao 9,1m, rộng 33,3m, nặng 27.000 tấn. Các đốt hầm được đúc sẵn, sau đó được lai dắt về vị trí dìm xuống dưới lòng sông.
Thủ Thiêm cách trung tâm thành phố chỉ một con sông nhưng trước khi có hầm thủ Thiêm, đây vẫn là nơi “ngăn sông cách trở” vì muốn sang đó phải đi vòng rất xa hoặc đi phà. Từ khi có hầm ngầm, Thủ Thiêm trở thành một trong những khu đô thị bậc nhất thành phố.
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng - đại lộ Nguyễn Văn Linh
Hơn 20 năm trước, Phú Mỹ Hưng là vùng đầm lầy ít người lui tới. Hiện nay đây là khu đô thị hiện đại nhất, với những tòa nhà sang trọng và nhiều dịch vụ tiện ích đi kèm.
Từ Phú Mỹ Hưng, người thành phố có thể đi thẳng ra quốc lộ 1A bằng đại lộ Nguyễn Văn Linh, đây là tuyến đường huyết mạch của TP.HCM, bắt đầu từ đường Huỳnh Tấn Phát - quận 7 đến quốc lộ 1A - huyện Bình Chánh, có lộ giới 120m, gồm 10 làn xe (6 làn xe chạy nhanh và 4 làn xe sử dụng tổng hợp), dải phân cách ở giữa rộng 18 - 36m và 40 cây cầu lớn nhỏ.
Đường rừng Sác
Cần Giờ cách TP.HCM khoảng 50km, khi chưa có đường rừng Sác, khoảng cách này là thăm thẳm, di chuyển rất khó khăn vì đường nhỏ, hai bên là kênh rạch, đầm lầy.
Hiện nay đường đi Cần Giờ tuy vẫn còn phải qua phà, nhưng đã dễ đi hơn rất nhiều. Đây là vùng biển gần TP.HCM nhất nên những ngày cuối tuần và dịp lễ, người Sài Gòn thường đến Cần Giờ để vui chơi, đổi gió.
Đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây
Đầu năm 2014, đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây chính thức được thông xe, rút ngắn thời gian đáng kể từ TP.HCM đến Vũng Tàu. Nếu trước đây, người Sài Gòn phải mất hơn 2,5 giờ để di chuyển từ TP.HCM đến Vũng Tàu cho đoạn đường khoảng 120km thì nay đi theo đường cao tốc chỉ mất khoảng 1 giờ 20 phút do khoảng cách rút ngắn xuống còn 95km.
Không chỉ giúp rút ngắn khoảng cách, đường cao tốc còn góp phần giải quyết nạn kẹt xe ùn tắc ở cửa ngõ trong những dịp cao điểm như cuối tuần, lễ, tết…
Đường nội đô đến sân bay Tân Sơn Nhất
Cũng như đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường nội đô Phạm Văn Đồng nối sân bay Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài đặc biệt có ý nghĩa với người thành phố khi rút ngắn đáng kể khoảng cách và thời gian di chuyển.
Tuyến đường có chiều dài hơn 12km, kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất qua địa bàn các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.
Metro Sài Gòn
Tuyến metro đầu tiên đang được gấp rút xây dựng
|
Đây là tuyến đường sắt đô thị được người Sài Gòn chờ đợi nhất, biến giấc mơ di chuyển bằng tàu điện ngầm ở TP.HCM thành hiện thực. Hệ thống metro gồm 6 tuyến, trong đó tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2017.
Tuyến metro số 2 dài gần 20km, bắt đầu từ khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) và điểm cuối ở Bến xe An Sương (quận 12). Trong giai đoạn đầu TP.HCM sẽ xây dựng đoạn từ Bến Thành đến Tham Lương dài 11km. Đoạn Bến Thành - Tham Lương bắt đầu từ nhà ga Bến Thành (quận 1) rồi đi ngầm 9,3km trước khi chạy lên mặt đất tại quận Tân Phú, xuyên qua một cửa ngầm dài 0,2km rồi chạy trên cao 0,8 km để vào nhà ga số 11. Sau đó, chạy qua đoạn đường nối dài gần 1 km để vào khu depot ở quận 12.
(Theo phunuonline.com.vn)
|