Mỗi độ Xuân về Tết đến, cả đất nước ta lại tràn ngập trong những sắc màu lung linh của các loài hoa, nào hồng thắm hoa đào miền Bắc, vàng rực rỡ hoa mai miền Nam… Mọi vùng miền đều trở nên tràn đầy sức sống đón chào một mùa Xuân mới, một năm mới với nhiều niềm vui, an khang và hạnh phúc.
Biểu tượng sức sống và trí tuệ con người Việt Nam
Với miền Nam nước Việt, mai vẫn luôn là loài hoa được yêu thích nhất. Có lẽ mai quyến rũ chúng ta bởi sự tương phản của nó: Mặc dù thân và cành gầy guộc, cánh hoa mỏng manh và thoang thoảng hương thơm dịu dàng thanh khiết, nhưng bên trong mai như ẩn một niềm kiêu dũng. Dãi nắng dầm mưa trong lòng đất Việt để rồi khi mùa Xuân đến đơm hoa kết nụ, nở những bông hoa vàng rực rỡ, vươn mình mạnh mẽ lan tỏa sức sống. Sự kiêu dũng ấy như phẩm chất cao quý của người dân Việt Nam trong quá trình đấu tranh, lao động và xây dựng cuộc sống.
Biết bao thời gian đã trôi qua, cây mai vẫn gắn bó với làng quê, với con người Việt. Trải qua nhiều giông bão hay nắng cháy gay gắt, nhưng đứng trước thời tiết nghiệt ngã ấy, cây mai vẫn kiên cường chịu đựng, bền bỉ theo năm tháng. Sự kiên cường ấy là biểu tượng của người Việt Nam dù bất cứ ở đâu cũng nhẫn nại và can đảm trước mọi hoàn cảnh để xây dựng cuộc đời, quê hương và duy trì bản sắc văn hóa dân tộc. Trút đi những chiếc lá già cỗi của mùa Đông, cây mai lại ươm chồi nảy lộc trong thời tiết ngày Xuân tươi đẹp. Những chồi non mai vàng dần mọc lên như những thế hệ con cháu tương lai đang bắt đầu sinh sôi và trưởng thành.
Cây mai trong sân chùa ở làng quê Việt Nam được xem là hình ảnh quan trọng trong văn học Phật Giáo thiền thời đại Lý Trần. Trong tuệ giác của các bậc thánh nhân, hình ảnh cây mai sống trong sương mai nắng chiều, sống qua bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông mà nở hoa đó là năng lực sống nhiệm mầu. Mãn Giác Thiền sư đời Lý (1052-1096) với bài thơ về mùa Xuân bằng chữ Hán “Cáo tật thị chúng” (Cáo bệnh bảo mọi người) với hình ảnh cây mai vàng đã gửi gắm tinh thần siêu việt tiềm ẩn trong khả năng của con người. Đó là năng lực sống tự chủ và trí tuệ:
"Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười.
Việc đời qua trước mắt,
Già đến trên đầu rồi!
Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một nhành mai.”
Mùa Xuân thì vĩnh cửu, Xuân đi hoa rụng, Xuân về hoa nở. Chỉ con người là càng ngày càng già nua buồn khổ. Khi tuổi già ập đến, việc đời theo nhau hiện về trước mắt, con người mới hoang mang nhớ tiếc tuổi xuân. Nhưng nhờ có sự trường sinh của đất trời thiên nhiên bất tận, nên con người được an ủi, sẻ chia: Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai. Nhành mai trong thơ Mãn Giác Thiền sư chính là sự tồn tại vĩnh hằng của cái đẹp, của sự giao hoà, trở thành niềm tin muôn đời cho cõi nhân sinh.
Mai vàng rực rỡ ngày Tết
Tết Nguyên Đán - ngày này được coi là quan trọng nhất, thiêng liêng nhất trong năm. Bởi đây là buổi sáng sớm đầu tiên của ngày đầu tiên, trong tháng đầu tiên của năm mới. Người Việt Nam ta có thói quen từ ngàn đời nay là đặt trọn niềm tin vào ngày mới, “đầu xuôi đuôi lọt”. Nếu sự việc khởi đầu gặp suôn sẻ, sáng sủa, may mắn tốt đẹp thì sẽ tạo được sự hưng phấn, ý chí phấn đấu cho sự thành công sau này. Màu vàng của hoa mai từ lâu được xem là màu hy vọng, tượng trưng cho sự giàu sang phú quý, hợp với niềm hân hoan chờ đón Tết đang rạo rực trong lòng người dân.
Với ý nghĩa đó, gia đình nào cũng cố gắng trang trí một vài cây hoa mai nở rộ trong nhà với mong muốn bước sang năm mới có nhiều niềm hân hoan, hạnh phúc, tiền tài, công danh được dâng cao gấp bội. Sự khởi đầu của một ngày mới mà tràn ngập sắc vàng tươi tắn, rực rỡ, thì trong năm sẽ tràn ngập sự tươi vui, niềm hạnh phúc và thịnh vượng.
Trong những ngày cuối cùng của năm cũ, hẳn ai cũng đang tất bật với công việc cuối năm, với những trăn trở chuẩn bị cho những ngày Tết sắp đến, và cả những kế hoạch cho một năm mới. Nhưng chắc chắn với người dân miền Nam sẽ không một ai quên việc chuẩn bị trang trí cho nhà mình một nhành mai vàng để mang Tết về nhà và đón mùa Xuân đến bên thềm nhà. Có nhà sẽ mua những cành mai trong những khu chợ hoa ngày Tết, có nhà thì thuê từ các trung tâm cho thuê cây mai, cây cảnh. Thậm chí có những nhà trồng trước vườn những cây mai để năm này cũng như năm khác cây mai thi nhau nở hoa rực rỡ mà không cần phải vất vả ra chợ chọn mua.
Theo quan niệm của nhiều người, hoa mai nở càng có nhiều cánh thì càng đẹp và nhà đó càng giàu có. Nhưng theo quan niệm của các cụ già xưa, nếu cây mai nhà nào chỉ nở toàn hoa mai 7 cánh thì nhà đó sẽ “đại cát đại quý” trong năm đó. Trong dân gian chia mai làm mấy loại như hà hoa mai, đàn hương mai, ban khấu mai… Tuy nhiên, theo sự thông tục bình thường, người chơi mai, mua mai chỉ chú đến 2 loại là mai tứ quý, nở bốn mùa có năm cánh, bông to và mai có mười cánh, bông nhỏ hương thơm.
Khi chọn mua một cành mai về trưng trong ba ngày Tết, người mua thường chọn những cành mai có dáng đẹp, với các hình dáng một gốc “lão mai” với gốc to, da sần sùi, mọc rong rêu càng tốt, nhánh khẳng khiu và có thể có những hình thể như: chân quỳ, hạc bay, phụng hoàng… Ngoài những nét trên, người mua mai còn chú trọng đến sự phân chia các nhánh trên một gốc mai. Nhánh to, nhánh nhỏ, sự sắp xếp các nhánh. Nhìn chung có các điểm cần chú ý về khí lực một nhành mai: Các cành phân chia thứ lớp, bông rải đều, nhánh to khỏe, nhánh uyển chuyển, nụ bụ bẫm, lá non vừa nhú.
Trang trí cho nhà mình một nhành mai làm cho không gian mỗi nhà tươi sáng hẳn lên. Với màu sắc của sự huy hoàng và gắn kết, những đóa mai vàng hân hoan và chân thành kết nối mỗi chúng ta với nhau như những yêu thương và niềm tin một lần nữa lại được thắp lên cùng sắc mai vàng bình yên ấm áp.
Dù chỉ được mọi người nhớ tới và khoe sắc trong những ngày Xuân về Tết đến, nhưng sức sống bền bỉ kiên trì của mai vàng thì không bao giờ dứt. Chúng ta hãy sống mạnh mẽ và tràn đầy niềm tin như gốc mai vàng vững chắc, hãy nuôi niềm khát khao hi vọng như những mầm chồi non xanh vẫn luôn vươn mình trong gió rét, và đón ánh sáng của sự thành công vang dội như đóa mai vàng rực rỡ kiêu dũng, như người dân Việt chúng ta vẫn kiên cường vượt qua bao bão tố để rồi những thế hệ vẫn tiếp nối nhau xây dựng và hướng tới một tương lai thịnh vượng hơn.
Anh Thư (tổng hợp)
|