VOV.VN -Mỗi người phụ nữ khi khoác lên mình tà áo dài đều có quyền tự hào về vẻ đẹp của văn hóa dân tộc.
Kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014) và 84 năm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10; tối 6/10 tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức sự kiện giới thiệu về Áo dài Việt với mong muốn giúp người xem hiểu rõ hơn cội nguồn, nét văn hóa độc đáo, giá trị đóng góp vào sự phát triển văn hóa dân tộc của trang phục truyền thống đặc biệt này trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước.
Công chúng có dịp được chiêm ngưỡng những bộ sưu tập áo dài mang đậm nét Hà Nội do Nghệ nhân - NTK Lan Hương và NTK Thu Hà (Trưởng khoa Thời trang, đại học Sân khấu Điện ảnh) thực hiện, cùng với đó là triển lãm mang tên “Áo dài Việt – Hương sắc thời gian” giới thiệu trên 100 bộ áo dài Việt qua các thời kỳ, từ những năm đầu thế kỷ 20, sau cách mạng Tháng 8, trang phục áo dài từ 1954-1975, thời kỳ thập niên 1980-1990, trang phục áo dài từ những năm đầu thiên niên kỷ đến nay.
Các vị đại biểu cắt băng khai mạc sự kiện giới thiệu về Áo dài Việt tại Hà Nội
Những bộ áo dài được giới thiệu đến công chúng cũng ẩn giấu trong mình những câu chuyện thú vị của các nhân vật trong nhiều bộ phim. Đó là “Long Thành cầm giả ca” (2009), “Lều chõng” (2009), “Trò đời” (2012), “Người cộng sự” (2013) với những bối cảnh tái hiện lại thời kỳ cuối của xã hội phong kiến Việt Nam thế kỷ 18 – 19, khi truyền thống văn minh lúa nước đứng trước sự du nhập nền văn minh phương Tây vào đầu thế kỷ 20.
Trang phục áo dài nữ phục trang phim "Trò đời" (2009)
Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội cho biết: “Vẻ đẹp của tà áo dài luôn làm tôn thêm nét duyên dáng, thanh lịch đầy nữ tính của người phụ nữ Hà Nội. 60 năm trước, những người phụ nữ Hà Nội đã góp phần tô điểm vào ngày vui giải phóng bằng những tà áo dài cùng nhân dân Thủ đô hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng trở về. Đến với chương trình, công chúng không chỉ có thêm thông tin quý báu mà còn được trải nghiệm một cách trực quan, sinh động về giá trị nhiều mặt của áo dài, từ nguồn gốc lịch sử với bề dày văn hóa, đến sự đa dạng về kiểu dáng,phong cách và xu hướng phát triển của áo dài trong thời đại ngày nay. Thông qua đó hiểu rõ hơn giá trị bền vững của trang phục đã trở thành biểu tượng cho cái đẹp của người phụ nữ nói riêng và của cả dân tộc Việt Nam nói chung”.
Triển lãm "Áo dài Việt - Hương sắc thời gian" sẽ diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam từ ngày 6/10 đến 19/10./.
Hình ảnh thiếu nữ Hà Nội trình duyên dáng trong tà áo dài tối 6/10:
Áo dài Việt thời kỳ trước cách mạng tháng Tám mang vẻ ý nhị, mộc mạc của tấm áo tứ thân
Những tà áo dài Việt thời tại đây thể hiện rõ nét sự phân hóa giai cấp trong xã hội Việt Nam thời kỳ nửa Tây nửa Ta trước cách mạng tháng Tám
Đây là những thiết kế của ThS - NSƯT - NTK Thu Hà, Trưởng khoa Thời trang, Đại học Sân khấu Điện ảnh thực hiện
Những bộ áo dài được giới thiệu đến công chúng cũng ẩn giấu trong mình những câu chuyện thú vị của các nhân vật trong nhiều bộ phim. Đó là “Long Thành cầm giả ca” (2009), “Lều chõng” (2009), “Trò đời” (2012), “Người cộng sự” (2013)
Để thể hiện được tinh thần qua những bộ trang phục cho các bộ phim, họa sĩ phục trang đã kết hợp với các nghệ nhân làng lụa La Khê (Vạn Phúc, Hà Đông) khi phục dựng lại những mẫu lụa, đũi với các hoa văn cổ hầu như đã thất truyền
Áo dài thiếu nữ cách tân
Nghệ nhân - NTK Lan Hương mang đến những bộ áo dài thời kỳ hội nhập và phát triển
Vẻ đẹp của tà áo dài tôn thêm nét duyên dáng, thanh lịch đầy nữ tính của người phụ nữ Hà Nội
Triển lãm “Áo dài Việt – Hương sắc thời gian” giới thiệu trên 100 bộ áo dài Việt qua các thời kỳ
Phố cổ Hà Nội được thêu tay trên tà áo dài
BST Phố cổ Hà Nội của NTK Lan Hương đã được trình diễn và triển lãm ở 30 quốc qua cũng được giới thiệu tới công chúng
Hà Phương/VOV.VN
|