Sức mạnh hỏa lực áp đảo của BM-21 có thể phá hủy hoàn một khu vực rộng lớn chỉ trong một đợt phóng duy nhất.
Nếu cần đến một mẫu pháo có thể thay đổi được cục diện chiến trường, thì BM-21 Grad luôn là sự lựa chọn tốt nhất. Và điều đó đã được chứng minh trong mọi cuộc xung đột gần đây, từ tình trạng bất ổn ở Trung Đông hay điểm nóng ở miền Đông Ukraine. Grad luôn được nhắc đến nhiều nhất trong các bản tin thời sự trên toàn thế giới, về sức mạnh và khả năng phá hủy khủng khiếp của nó.
Với thiết kế khá đơn giản và dựa trên nền tảng của một mẫu xe vận tải Ural khá phổ biến trong Quân đội Liên Xô lúc đó, còn giàn pháo phản lực phóng loạt 40 nòng của BM-21 được đặt gọn gàng phía sau thân xe. Khả năng hỏa lực của BM-21 được các chuyên gia quân sự Liên Xô đánh giá là vượt trội hơn người tiền nhiệm của nó là BM-13 Katyusha.
Trong vòng 20 giây, BM-21 có thể phóng cùng lúc 40 quả đạn 122mm lên bầu trời với phạm vi tấn công hiệu quả lên tới 20km và hủy diệt hoàn toàn một khu vực rộng lớn chỉ sau một lượt phóng. Hiệu ứng nổ của BM-21 gây ra tương đương sức mạnh của những khẩu trọng pháo 152mm mà Liên Xô trang bị lúc đó, nhưng nó lại có tính sát thương cao hơn nhiều lần.
Kíp chiến đấu tiêu chuẩn của BM-21 gồm 3 người và nó được thiết kế để có thể tiêu diệt một số lượng lớn sinh lực địch và trang thiết bị của đối phương chỉ trong một đợt tấn công duy nhất. Bên cạnh đó, khả năng cơ động của Grad cũng là một trong thế mạnh của nó trên chiến trường, với khả năng triển khai và thu hồi trong một khoảng thời gian ngắn BM-21 khá phù hợp các kiểu chiến tranh du kích.
Việc vận hành của hệ thống pháo phản lực này cũng khá đơn giản, cũng như không cần chuẩn bị quá nhiều trong suốt quá trình sử dụng, BM-21 Grad xuất hiện hầu hết trong mọi cuộc xung đột trên toàn thế giới, với sức mạnh hỏa lực áp đảo. Nhưng đây cũng là điểm yếu của BM-21 khi sở hữu một sức mạnh hỏa lực quá lớn và những thiệt hại ngoài ý muốn của nó mang lại là không hề nhỏ.
BM-21 có thể được xem như phiên bản nâng cấp của hệ thống pháo phản lực huyền thoại của Hồng quân Liên Xô là Katyusha BM-13.
Liên Xô thường có thói quen đặt tên các hệ thống pháo phản lực do mình chế tạo dựa theo tên các hiện tượng thời tiết và Grad cũng không phải ngoại. Tương tự như các thế hệ pháo phản lực tiếp theo như Uragan hay Smerch.
BM-21 được chính thức đưa vào biên chế trong Quân đội Liên Xô vào năm 1963, thay thế hệ thống pháo phản lực huyền thoại là BM-13 Katyusha - vũ khí khiến Phát xít Đức khiếp sợ trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Tuy nhiên với phạm vi tấn công hiệu quả chỉ đạt 6,5km và chỉ được trang 16 ống phóng, các tướng lĩnh Liên Xô lúc đó đã nhận định BM-13 đã không còn phù hợp cho chiến tranh hiện đại.
Sau một thời gian dài nghiên cứu và phát triển, các kỹ sư Liên Xô dã cho ra mắt nguyên mẫu đầu tiên của BM-21, tuy nó có độ chính xác không cao nhưng lại phát huy hiệu quả tốt trong việc bắn phá một khu vực rộng lớn. Chính điều này đã làm hài lòng các tướng lĩnh Liên Xô khi ấy, và nó hoàn toàn phù hợp với một khu vực chiến trường có phạm vi rộng lớn như ở Nga.
Cơn bão lửa mà Grad gây ra luôn là nổi khiếp sợ của bất kỳ kẻ thù nào khi đối đầu với nó.
Ban đầu, BM-21 chỉ được trang bị cho các tiểu đoàn bộ binh cơ giới và các đơn vị tăng thiết giáp riêng lẻ trong Quân đội Liên Xô. Nhưng sau khi đưa vào sử dụng, BM-21 đã giành mối quan tâm của quân đội nhiều nước trên thế giới. Và đã có tổng cộng hơn 11.000 tổ hợp BM-21 đã được Liên Xô sản xuất từ năm 1964 cho đến đầu những năm 1990, đó là còn chưa kể đến hàng ngàn tổ hợp BM-21 với nhiều biến thể khác nhau được sản xuất ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh đó, Grad còn được thay đổi để có thể phù hợp với nhiều loại yêu cầu tác chiến khác nhau nhất là trong chiến tranh du kích. Vào giữa những năm 1960 một biến thể hạng nhẹ của BM-21 là Grad-P đã được phát triển để có thể phù hợp hơn trong điều kiện Chiến tranh ở Việt Nam.
Grad-P có thể mang vác và di chuyển bởi một tổ chiến đấu ít người, bên cạnh đó nó còn có khả năng tác chiến ở các khu vực đồi núi nơi mà lực lượng pháo binh hạng nặng không thể tiếp cận.
Phiên bản hạng nhẹ Grad-P của BM-21 phù hợp với chiến tranh du kích.
Cơn bão lửa đầu tiên của Grad là trong Chiến tranh biên giới Xô - Trung Quốc vào năm 1969, khi Quân đội Trung Quốc tiến hành xâm lấn đảo Damansky trên sông Ussuri.
Dưới áp lực chiến thuật biển người của Quân đội Trung Quốc, lực lượng biên phòng của Liên Xô đã buộc phải rút lui. Ngay sau đó, mặc dù không nhận được chỉ thị trực tiếp từ Moscow nhưng tư lệnh Quân khu Viễn Đông của Liên Xô khi đó – Trung tướng Oleg Losik đã ra lệnh sử dụng hệ thống pháo phản lực BM-21 gồm 60 chiếc mới được đưa vào trang bị, ngay lập tức đáp trả lại các hành động gây hấn của Trung Quốc.
Cơn bão lửa mà Grad gây ra đã phá hủy hoàn toàn một khu vực rộng lớn dọc biên giới giữa Liên Xô và Trung Quốc, khiến Quân đội Trung Quốc chịu tổn thất nặng nề về sinh lực cũng như nhiều trang thiết bị khí tài quân sự bị phá hủy.
Khi Quân đội Liên Xô tái chiếm lại đảo Damansky, toàn bộ bề mặt của hòn đảo này bị thiêu rụi hoàn toàn. Điều này càng chứng tỏ sức mạnh tuyệt đối của pháo binh Liên Xô trên chiến trường, mặc dù có một số tin đồn khu vực trên đã bị tấn công bằng vũ khí hóa học.
Tuy đã được đưa vào sử dụng hơn 50 năm nhưng quân đội nhiều quốc gia trên thế giới vẫn tiếp tục sử dụng và nâng cấp các biến thể khác nhau của BM-21 Grad.
Sau khi BM-21 đã trên nên lỗi thời đối với Quân đội Liên Xô, nó đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác nhau và đóng vai trò quan trọng trong nhiều cuộc xung đột trên thế giới.
Vào năm 1975, trong Nội chiến Angola, lực lượng vũ trang của Angola và Cuba đã triển khai các hệ thống Grad ở Congo, để ngăn cản bước tiến quân của Quân đội Nam Phi vào thủ đô của Angola là Luanda. Cuộc nội chiến trên diễn ra sau khi Angola tuyên bố độc lập khỏi Bồ Đào Nha vào cuối năm 1975. BM-21 cũng được sử dụng khá nhiều ở các quốc gia Trung Đông trong các cuộc xung đột gần đây.
Ngày nay, BM-21 vẫn còn phục vụ tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. Tại Nga, nó đang dần dần được thay thế bằng các hệ thống pháo phản lực tiên tiến hơn như Uragan và Smerch hay các biến thể nâng cấp của Grad.