Trong đạn bom, những viên gạch cũng kết mình thành khối
Một ngày bình thường, nhưng không thể quên với những người lính tham gia chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ngày này 42 năm trước, những người lính cuối cùng trong các đơn vị tham gia chiến dịch rút ra khỏi không gian Thành Cổ đổ nát. Với riêng tôi, đó là ngày gom giỗ của hàng vạn đồng bào, chiến sỹ trong suốt chiến dịch, thành một giỗ chung trong lòng, để rồi suốt từ năm 1976 đến nay, đằng đẵng khi lẳng lặng một mình, khi chung cùng bạn bè đồng đội trở về lại chiến trường xưa, hết lên đồi hương vọng, lại xuống sông gửi lòng mình vào từng nhành hoa và neo lòng mình vào dòng trong Thạch Hãn ôm giữ Cổ Thành...
Dấu vết còn sót lại tại tuyến chốt Long Hưng - Tây Nam thành cổ Quảng Trị
Phần còn lại của nhà thờ Trí Bưu
Ngày ấy, chính xác là chiều 27 Tháng 7 năm 1987, sau khi thả hương hoa cho anh em đồng đội, tôi ngồi bó gối bên sông và “viết” trong đầu những lời thắt lòng: Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ…
Vậy nhưng vẫn chưa hết nỗi niềm đồng đội. Ngay đêm đó, tôi vào trong thành cổ, một mình kê chiếc dép “rọ” lên đầu nằm ngủ. Một đêm ngủ với… đồng đội đã hi sinh. Chong mắt, chập chờn giữa xào xạc cỏ lau, nhập nhòa một trời đom đóm như mắt bạn ngày về… tôi lại “viết”:
Giấc ngủ chập chờn giữa Thành Cổ
Nhòa trong sáng xanh đom đóm bay
Đồng đội tôi bao người nằm lại
Đã về đây cùng tôi đêm nay
Cửa Tả Thành Cổ năm 1987
Cửa Tiền thành cổ năm 1991
Thị xã Quảng Trị 1991 vẫn đang là "Thị xã cỏ lau"
Đêm Thành Cổ năm 2005
Vậy là đã qua hơn 40 năm sau chiến tranh, mỗi năm dăm bảy lần về chứng kiến mảnh đất Quảng Trị eo nghèo, èo oặt, dặt dẹo sau cuộc chiến… nay đã thay da đổi thịt từng ngày. Người về Quảng Trị mỗi ngày một đông hơn, khói hương, ân nghĩa đắp đầy hơn, nhưng trong tôi vẫn không thôi nhớ về những ngày lặng lẽ một mình lên đồi, xuống sông hương hoa cho anh em đồng đội…
Ngày đó, từ năm 1976, dấu vết chiến tranh ở phía tây mảnh đất thiêng vẫn hằn lên trong màu cỏ cây cháy khét, nham nhở, lở loét những hố pháo, hố bom. Riêng thành cổ Quảng Trị, nham nhở những mảng, những khối gạch bấu níu lấy nhau trên từng đoạn tường thành. Toàn bộ diện tích nội thành ken dày cỏ dại, với bạt ngàn lau lách bạc trắng đầu, lèo tèo mấy cái nhà cấp bốn dành “ưu tiên” cho… tạp chí Cửa Việt và Phòng Văn Hóa thông tin Triệu Hải... nép bên đường Trần Hưng Đạo và Nguyễn Hoàng...
Ngày ấy, buồn buồn chuyện trò với mấy anh em biên tập tạp chí, tôi nửa đùa:
- Hình như ngoài mấy anh chị em tạp chí, chỉ có thêm ông Bình trông giữ cái hầm kho bảo tàng làm bạn bè với lau lách Thành Cổ?!
Đùa nhưng có vẻ như không sai. Thời đó, chẳng mấy ai muốn về ở cái nơi vừa nghèo, vừa nặng “âm khí này”. Đến ngay cái hội thảo chuyên đề “Chiến tranh giải phóng Quảng Trị” người ta cũng kéo vô… Huế để luận bàn chuyện binh lửa một thời. Để cận gần hơn với không gian chiến tranh, và cũng là mệnh đề hội thảo, là duy nhất một cuộc điền dã “lướt” qua Thành cổ, và cũng là thành... cỏ để có cái khái niệm… thực tế!
Vậy là đã qua thêm một “giỗ” cho một chiến dịch… Giữa ồn ào những cuộc tụ hội này, dựng bia đặt bệ kia… Bất chợt lại trở về trong tôi một chặng đường xưa, và tôi lặng lẽ chọn trong những khuôn hình ghi chép đã... xưa ấy, mấy tấm ảnh như những mảnh vụn ghép nên bức tranh: Thành cổ Quảng Trị ngày ấy tôi về.
Nhà báo Lê Bá Dương - Văn phòng thường trú báo Văn hóa
Khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên
|