QĐND - Từ giữa năm 1964, Mỹ và chính quyền Sài Gòn thường xuyên khiêu khích và ráo riết chuẩn bị cuộc chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc nước ta bằng không quân và hải quân. Tháng 6-1964, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta ra Chỉ thị: “Tăng cường SSCĐ, đập tan âm mưu khiêu khích, đánh phá miền Bắc của không quân Mỹ”. Chấp hành sự lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, các đơn vị lực lượng vũ trang trên miền Bắc, đặc biệt là Hải quân, Phòng không-Không quân (PK-KQ) chuẩn bị mọi mặt, nâng cao cảnh giác, SSCĐ và đánh thắng địch.
|
Tự vệ vùng mỏ Quảng Ninh tham gia bắn máy bay Mỹ ngày 5-8-1964. Ảnh tư liệu
|
Sau khi dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, ngày 5-8-1964, Mỹ tiến hành cuộc tập kích mang mật danh “Mũi tên xuyên”, đánh phá vào hầu hết các căn cứ hải quân của ta trên tuyến ven biển miền Bắc từ cảng Gianh (Quảng Bình), Cửa Hội-kho dầu ở Vinh (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa), đến Hòn Gai - Bãi Cháy (Quảng Ninh) hòng tiêu diệt lực lượng Hải quân ta. Cuộc tập kích đường không của Mỹ đã bị Bộ đội Hải quân và lực lượng phòng không (LLPK) ba thứ quân miền Bắc nước ta đánh trả quyết liệt, bắn rơi 8 máy bay và làm hư hỏng nhiều chiếc, bắt sống phi công Mỹ. Từ thực tiễn đánh thắng trận đầu ngày 5-8-1964, chúng ta đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm và tiếp tục được nghiên cứu, phát triển, vận dụng trong điều kiện mới.
Trước hết, ta đã giành thế chủ động đánh thắng địch ngay từ trận đầu. Đảng ta, Quân ủy Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng tình hình chiến trường miền Nam, cũng như đánh giá đúng tình hình, quyết định và chỉ đạo cho quân và dân các tỉnh miền Bắc cùng Bộ đội Hải quân và LLPK ba thứ quân, SSCĐ cao, huy động được sức mạnh to lớn của cả miền Bắc cho cuộc đụng đầu lịch sử. Trên cơ sở đó, ta tổ chức lực lượng chặt chẽ, phát huy được sức mạnh tổng hợp ngay từ trận đầu. LLPK ba thứ quân được tổ chức gắn liền với Bộ đội Hải quân và LLVT của từng huyện, tỉnh, thành phố; kết hợp chặt chẽ giữa LLVT địa phương với bộ đội chủ lực trên địa bàn tác chiến. Với cách tổ chức khoa học, chặt chẽ, cấu trúc hợp lý và vận dụng các hình thức, phương thức tác chiến phù hợp, ta đã xây dựng được thế trận phòng không nhân dân “thiên la địa võng”, rộng khắp, vững chắc, mạnh ở các trọng điểm.
Bằng cách đánh mưu trí, sáng tạo, linh hoạt, ta luôn giành và giữ quyền chủ động trong tác chiến. Trong điều kiện lực lượng của ta có hạn, vũ khí trang bị kỹ thuật của ta còn kém và lạc hậu hơn so với địch, để đánh thắng cuộc tập kích của địch đòi hỏi các LLPK của ta phải rất mưu trí, dũng cảm, linh hoạt và sáng tạo trong cách đánh. Ngay từ đầu, ta đã xác định đối tượng nguy hiểm nhất là máy bay cường kích, ném bom, đây là loại máy bay được các nhà quân sự Mỹ gọi là “Thần sấm”, “Con ma” của không lực Hoa Kỳ. Trước khi mở cuộc hành quân “Mũi tên xuyên”, Mỹ chủ quan cho rằng, với các loại vũ khí trang bị của Hải quân và LLPK miền Bắc nước ta hiện có sẽ không có khả năng bắn rơi máy bay của hải quân Mỹ. Với tính toán như vậy, Bộ chỉ huy không quân hải quân Mỹ đinh ninh sẽ vào đánh phá các mục tiêu dễ dàng và không bị tổn thất. Trên thực tế, ta hạ quyết tâm quyết đánh thắng trận đầu, ngay từ ngày đầu, điều đó thể hiện ý chí, sự quyết đoán, mưu trí, sáng tạo của Đảng, quân và dân ta.
Song song với việc xác định đối tượng đánh chủ yếu, ta đã nghiên cứu, phân tích, xác định khu vực tác chiến chủ yếu là các mục trên tuyến ven biển từ Quảng Ninh, Hải Phòng, đến Lạch Trường (Thanh Hóa), Cửa Hội, Quảng Bình. Việc chọn địa điểm tác chiến để tập trung lực lượng đối đầu với không quân hải quân Mỹ, thể hiện ý chí quyết đánh và quyết thắng rất cao của ta trong trận đầu. Trên cơ sở phân tích khoa học, Bộ đội Hải quân và từng binh chủng bộ đội PK-KQ xác định rõ nhiệm vụ. Các LLPK chủ lực, địa phương, dân quân, tự vệ, là lực lượng rộng khắp vừa trực tiếp đánh địch bảo vệ các mục tiêu trọng điểm, vừa kết hợp bảo vệ trận địa và các căn cứ của Hải quân ta. Từ việc xác định rõ nhiệm vụ cho từng lực lượng, nên quá trình tác chiến, ta đã phát huy tốt mọi khả năng chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Quyết đánh và đánh thắng ngay từ trận đầu vừa là nghệ thuật tác chiến, vừa là bài học lịch sử có ý nghĩa chiến lược, làm thay đổi cục diện chiến trường. Thực tế cho thấy, trận đánh ngày 5-8-1964 là trận đánh đạt hiệu quả cao. Ngay từ trận đầu và khi những tốp máy bay địch vào đánh phá các căn cứ của Hải quân ta, ta đã phát hiện chính xác các tốp máy bay địch đột nhập vào đánh phá và thông báo, báo động kịp thời cho cho các LLPK của ta chuyển cấp chiến đấu kịp thời. Đánh thắng trận đầu ngày 5-8-1964, ta đã củng cố niềm tin vào khả năng tác chiến của LLPK ba thứ quân, có khả năng bắn rơi tại chỗ các loại máy bay của Mỹ, đồng thời làm cho địch hoang mang, nhất là phi công địch.
Chiến thắng trận đầu ngày 5-8-1964 là chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, là ý chí quyết tâm dám đánh, quyết đánh và quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đó là biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất, của trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đây còn là thắng lợi của đường lối đúng đắn, sáng tạo, chiến lược tài tình của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đại tá, PGS, TS Trần Nam Chuân
Theo QDND.VN
|