VOV.VN - Vua Gia Long đã có một sự nghiệp lẫy lừng trên biển. Ông đã ghi mốc son trong lịch sử bằng việc khẳng định chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.
Thủy quân vốn là sức mạnh của quân đội nhà Nguyễn. Từ thời chúa Nguyễn lực lượng thủy quân đã là một binh chủng tinh nhuệ và hùng mạnh, là một lực lượng chủ chốt trong việc bảo vệ đất nước và quản lý, giám sát an ninh vùng biển, đường biển. Vua Gia Long (Nguyễn Phúc Ánh) rất chú trọng phát triển lực lượng thủy quân và kỹ thuật đóng tàu, đặc biệt là tàu chiến.
Vua Gia Long, vị vua đầu tiên, người sáng lập ra vương triều
nhà Nguyễn (Ảnh tư liệu)
Nhà vua đã lệnh cho Bộ Công biên soạn cuốn “Duyên hải lục” ghi chép độ sâu của thủy triều ven biển và cây số đường biển. M.A. Dubois de Jancigny, phái viên của Chính phủ Pháp ở Trung Quốc và Đông Dương đã mô tả lực lượng hải quân của vua Gia Long như sau: “Hạm đội bao gồm những pháo thuyền mang theo từ 16 đến 22 khẩu đại bác. Những thuyền lớn có từ 50 đến 70 mái chèo, những thuyền nhỏ có hơn 40 hoặc 44 mái chèo”.
Cùng với việc phát triển thủy quân, vua Gia Long đã có công lớn trong việc thực thi, khẳng định chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên biển Đông. Đây là sự nghiệp lẫy lừng, quan trọng và là dấu son trong cuộc đời của vị vua có số phận đặc biệt này. Ngay từ khi lên ngôi, dù phải lo toan rất nhiều việc ngổn ngang sau những năm dài chiến tranh, quản lý cả một vùng lãnh thổ quốc gia rộng lớn nhất từ trước tới thời điểm đó, nhưng vua Gia Long đã thể hiện tầm nhìn xa trông rộng về vấn đề biển đảo.
Thời vua Gia Long, sách “Đại Nam thực lục” (Quốc sử quán triều Nguyễn) đã ghi chép 3 lần vua Gia Long phái quân ra Hoàng Sa để thực thi chủ quyền vào các năm: 1803, 1815, 1816. Hải đội Hoàng Sa được thành lập và hoạt động từ thời chúa Nguyễn xứ Đàng Trong và bị gián đoạn trong thời gian chiến tranh. Ngay khi mới lên ngôi, vào năm 1803, vua Gia Long đã cho khôi phục lại đội Hoàng Sa. Đội quân này không chỉ hoạt động ở vùng biển đảo Hoàng Sa mà kiêm quản các đội khác như đội Bắc Hải (Trường Sa) nên phạm vi hoạt động rộng khắp các đảo trên Biển Đông, cho tới các đảo phía nam ở khu vực Hà Tiên.
Những ghi chép về đội Hoàng Sa từ thời chúa Nguyễn nằm trong sách
"Đại Nam thực lục" (Ảnh tư liệu)
Liền trong 2 năm 1815, 1816, vua Gia Long sai thủy binh đi đo đạc thủy trình, thăm dò đường biển. Sử nhà Nguyễn ghi vắn tắt về việc này, song nhiều hồi ký, ghi chép của người phương Tây lại ghi khá cụ thể và khách quan, khẳng định việc xác lập chủ quyền của vua Gia Long ở Hoàng Sa và còn ghi nhận vua Gia Long trực tiếp ra cắm cờ ở Bãi Cát Vàng.
Trong cuốn hồi ký “Ghi chép về xứ Cochinchie”, một cố vấn người Pháp của vua Gia Long là J.B.Chaigneau đã viết: “Quần đảo Paracels gồm nhiều đảo nhỏ, ghềnh và mỏm đá không có dân cư. Vào năm 1816, vị Hoàng đế bấy giờ (tức vua Gia Long) đã tiếp nhận chủ quyền trên quần đảo này”.
Còn giám mục Jean Louis Taberd viết trong cuốn “Bức tranh Thế giới - Lịch sử và mô tả các dân tộc, tôn giáo, phong tục, tập quán của họ”, được xuất bản tại Paris vào năm 1833 như sau: “Quần đảo Paracels mà người Việt gọi là Bãi Cát Vàng gồm rất nhiều hoang đảo chằng chịt với nhau, lởm chởm những đá nhô lên… Những hoang đảo này đã được chiếm cứ bởi người Việt xứ Đàng Trong. Chúng tôi không rõ họ có thiết lập một cơ sở nào tại đó không; nhưng có điều chúng tôi biết chắc là Hoàng đế Gia Long đã chủ tâm thêm cái đóa hoa kỳ lạ đó vào vương miện của Ngài; vì vậy mà Ngài xét thấy đúng lúc phải thân chinh vượt biển để tiếp thâu quần đảo Hoàng Sa, và chính là vào năm 1816, Ngài đã long trọng treo tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong…”
Sau đó, giám mục Jean Louis Taberd một lần nữa nhắc lại sự việc này trong một bài báo phát hành ở Ấn Độ năm 1849 với nội dung: “Năm 1816, nhà vua đã tới long trọng cắm cờ quốc gia của ông và chính thức giữ chủ quyền các hòn đảo này mà hình như không một ai tranh giành với ông”.
Đặc biệt, trong cuốn “Từ điển Latin - Việt” của giám mục Jean Louis Taberd được xuất bản năm 1838, có đính kèm tấm “An Nam Đại quốc họa đồ”. Trong đó có hình vẽ Paracels (tức Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa), ghi rõ tọa độ và khẳng định Hoàng Sa thuộc về Việt Nam.
An Nam Đại quốc hoạ đồ xuất bản năm 1838, có vẽ hình quần đảo
Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Như vậy, tiếp nối truyền thống các chúa Nguyễn, vua Gia Long đã tiếp tục duy trì hoạt động của Hải đội Hoàng Sa, thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa nói riêng và các hải đảo trên các vùng biển của Việt Nam nói chung – với tính pháp lý và quốc tế ở mức độ cao hơn./.
Cùng trong loạt bài:
Bài 1: Bản đồ cổ và chính sử Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa
Bài 2: Châu bản triều Nguyễn: Minh chứng về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa
Bài 3: Bản đồ cổ Việt Nam – chứng cứ “thép” về chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa
Bài 4: Sử liệu cổ Việt Nam khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa
Bài 5: Thế giới đã thừa nhận Hoàng Sa, Trường là của Việt Nam ra sao?
Bài 6: SGK Trung Quốc thừa nhận biên giới chỉ đến đảo Hải Nam
Bài 7: Nhà nước Phong kiến Việt Nam đã đưa Hoàng Sa vào SKG dạy cho trẻ nhỏ
Bài 8: Clip: Nhà nước Phong kiến Việt Nam dạy trẻ nhỏ về chủ quyền Hoàng Sa thế nào?
Bài 9: Các tư liệu về chủ quyền biển, đảo phải sớm được đưa vào SGK
Bài 10: Tư liệu cổ thế giới khẳng định Hoàng Sa thuộc về Việt Nam
CTV Hà Thành/VOV.VN
|