QĐND Online - Một số lượng lớn đạn đặc chủng cấp 5 tồn lưu sau chiến tranh vừa được cán bộ, nhân viên kỹ thuật Kho K63 (Binh chủng Hóa học) xử lý, tiêu hủy an toàn. Đây là loại đạn rốc-két của Mỹ dùng ở chiến trường Việt Nam. Loại đạn này chứa nhiều chất độc, khả năng gây ô nhiễm môi trường rất cao.
Khi chúng tôi có mặt tại Kho K63 cũng là lúc những quả đạn cuối cùng trong tổng số lượng đạn khổng lồ với gần 200 tấn đã được xử lý xong. Đại tá Phạm Thế Sam, Chủ nhiệm Kho K63 thở phào nhẹ nhõm và khẳng định: Trận đánh đã thắng lợi 100%. Chúng tôi đã làm chủ “chiến trường”. Anh cho biết, trong suốt nhiều tháng qua là quãng thời gian vô cùng căng thẳng đối với cán bộ, chiến sĩ của kho. Khi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ, toàn Kho K63 thực sự là những ngày bước vào trận chiến đấu. Dù đã có kinh nghiệm xử lý đạn tồn lưu sau chiến tranh, đặc biệt là loại đạn đặc chủng độc hại, song Chủ nhiệm kho Phạm Thế Sam luôn bám sát và yêu cầu lực lượng làm nhiệm vụ xử lý không được phép có chủ quan, sơ suất. Tất cả đều liên quan đến tính mạng con người nên sai sót, bất trắc xảy ra thì không thể “rút kinh nghiệm” được.
|
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Tư lệnh Binh chủng Hóa học kiểm tra quá trình tháo đầu đạn rốc-két để xử lý.
|
Khu vực xử lý đạn được cách ly hoàn toàn với các khu vực khác và chạy dài trong hai khe núi chắn với nhau. Trong khu vực xử lý lại tiếp tục được chia thành nhiều bộ phận cách ly nhau nhằm giảm tối đa thương vong nếu không may có sự cố xảy ra. Chiếc xe cứu thương và các nhân viên quân y của đơn vị luôn thường trực ở thực địa.
Thượng úy QNCN Nguyễn Hữu Hải giới thiệu quy trình xử lý đạn với chúng tôi. Anh cho biết: Công việc xử lý đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác đến từng mi-li-mét. Dù đã là kỹ thuật viên có tay nghề và kinh nghiệm của Phân kho Vũ khí-Đạn, nhiều lần tham gia xử lý các loại đạn nhưng mỗi lần xử lý đạn dược, Hải luôn xác định là mới mẻ để không được phép chủ quan; đồng thời phải chuẩn bị tâm lý vững vàng. Hải cũng như hàng chục cán bộ, chiến sĩ khác, tất cả làm việc trong môi trường có quy định nghiêm ngặt về công tác an toàn, tập trung cao độ và tuân thủ các quy trình công nghệ đã được cơ quan chức năng xây dựng và thủ trưởng cấp trên phê duyệt.
Trên suốt quãng đường đến Kho K63, Đại tá Lâm Vĩnh Ánh, Phó chủ nhiệm Kỹ thuật Binh chủng Hóa học đặc biệt đề cao đến yếu tố an toàn trong xử lý loại đạn này. Trong toàn bộ kế hoạch xử lý số đạn trên, lãnh đạo, chỉ huy binh chủng yêu cầu: “Phải chắc chắn bảo đảm an toàn mới cho tiến hành xử lý”. Cái khó nhất nhưng cũng là thành công nhất theo Đại tá Lâm Vĩnh Ánh chính là đã xây dựng được một quy trình công nghệ xử lý an toàn và đào tạo được đội ngũ kỹ thuật có thể đảm nhiệm được công việc.
Đợt xử lý đạn rốc-két cấp 5 lần này thực sự là bước đột phá của cán bộ, chiến sĩ Kho K63 và sự chỉ đạo trúng và đúng của cơ quan binh chủng. Một trong những đột phá lớn nhất phải kể tới đó là quy trình công nghệ xử lý. Thông thường, biện pháp hủy nổ sẽ được sử dụng, tuy nhiên, với loại đạn độc hại, có khả năng gây ô nhiễm môi trường lớn như loại này thì phương pháp hủy nổ không phải là tối ưu. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng của Binh chủng Hóa học đã nghiên cứu và đề xuất phương pháp xử lý là tháo rời để xử lý từng bộ phận. Phương pháp này được cấp trên chấp nhận. Từ đó, ngành kỹ thuật Binh chủng Hóa học đã nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện quy trình công nghệ, thực hiện huấn luyện thử nghiệm trên mô hình, sau khi thuần thục động tác, có kiểm tra, đánh giá mới tiến hành làm thật trên thực địa. Đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật ở các khâu được áp dụng vào trong xây dựng, huấn luyện, áp dụng vào triển khai quy trình công nghệ. Phần chuẩn bị về con người cũng được Kho K63 tiến hành song song như tuyển chọn, đào tạo, thử nghiệm để đáp ứng với công việc. Riêng khu vực xử lý của Kho K63, việc xây dựng cơ sở vật chất cho từng công đoạn xử lý được giám sát chặt chẽ với các chuyên gia có kinh nghiệm của Binh chủng Hóa học.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Tư lệnh Binh chủng Hóa học đánh giá: Việc xử lý thành công một số lượng lớn đạn đặc chủng đợt này tiếp tục khẳng định trình độ chuyên môn vững vàng của Bộ đội Hóa học. Nó cũng mở ra một hướng mới trong việc xử lý an toàn vũ khí đạn tồn lưu sau chiến tranh. Nhiệm vụ của Bộ đội Hóa học trong thời bình vẫn rất nặng nề, đặc biệt là việc xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh. Điều đó khiến Bộ đội Hóa học phải không ngừng nỗ lực học tập, huấn luyện nâng cao trình độ, nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào thực hiện nhiệm vụ, để lập nên những chiến công mới trong thời bình.
Bài và ảnh: NGUYỄN HÀ MY
QDND.VN
|