QĐND - Thứ sáu, 23/05/2014 | 21:7 GMT+7
QĐND Online - Trưa 23-5, Hà Nội đón cái nắng oi ả của mùa hè, nhưng phía trong Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô, sau khi Chương trình “Vinh danh Việt Nam” lần thứ XI-2014 kết thúc, rất nhiều người vẫn nán lại hỏi thăm Thượng úy Trần Quang Vững, chính trị viên tàu CSB 4032, Hải đội 201, Vùng Cảnh sát biển 2 và ngư dân Lê Khởi, nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi. Họ gọi hai người đàn ông rắn rỏi, nước da sạm đen vì nắng gió ấy là những người về từ Hoàng Sa, về từ nơi thiêng liêng của Tổ quốc.
Triệu triệu người Việt Nam đồng hành cùng chúng tôi
Khi Thượng úy Trần Quang Vững, chính trị viên tàu CSB 4032 được MC Lê Anh giới thiệu trong phần giao lưu với các cá nhân, tập thể điển hình được tôn vinh tại Chương trình “Vinh danh Việt Nam” lần thứ XI-2014, tiếng vỗ tay trong khán phòng vang lên không ngớt.
Chia sẻ với khán giả, Thượng úy Trần Quang Vững cho biết, những ngày này, mặc dù tình hình trên Biển Đông diễn biến vô cùng phức tạp nhưng anh em chiến sĩ không hề nao núng.
|
Thượng úy Trần Quang Vững tại chương trình “Vinh danh Việt Nam” lần thứ XI-2014.
|
“Điều kiện thời tiết khắc nghiệt, biển động ảnh hưởng đến sức khỏe, cũng như tính năng của các trang thiết bị trên tàu. Thêm vào đó, lực lượng các tàu Trung Quốc bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 đông, có nhiều hành vi hung hăng gây khó khăn nhưng chúng tôi vẫn kiên cường bám biển với tinh thần cao nhất”, anh Vững khẳng định.
Giọng nói đanh thép, rành mạch của người chính trị viên vừa trở về từ Hoàng Sa khiến những người có mặt trong khán phòng ào lên vỗ tay. Nghe trong những tiếng vỗ tay rất dài, rất mạnh mẽ ấy là lòng tự hào, tự tôn dân tộc đang dâng cao trong mỗi trái tim Việt Nam.
Trò chuyện ngoài hành lang sau lễ vinh danh, Thượng úy Nguyễn Quang Vững cho rằng, niềm tin lớn nhất để những cảnh sát biển Việt Nam như anh bám biển chính là bởi, phía sau các anh vẫn còn triệu triệu trái tim của nhân dân hướng về. Không nao núng, không lo lắng, không chùn bước trước những nguy hiểm của biển khơi là lời nhắn gửi tới đất liền của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam nói riêng cũng như toàn thể các lực lượng đang có mặt từng ngày, từng giờ ngoài biển khơi để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.
Nguy hiểm nhưng không bao giờ từ bỏ biển
Đó là khẳng định của ngư dân Lê Khởi, nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi. Đi biển từ năm 17 tuổi và chính thức vươn khơi ra vùng biển Hoàng sa từ năm 25 tuổi, tính đến nay, ông Khởi đã có hàng chục năm bám biển. Dáng người nhỏ thó, nước da đen sạm, chất giọng miền Trung đặc quánh, ông Khởi cho biết: Những ngày qua, mặc dù việc đi biển gặp rất nhiều khó khăn, tàu cá của ta thường xuyên bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, gây nguy hiểm nhưng ngư dân vẫn kiên trì bám biển vì Hoàng Sa là vùng biển mà từ thời cha ông chúng tôi đã vươn khơi đánh bắt thủy, hải sản, thuộc chủ quyền của Việt Nam.
|
Ngư dân Lê Khởi chia sẻ với phóng viên báo chí.
|
Không chỉ tham gia bám biển, trong nhiều năm liền, ông Khởi còn làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn nhiều tàu thuyền của ngư dân gặp nạn trên biển, được tặng thưởng nhiều danh hiệu như: Bằng khen của Ủy ban Cứu hộ, cứu nạn Quốc gia; Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi tặng bằng khen làm kinh tế giỏi và thực hiện theo lời Bác Hồ dạy...
Chia sẻ về dự định sau khi từ Hà Nội về Lý Sơn, Quảng Ngãi, ông Khởi nói: Tôi cùng bà con ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn sẽ tiếp tục vươn khơi, vừa để làm kinh tế vừa khẳng định, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Chúng tôi không sợ nguy hiểm bởi mọi hoạt động đánh bắt của chúng tôi đều diễn ra trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Những cuộc trò chuyện ngắn với những người con về từ Hoàng Sa dường như đã làm dịu đi cái nắng giữa trời Thủ đô. Dù giờ đây, ngoài biển khơi sóng vẫn chưa lặng nhưng nhìn vào ánh mắt cương nghị của những người về từ biển, ai cũng tin tưởng, các anh sẽ vẫn ngày đêm bám biển, để bảo vệ từng tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài, ảnh: THU THỦY
QDND.VN
|