Trang chủ Liên hệ       Thư ba, Ngày 26/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người >
  Vài kỷ niệm trên tuyến lửa Trường Sơn Vài kỷ niệm trên tuyến lửa Trường Sơn , Người xứ Nghệ Kiev
 

QĐND -  Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại. Vài mẩu chuyện dung dị thời mười tám, đôi mươi của người trong cuộc sẽ khơi lại phần nào ký ức một thời hào hùng. Mỗi câu chuyện có thể là một bài học chuẩn bị về yếu tố con người và phương tiện để làm lên những huyền thoại trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên đường nhập “tuyến lửa”

Những ngày cuối năm 1971, trời rét buốt. Sau trận lụt lịch sử, nhiều xóm, làng miền Bắc xơ xác. Những ngọn tre phất phơ trong giá lạnh. Trái với cảnh đất trời, trong lòng mọi người nóng bỏng, sục sôi, chuẩn bị cho những trận đánh lớn ở cả hai miền Nam, Bắc. Thanh niên khắp nơi náo nức tòng quân. Từng đoàn tàu, xe hối hả lên đường. Đoàn xe mười lăm chiếc “Zin ba cầu” vừa “bóc tem” của chúng tôi luồn rừng Yên Thế (Bắc Giang), cõng “rồng lửa” xuôi về Nam.

Văn công biểu diễn trên đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu

Giao nhiệm vụ trước hàng quân, anh Thụ tiểu đoàn phó nhắc nhở chúng tôi phải giữ bí mật tuyệt đối, đây là “thứ” lần đầu tiên đưa ra sử dụng trong chiến trường (tên lửa phòng không vác vai A-72).

Khi các chiến sỹ lái xe và trắc thủ trở về xe của mình, anh Thụ gọi tôi ở lại. Anh nhìn tôi hồi lâu tỏ vẻ ái ngại. Anh nhỏ nhẹ hỏi: “Mỗi vừa ra trường, chắc chưa lái xe một mình một xe phải không?”. “Em lái được rồi ạ”. Tôi tự tin trả lời. Chả là, ở giai đoạn cuối học tập ở Trường lái xe 255, tôi đã cùng cả đại đội, mỗi người lái một xe, nhận từ Lạng Sơn đưa vào Binh trạm 14 ở Quảng Bình, cả thảy được ba lần như vậy. Sau những lần vừa học vừa “tự lái” ấy, chúng tôi đã trở thành chiến sỹ lái xe thực thụ mặc dù chưa ra trường. Có lẽ, anh thấy tôi quá “bột”, người trắng trẻo, thanh mảnh chưa vương chút phong trần. Hơn nữa, ngoài việc cõng mười tám “rồng lửa”, trên xe tôi còn có cả một số trắc thủ và một tổ điện đài 15 oát. Như thế anh sợ xe tôi “quá tải” chăng?

Vào một buổi chiều, xe tôi vừa lăn bánh xuống phà sông Gianh, hai máy bay đen trũi bay là là trên mặt sông, từ hướng biển vào, vội cắt bom ở bờ nam. Những cột nước dựng đứng. Phà bờ bắc chao đảo. Pháo cao xạ đôi bờ nổ ran. Mọi người trên phà vẫn bình thản. Có lẽ ai nấy đã quá quen với cảnh như vậy rồi.

Chiều tối, chúng tôi dừng lại gần một làng quê nam bờ sông Gianh để thay ngụy trang và đi bộ vào làng nấu cơm nhờ ở một gia đình. Mâm cơm vừa dọn ra, gần chục đứa trẻ áo quần phong phanh, mặt mũi tái mét ở các nhà bên kéo đến vây quanh. Chúng tôi lấy cơm cho các em. Nhìn chúng ăn, nghĩ rằng có lẽ lâu lắm rồi các em mới được bát cơm. Hồi ấy, Hải Dương quê tôi cũng còn nghèo lắm, nhưng vẫn không đến nỗi đói, rét như những em bé ở tuyến lửa này.

Ăn tạm bát cơm còn lại, anh em vội lên đường để kịp vượt “trọng điểm”. Chặng đầu hành quân của chúng tôi diễn ra nhanh chóng và an toàn. Cái khó nhất mà tôi phải khắc phục mấy ngày đó là: Ăn xong, hai mi mắt nhíu lại, chân tay rã rời, thế mà lại lên xe “cầm lái” đi ngay. Thật là một cực hình. “Bệnh” buồn ngủ ngay sau bữa ăn của tôi từ hồi bé, chẳng thế việc nhà giúp mẹ ngại nhất là ăn xong phải rửa bát.

Đêm đầu tiên ở vùng “chảo lửa”

Vùng chảo lửa mà chúng tôi phải vượt qua là đoạn đầu của đường 20 Quyết Thắng. Nó là yết hầu của tuyến lửa Trường Sơn. Đây là những “liên hoàn trọng điểm”, địch đánh phá ác liệt với đủ loại vũ khí hiện đại nhất hồi bấy giờ.

Lợi dụng pháo sáng của địch, chúng tôi tăng tốc độ xe. Tối ấy chúng tôi vượt qua các trọng điểm Trà Ang, UBò, Cà Roong, A Ky… ở Tây Nam Quảng Bình giáp biên giới Việt - Lào mà không bị dính bom, đạn.

Xe chúng tôi được dẫn đến giấu kín ở khu rừng già rậm rạp. Tin có văn công biểu diễn lan nhanh khắp đội hình. Đang đói và mệt, nhưng ai nấy đều háo hức đi xem. Mọi người xách lương khô đi cùng, để vừa xem vừa ăn. Vở chèo “Anh lái xe và cô chống lầy” do văn công Trường Sơn biểu diễn đã làm cánh “xế trẻ” chúng tôi phấn chấn. Cứ như họ đang nói với chúng tôi về những điều ngày mai, ngày kia chúng tôi sẽ gặp phải ở các chặng đường phía trước.

Đêm khuya. Dưới tán lá rừng, cánh võng dù chao liệng. Những vì sao trên bầu trời đung đưa. Tôi chìm sâu trong giấc ngủ. Trời đất bỗng đổ sập. Ánh chớp xanh lè nhằng nhịt. Ngực tức nhói cứ như núi đá đè. Không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy, nằm cách võng vài mét. Tai ù đặc và rỉ máu. Khói đen nồng nặc. Công binh ùa đến cùng với võng, cáng, cuốc, xẻng… Lúc ấy tôi mới biết rằng, chúng tôi đã bị “dính” bom B52. Hai người bị thương, ba xe bị hư hỏng. Lúc này, tôi càng hiểu hơn bài học: Khi đi hoặc khi đỗ xe phải cách xa nhau ít nhất 50 mét.

Sáng sớm hôm sau, người đau ê ẩm, vẫn đang ở trạng thái “không trọng lượng”, chúng tôi khẩn trương củng cố lại xe và tập trung đón chính ủy binh trạm đến thăm hỏi, động viên. Chỉ vài lời ngắn gọn nhưng Chính ủy Binh trạm 14 Đinh Văn Tốn đã tiếp cho chúng tôi thêm sức mạnh. “Xe có thể bị cháy nhưng rồi sẽ được trang bị lại. Tinh thần tư tưởng bị cháy thì không ai trang bị lại được, nên các đồng chí cố gắng đừng để tinh thần và tư tưởng bị cháy. Chiến trường đang mong các đồng chí từng giờ”. Tôi nhớ mãi lời dặn dò ấy suốt trong những năm tháng ở Trường Sơn.

Để chuẩn bị vượt “cửa tử” chúng tôi chuẩn bị khá kỹ càng. Lá xanh ngụy trang phải dỡ xuống, thay vào đó là cành cây cháy xém. Màu xanh của xe được trát một lớp đất bột lấy từ hố bom lên, hai bên thùng xe buộc kẹp bốn “đà trượt” bằng cây rừng. Trên người áo giáp, mũ sắt nai nịt gọn gàng. Bài học về ngụy trang và gia cố xe như thế chúng tôi chưa được học ở trường. Lúc đầu bỡ ngỡ nhưng rồi cũng làm được. Ban ngày đứng cách xa trăm mét khó mà phát hiện được xe mình ở chỗ nào. Khoảng sáu giờ chiều, đoàn xe chúng tôi được “bẻ ghi” đi vào cung đường kín men theo “chảo lửa A.T.P” (cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích thuộc đất Lào), nơi địch vừa dội bom lúc chiều gây tắc đường chưa khắc phục được. Xe đi trên đường ngập nước dưới lòng suối, trên là cây xanh phủ kín, cũng có lúc phải vượt những đoạn đường “chết” chỉ còn cây cháy, đất đá như bột. Lúc đầu ham đi nhanh nước té vào “bugi” máy chết liên tục. Đi được khoảng mười lăm cây số đường ngầm này, rồi cũng có kinh nghiệm. Nhưng hai cánh tay như rời khỏi vai vì mặt đường ngầm suối đá, gồ ghề, nham nhở.

Vận chuyển “cấp cứu” Kon Tum

Cuối mùa khô năm 1971-1972 (từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 6 năm 1972) ta mở chiến dịch tiến công quy mô lớn trên Mặt trận bắc Tây Nguyên, trong đó có cụm phòng ngự Thị xã Kon Tum, Đắc Tô, Tân Cảnh. Từ ngã ba Đông Dương (Phi Hà) hướng Kon Tum, nơi đây địa hình hiểm trở, đường hẹp, nhiều dốc và trơn lầy, địch tập trung đánh phá ác liệt. Cả tiểu đoàn ô tô vận tải của tôi (Tiểu đoàn 58, Binh trạm 37) dốc sức ngày đêm đưa “hàng” vào “cấp cứu” đến tận các đơn vị tham gia chiến dịch. Xe ba cầu của Trung Quốc (xe CA30) không sao vượt được các đoạn đường này vì máy yếu, hộp số rơi rụng dọc đường. Chỉ còn lại những chiếc xe ba cầu của Liên xô (ZIN157) còn chịu đựng được. Mới đầu tháng 4, trời đã mưa tầm tã. Mọi người cứ thắc mắc: “Sao năm nay mưa sớm và dữ dội như vậy”? Sau này khi đọc các tài liệu tôi mới biết lúc ấy địch gây mưa nhân tạo cùng với bom đạn để ngăn chặn hoạt động vận chuyển tiếp tế của ta. Thường chỉ một ngày đêm đạt một chuyến xe trên cung đường 100 cây số, nay phải ba ngày đêm mới hoàn thành được. Có đêm xe chỉ nhích được vài cây số. Xe cháy, đồng đội hy sinh, không khí ngột ngạt, căng thẳng.

Dùng ô tô kéo xe tăng bị sa lầy

Vừa “đánh” xe ra khỏi “mang cá” để đi về hướng Kon Tum, anh Hiếu, Trung đội trưởng ra lệnh cho xe quay lại để đi cứu kéo. Ngược đường được hơn hai cây số, thấy bốn xe tăng T54 đang gầm rú tuyệt vọng, chìm dần xuống đoạn đường rải “rông đanh”. Hai xe DIN 157 đầu tời của chúng tôi đấu lại, lần lượt kéo từng xe vượt khỏi chỗ lầy. Cánh lính xe tăng sung sướng ôm chặt chúng tôi và hẹn gặp nhau ở nơi “đấu xe, đấu pháo” với địch. Thật là lạ, thường thì xe xích kéo xe hơi, nay thì ngược lại. Chúng tôi vượt lên trước và rẽ sang một đường khác. (Còn nữa).

Đại tá, TS, NGND NGUYỄN VĂN MỖI

Tiếp theo: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/phong-su/vai-ky-niem-tren-tuyen-lua-truong-son-tiep-theo-va-het/302102.html

Nguồn QDND.VN


  Các Tin khác
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
  + Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam (17/01/2023)
  + Cánh đồng Tà Pạ đẹp lạ như phim, dân mạng đang “phát sốt” tìm xem ở tỉnh nào của miền Tây (23/12/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 5
Total: 65247405

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July