Trong những ngày biển bờ Tổ quốc đang nóng trước việc Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam, xin giới thiệu phóng sự TRƯỜNG SA & CÂU CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI LÍNH HÓA HỒN VÀO BIỂN - Bộ phim do Đài Truyền hình Khánh Hòa phối hợp với Tỉnh đội thực hiện. Đây là một trong hơn chục phim Phóng sự do nhà báo Lê Bá Dương viết Kịch bản và Lời bình. Trân trọng giới thiệu cùng độc giả Nguoixunghekiev.vn!
Các chiến sỹ trong đoàn công tác trên tàu S39
trong lễ thả hoa tưởng niệm đồng đội trên biển đảo Cô Lin.
Lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc đã phải viết bằng máu. Máu thắm đượm trên từng tấc đất, mỗi con đường. Máu thắm vào cả trong từng lời ru của Mẹ. Đất nước đã khải hoàn nhưng những người con của mẹ mãi không về. Các anh đã yên nghỉ trên những nghĩa trang của cả nước như Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang đường 9 với những hàng bia mộ hun hút trên dọc dài cung đường Tổ Quốc. Tên tuổi các anh vô danh nhưng hiện hữu. Có một nơi, sự hy sinh có tên tuổi nhưng hình hài thì hoà vào sóng biển, đó là các Liệt sĩ ở Trường Sa. Không nhiều, nhưng sự hy sinh của những người con của mẹ giữa mênh mang biển sóng khơi xa cứ nhói buốt trong tim người mẹ vời vợi nơi bến, nơi bờ...
Bắt đầu từ 64 liệt sĩ hy sinh trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng trên cụm đảo Len Đao, Gạc Ma, Cô Lin năm 1988. Chuyện đã qua gần hai mươi năm mà vẫn như mới hôm qua. Biển vẫn vậy, mênh mang trong sóng, trong gió. Những gì đã qua vẫn như mạch phim chầm chậm trong hằn sâu nỗi nhớ khôn nguôi về những người bạn, người đồng đội một thời trong biển sóng thét gào. Chúng ta quá hiểu và thấm đậm những dữ dội sinh tử diễn ra trong trận mạc. Tuy vậy, trên mặt trận thời đó ở đất liền cho dù có gian nan, ác liệt đến đâu thì những người lính giải phóng vẫn còn có đất mà trụ, mà tựa vào để chiến đấu. Với những người lính ở Trường Sa, phía trước, phía sau, hai bên tả hữu đều vẫn là biển, là sóng, là gió. Vậy nên, trận mạc giữa thời bình ở nơi biển đảo là cuộc chiến nghiệt ngã với duy nhất một điểm tựa là lời thề giữ biển đảo Quê hương.
Không chỉ là sự hy sinh trong cuộc chiến đối mặt với kẻ địch, những năm sau đó lần lượt đã có thêm những đứa con của mẹ Việt Nam tiếp tục về với đồng đội mình nơi vĩnh hằng biển đảo. Hun hút giữa trùng khơi, xa bến, xa bờ từ ba đến bốn ngày chạy tàu. Đâu chỉ chiến tranh đầu tên mũi đạn, có nhiều nguyên nhân cho sự hy sinh của những người lính dấn thân làm nhiệm vụ trên những điểm đảo. Một trong những người lính hy sinh như vậy là chiến sĩ Trần Văn Cường, chàng trai quê ở Nghĩa Hồng huyện Nghĩa Hưng, Nam Định...
Nhìn anh lính trẻ qua một năm chịu sóng, dạn gió giữa trùng khơi, chẳng ai nghĩ đến một ngày tháng 6 năm 1999, Cường đã hy sinh. Một trận ốm với căn nguyên bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của tổ bác sỹ và phương tiện trên đảo. Thực sự nếu ở đất liền, chỉ mấy phút chạy xe cấp cứu, sự sống của người lính sẽ được bảo toàn. Nhưng giữa biển khơi, từ đảo về đất liền nếu trong mùa sóng yên biển lặng thì cũng phải mất trên 3 ngày hải trình. Gần hơn từ đảo này sang điểm đảo kia gần nhất cũng già nửa ngày chạy tàu tốc lực… Và trong tình huống bất khả kháng đó, Cường đã ra đi. Tiếc thương người bạn, người đồng đội, và trên cả tiếc thương là sự đau đớn đến tột cùng khi những người lính đảo phải cắn răng dằn nén nỗi đau đếm trừ từng giây phút cuối đời của đồng đội mình nơi biên đảo.
Tác giả thắp hương viếng mộ liệt sỹ Trần Văn Cường trên đảo Sinh Tồn.
Một chiều trước khi rời đảo ra tàu với đoàn công tác, tôi một mình tìm ra mộ Cường. Tới nơi đã thấy thượng tá Đỗ Như Phú, chủ tịch huyện đảo Trường Sa và các chiến sỹ cũng đã ra đó tự lúc nào. Thì ra, đã thành tập quán, người mới ra vẫn giành giây phút đầu đặt chân lên đảo để đến hương khói cho đồng đội như một lễ nhập đảo nối tiếp công việc của người đi xa. Những ai hoàn thành công việc, trước lúc vào bờ hoặc chuyển sang đảo khác thì một tuần nhang là một lễ rời đảo với nghẹn ngào một lời chào đồng đội giữa trùng khơi. Chờ tôi cẩn trọng thắp thêm một thẻ nhang trên mộ Cường, Thượng tá Đỗ Như Phú nghèn nghẹn khấn thành lời như hẹn: Cường ơi, em hy sinh ở tuổi 19, đến giờ đã là tuổi 23. Lần này các anh về chưa thể đưa di cốt của em theo vào. Nằm trên đảo với anh em thêm một năm nữa, sang năm thuận sóng, thuận gió các anh sẽ đưa em về với bố, với mẹ trong bờ.
Viếng chào đồng đội trước khi về bờ
Trưa Trường Sa, gió mằn mặn dìu khói hương từ mộ người lính đảo toả theo từng vành sóng biển mà hoá vào ngăn ngắt xanh đại dương. Nhìn từng người lính mắt ngân ngấn nước đang chạm tay lần cuối vào thành mộ đồng đội, tôi đã phải dằn lòng để không oà khóc thành tiếng trước cuộc chia tay Trường Sa. Từng là một người lính thời chiến tranh giải phóng, tôi quá hiểu và thấm đậm những dữ dội sinh tử diễn ra trong trận mạc. Tuy vậy trên mặt trận thời đó ở đất liền, cho dù có gian nan, ác liệt đến đâu thì những người lính giải phóng chúng tôi vẫn còn có đất mà trụ, mà tựa vào để chiến đấu. Với những người lính ở Trường Sa, phía trước, phía sau, hai bên tả hữu đều vẫn là biển, là sóng, là gió… Vậy nên trận mạc giữa thời bình ở nơi biển đảo là cuộc chiến nghiệt ngã với duy nhất một điểm tựa là lời thề giữ biển đảo quê hương.
Bia thờ đồng đội tại đảo Toctan B lúc nào cũng ấm khói hương
Khác với đảo Sinh Tồn, Những ai lên đảo Toc Tan, ấn tượng đầu tiên là bắt gặp ngay mớp bờ đảo một phần mộ bia được xây nép vào chân công sự. Trên phần bia ghi rõ tên họ của những người hy sinh. Đó là liệt sỹ Lâm Sơ Đệ, quê ở Tuy Hoà, liệt sỹ Trần Kim Ánh ở Nha Trang, liệt sỹ Trương Văn Vĩ quê ở Thủ Đức… Tất cả hy sinh cùng ngày 27/11/1988. Hôm tôi đến Toc Tan, vừa lên khỏi bờ đảo đã nhìn thấy bệ thờ còn nguyên mấy gói gói bánh xốp cùng những chân nhang cũ mới cắm cụm trong chiếc lư sành. Đã có sự chuẩn bị trước, Trung tá Dương, nguyên đảo trưởng Toc Tan lặng lẽ đặt lên bệ thờ nải chuối anh mang từ đất liền ra. Đốt một nén nhang thơm cắm thêm vào lư hương, Dương bồi hồi kể lại: Tại đảo này đã có hàng chục cán bộ, chiến sỹ hy sinh vào tháng 4/1988. Cuộc chiến đấu giữa biển khơi vào những ngày đầu giữ đảo, thi hài anh em chưa kịp chuyển đi đã bị triều lên cuốn theo vào lòng biển. Riêng 3 liệt sỹ hy sinh cuối năm đó được khắc tên trên mộ bia này cũng vậy. Vào cuối tháng 11/1988, trong khi vật lộn với sóng biển để dựng nhà sàn trên đảo, cả 3 người lính đã bị sóng ngầm cuốn hun hút vào lòng đại dương. Dựng cho những người lính đã hoá mình vào biển một phần mộ bia, ngay sau đó vào năm 1996, chính Phạm Văn Long, điểm trưởng điểm đảo Toc Tan cũng nằm lại vĩnh hằng với đồng đội của mình. Cũng sẽ cần phải nghĩ đến việc khắc vào tấm bia trên đảo đầy đủ tên những người lính đã hy sinh trên vị trí của những người giữ đảo, để ngày ngày những thế hệ người lính đảo chúng ta luôn có cảm giác những người đồng đội thân yêu của mình vẫn hiện hữu bên cạnh cùng tựa vào nhau canh giữ biển đảo thân yêu. Rưng rưng một chiều trên đảo nhỏ Toc Tan, thắp thêm một nén nhang cho người khuất sóng, bất chợt nhìn mộ bia ghi tên 3 liệt sỹ tựa mình vào thành công sự, trên đó kế ngay mũi súng nhô cao là 3 chiếc mũ sắt xếp thẳng hàng bên nhau. Bất chợt trong nhạt nhoà nước mắt, bóng những đồng đội tôi đâu đó từ biển hiện về lặng lẽ bước vào ụ súng giữa tiếng sóng, tiếng gió Trường Sa.
Trường Sa, vâng, Trường Sa giữa mênh mang Đại dương, trong nền nhạc tấu ca khúc Chiêu hồn tử sĩ. Những người lính của các thế hệ giữ đảo đã phải nén chặt từng cơn nấc, nghẹn xúc vào lòng. Những cánh tay cầm súng của những người lính biển cứ nhập nhoà trong sóng nước. Những đồng đội của tôi đang từ từ thả dây đưa chiếc bè hoa xuống mặt biển. Và biển như có đồng đội hóa hồn bỗng cuộn sóng dềnh lên đón nhận chiếc bè hoa từ tay các đồng đội trên tàu. Trong giây phút linh thiêng bỗng bật lên những tiếng nuốt sâu trong lồng ngực những người lính đảo. Khi nhìn bè hoa được biển nhận về rập rờn trên đỉnh sóng bỗng như đỏ hơn, tươi hơn trên thăm thẳm biển xanh. Và lạ kỳ chưa, trên mênh mang Trường Sa bỗng âm vọng lời ai hát như một lời nguyền cho đảo xa rằng “Đảo ơi, đảo mãi Sinh Tồn"
Nhà báo Lê Bá Dương - Văn phòng thường trú báo Văn hóa
Khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên
BBT Báo Nguoixunghekiev.vn, ngày đăng 16/05/2014
|