(Baonghean.vn)- Trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, những cái tên như Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao,… đã trở thành bất tử với những khúc tráng ca bi hùng. Tiếp bước truyền thống anh hùng của các thế hệ đi trước, ngày nay, đảo Cô Lin đang trở thành điểm tựa vững chắc nơi tiền tiêu nhất của Tổ quốc.
Đảo Cô Lin là đảo chìm, nằm trong chuỗi đảo Sinh Tồn trên quần đảo Trường Sa, cách đảo nổi Sinh Tồn 9 hải lý về phía Tây Nam, cách đảo Gạc Ma đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép khoảng 1,9 hải lý. Đây là bãi đá san hô ngầm có dạng một hình tam giác cạnh hơi cong, mỗi cạnh dài khoảng 1 hải lý. Khi thủy triều lên, toàn bộ bãi đá ngập nước, thủy triều xuống, lộ rõ một số hòn đá mồ côi.
|
Các đoàn công tác khi đi qua khu vực đảo Cô Lin đều làm lễ tưởng niệm.
|
Trong lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc Việt Nam, cái tên Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao đã thực sự trở thành bất tử, gắn với khúc tráng ca bi hùng ở Trường Sa. Chấp hành hành chỉ thị của Bộ tư lệnh Hải quân về việc thực hiệm nhiệm vụ CQ88, ngày 13/3/1988, tàu HQ 505 do thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy đã có mặt tại đảo Cô Lin, mang vật liệu ra xây dựng đảo. Sáng 14/3/1988, chúng ta cắm hai lá cờ tổ quốc trên đảo Cô Lin, phía bên ngoài, đối phương dùng một số tàu chiến hiện đại liên tục có các hành vi uy hiếp, khiêu khích, ngăn cản hoạt động của bộ đội ta. Mặc dù vậy, mặc dù vậy, cán bộ chiến sĩ trên đảo và trên tàu kiên quyết kiềm chế, kiên quyết không mắc mưu địch.
|
Thả hoa xuống biển, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo.
|
Tuy nhiên, với dã tâm xâm lược Trường Sa, đối phương ngang nhiên tấn công vào lực lượng của ta. Các pháo hạng nặng trên những chiến hạm lần lượt khai hỏa, tấn công vào tàu HQ 505, làm tàu bị hỏng máy chính. Lúc này, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ quyết định ủi tàu lên đảo Cô Lin, quyết tâm giữ đảo. Cuộc chiến không cân sức với kẻ thù có vũ khí hiện đại, trang bị pháo, súng máy với tàu vận tải, vũ khí bộ binh của bộ đội ta. Mặc dù vậy, với ý chí kiên cường, “còn người còn đảo”, hi sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ chủ quyền biển đảo, quân đội ta đã buộc kẻ thù phải rút lui. Chúng ta giữ vững đảo Cô Lin sau khi đảo Gạc Ma bị đánh chiếm.
|
Đảo chìm Cô Lin nhìn từ xa.
|
Trong trận chiến không cân sức đó, 64 cán bộ, chiến sĩ của lực lượng hải quân nhân dân Việt Nam đã ngã xuống, máu các anh đã nhuộm thắm vào lòng biển đảo quê hương. Khu vực biển quanh đảo Cô Lin, Gạc Ma hiện đã trở thành một nghĩa trang đặc biệt, người lính hải quân vẫn gọi đây là “Nghĩa trang đỏ”. Tất cả các đoàn công tác, các tàu thuyền quân sự và ngư dân khi đi qua khu vực này đều làm lễ tưởng niệm, thả hương, hoa xuống biển và kéo 3 hồi còi để tưởng nhớ các anh.
|
Cờ Tổ quốc tung bay trên nóc nhà ở đảo Cô Lin.
|
|
Là bãi đá ngầm, việc di chuyển vào đào rất khó khăn, phải có hoa tiêu dẫn đường.
|
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ quốc phòng và Quân chủng Hải quân, đảo Cô Lin đang từng ngày thay da, đổi thịt với tòa nhà lâu bền được xây dựng kiên cố cùng hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời góp phần nâng cao chất lượng đời sống của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Về đêm, Cô Lin như một ngọn hải đăng khổng lồ, lung linh huyền diệu, tràn đầy sức sống giữa một vùng trời nước Trường Sa.
|
Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng làm trưởng đoàn đến thăm đảo Cô Lin.
|
Mặc dù nguồn nước ngọt trên đảo phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa và nguồn nước tiếp tế từ đất liền nhưng bằng sự mưu trí, dũng cảm,vượt khó, cán bộ, chiến sĩ trên đảo Cô Lin đã tự túc được nước bằng nguồn nước mưa, là một trong những đảo chìm có trữ lượng nước dự trữ nhiều nhất trên quần đảo Trường Sa. Hàng năm, sản lượng rau xanh tăng gia trên đảo đạt hơn 800 kg, cá đạt hơn 600 kg,…
|
Phóng viên Báo Nghệ An trò chuyện với chỉ huy đảo Cô Lin,
|
Phát huy truyền thống chiến đấu anh dũng, đoàn kết vượt qua khó khăn, giữ vừng chủ quyền của Đoàn Trường Sa anh hùng, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trên đảo Cô Lin đã viết tiếp những trang sử hào hùng. Không chỉ làm tốt công tác giữ vững chủ quyền biển đảo của quê hương, Côn Lin còn là điểm tựa của ngư dân Việt Nam ở khu vực ngư trường Trường Sa.
|
Các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Cô Lin luôn tập trung cao độ, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Trong ảnh, Thiếu úy Nguyễn Hữu Thủy, quê ở xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An trong giờ trực chiến trên đảo Cô Lin.
|
|
Đoàn văn công tỉnh Hậu Giang mang tiếng hát đến với cán bộ, chiến sĩ trên đảo Cô Lin.
|
Thượng úy Nguyễn Văn Ba, chính trị viên Đảo Cô Lin cho biết, với những thành tích trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ đảo, bảo vệ ngư dân, Đảo Cô Lin đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước và Quân chủng Hải Quân, xứng đáng là lá chắn vững chắc ở nơi tiền tiêu nhất của Tổ quốc.
Nguyên Khoa - Baonghean.vn
|