QĐND - Thứ ba, 13/05/2014 | 16:18 GMT+7
Kỳ II: Những kỷ niệm khó phai
QĐND Online - Trong hải trình của đoàn công tác số 6 đi thăm Trường Sa, nhiều bài hát, bài thơ được chính các đại biểu kiều bào sáng tác và biểu diễn, những câu chuyện nhỏ trên đảo đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mọi người.
Trường Sa ơi, chúng con đã về đây!
Khi đặt bước chân đầu tiên lên Song Tử Tây, đảo đầu tiên trong hải trình thăm Trường Sa của đoàn công tác số 6, ông Nguyễn Huy Thắng, kiều bào ở Đức, dù cố gắng giấu nỗi xúc động đang buột thành những lời thì thầm: “Trường Sa ơi, chúng con đã về đây”.
|
Một tiết mục giao lưu văn nghệ của chiến sĩ đảo Sinh Tồn.
|
Ông Thắng là một thành viên trong đoàn kiều bào được Uỷ ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, tổ chức ra thăm quần đảo Trường Sa cuối tháng 4 vừa qua. Là nhà báo, nhà thơ nên ngay từ khi được tin mình có tên trong danh sách đoàn kiều bào ra thăm Trường Sa lần này, ông Thắng hồi hộp lắm. Trước khi lên tàu, ông nói với chúng tôi rằng ông có một món quà đặc biệt dành tặng các chiến sĩ ở Trường Sa.
Thế rồi, món quà đã được “bóc tem” ngay trong buổi giao lưu đầu tiên trên tàu HQ 571. Trước khi biểu diễn, ông Thắng cho biết, khi lên tàu, ông đã chia sẻ với một số đại biểu khác ý định làm một món quà đặc biệt gửi tặng các chiến sĩ Trường Sa. Đó là một bài hát về Trường Sa. Thơ đã có, chỉ cần phổ nhạc. Vậy là, ông và ông David Nguyễn, kiều bào ở Mỹ lập tức bắt tay vào công việc “sáng tác nhạc”. Chỉ trong vài giờ, nhạc và lời đã ăn khớp, quá trình luyện tập của các “ca sĩ không chuyên” vô cùng cấp tập cho chương trình giao lưu buổi tối.
Trong tiếng đàn organ khi trầm lắng, khi oai hùng, ông Thắng cùng những người bạn đồng hành cất lên bài hát “Trường Sa ơi, chúng con đã về đây!”. “Trường Sa ơi, Trường Sa ơi, chúng con đã về đây/Dù ở nơi đâu không quên mảnh đất này/Giữa ngàn trùng khơi biển Đông sóng gió/Có quần đảo tên gọi Trường Sa”… Về sau, bài hát này đã được ông Thắng và ông David Nguyễn hát lại trong chương trình cầu truyền hình Điện Biên-Hà Nội-Trường Sa ngày 3-5.
Anh Lê Thanh Hải (kiều bào tại Ba Lan) cũng thể hiện ca khúc “Đảo xa” do anh sáng tác nói về tình yêu biển đảo quê hương. Còn ông Đặng Thế Sáng, kiều bào ở Đức, lại đưa tâm trạng của mình vào những câu thơ:
“Còi tàu hú nhổ neo rời bến cảng
Ta ra khơi, ra với đảo quê mình
Thăm người lính đang ngày đêm canh biển
Và viếng người đã vì đảo hy sinh!
Tàu rời bến, bao bàn tay vẫy mãi
Bao mến thương, gửi gắm từ quê nhà
Tàu xé nước, hướng Trường Sa lao tới
Đảo nổi, đảo chìm, đang chờ đợi ta…”
Trong những buổi giao lưu, những bài hát ca ngợi tổ quốc, biển đảo quê hương như bài “Giai điệu Tổ quốc”, “Biển, nỗi nhớ và em”, “Thơ tình người lính biển”, “Ra khơi mang tình mẹ”... do các đại biểu kiều bào, diễn viên đoàn văn công Quân khu 9 và những chiến sĩ hải quân thể hiện, đã làm bùng nổ cảm xúc trong lòng mỗi người.
Đồng dao nuôi dưỡng chí anh hùng
Sáng 22-4, tàu HQ 571 đã đưa Đoàn công tác số 6 đến đảo Sinh Tồn. Đây là một hòn đảo được phủ màu xanh biếc của cây bàng quả vuông và cây tra, làm dịu mát cái không khí oi ả của mùa hè.
|
Các kiều bào cùng hát bài “Trường Sa ơi, chúng con đã về đây”.
|
Điều ấn tượng đối với đoàn kiều bào khi đến thăm hòn đảo này là ngoài cán bộ, chiến sĩ ra đón đoàn còn có cả những “chiến sĩ hải quân tý hon”, những người sẽ kế tục sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của thế hệ cha anh. Từ những “chiến sĩ nhí” còn đi học mẫu giáo đến học sinh lớp 5, em nào cũng thuộc bài đồng dao “Nu na nu nống” được cải biên như sau:
Nu na nu nống,
Đánh trống phất cờ
Vùng biển xa mờ
Có hai quần đảo
Hoàng Sa, Trường Sa
Tên gọi thiết tha
Trong lòng dân Việt...
Giữa trưa hè oi ả, tiếng hát của các em khiến các đại biểu của đoàn công tác ai nấy đều xúc động và tin tưởng một tương lai rạng rỡ với những “chiến sĩ tý hon”.
Thăm đảo đá mang tên một loại quả
Ngày thứ tư trong hải trình thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, đoàn công tác số 6 đã tới thăm một đảo đá mang tên loại quả: Đảo Đá Thị.
Là đảo nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, đảo Đá Thị quanh năm ưỡn "lồng ngực" đón sóng gió từ trùng khơi và luôn vững vàng nơi tuyến đầu biển đảo Tổ quốc. Trên đảo Đá Thị, công tác tăng gia trồng rau xanh, chăn nuôi của cán bộ, chiến sĩ gặp rất nhiều khó khăn. Để tổ chức tăng gia trồng rau xanh, cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Thị phải vận chuyển từ đất liền ra từng bao đất nhỏ. Nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt ở đây được khai thác chủ yếu từ nước mưa.
|
Chỉ huy đảo Đá Thị trao lá cờ Tổ quốc tặng đoàn kiều bào.
|
Theo Thượng úy Đặng Ngọc Khánh, Chỉ huy trưởng đảo Đá Thị, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, cho đến nay đảo Đá Thị đã được xây dựng nhà vững chắc, khang trang, sạch đẹp, các nhu cầu thiết yếu như điện, nước sinh hoạt của đảo ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Bên cạnh đó, đời sống vật chất tinh thần của cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Thị từng bước được cải thiện. Hiện nay, trên đảo đã bắt được tín hiệu vệ tinh của Đài truyền hình Việt Nam, có tủ sách, báo góp phần nâng cao nhận thức, niềm tin, trách nhiệm với sự nghiệp xây dựng Tổ quốc và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.
Xúc động trước sự cống hiến to lớn của anh em chiến sĩ trên đảo, các đại biểu đã gửi tặng cán bộ, chiến sĩ hải quân những món quà nhỏ như máy cắt tóc nhưng lại là tình cảm lớn của bà con ở xa Tổ quốc dành tặng các chiến sĩ.
Bày tỏ sự vui mừng được đón đoàn kiều bào ra thăm, Thượng uý Ngô Quang Điền, Chính trị viên Đảo Đá Thị, nhấn mạnh, hằng năm các đoàn công tác ra thăm đảo đã mang hơi ấm, tình cảm yêu mến của mọi miền Tổ quốc cho cán bộ, chiến sĩ ở đây. Đặc biệt, chuyến thăm của đoàn kiều bào tới đảo Đá Thị còn là nguồn động viên quý báu, giúp cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn giữ chắc tay súng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. “Chúng tôi mong muốn và hy vọng bà con kiều bào ngày càng đoàn kết và hướng về xây dựng quê hương, đất nước nói chung, xây dựng quần đảo Trường Sa nói riêng ngày càng vững mạnh”, Thượng uý Điền tin tưởng.
Nhân dịp này, lãnh đạo đảo đã trao lá cờ Tổ quốc từng hiên ngang tung bay trên đảo Đá Thị tặng đoàn kiều bào. Chính trị viên Ngô Quang Điền khẳng định, cán bộ chiến sĩ trên đảo sẽ luôn đoàn kết, thống nhất, khắc phục khó khăn, tiếp tục xây dựng đảo “mạnh về phòng thủ, tốt về nền nếp, đẹp về cảnh quan môi trường”, luôn giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, để trên đảo Đá Thị luôn rực rỡ cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc Việt Nam./.
Bài và ảnh: LINH OANH
Kỳ I: Trường Sa -Phần máu thịt không thể tách rời
Nguồn QDND.VN
|