Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, cả nước ta khắp miền ngược, miền xuôi, trong hay ngoài quân đội đều cùng ca vang những bài hát về Điện Biên Phủ, trong đó đặc biệt là chùm ba bài hàt của nhạc sĩ Đỗ Nhuận: Hành quân xa, Trên đồi Him Lam, Giải phóng Điện Biên. Có thể gọi Đỗ Nhuận là một nhạc sĩ cách mạng, một nhạc sĩ đánh giặc, một nhạc sĩ của quân đội và cũng là một nhạc sĩ Điện biên!
Chúng ta từng biết Đỗ Nhuận sớm đến với các mạng, từng bị sống trong lao tù của thực dân Pháp, từng ở các nhà tù Hoả Lò Hà Nội và Sơn La với các chiến sĩ cách mạng như Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Trần Độ, Mai Vy… Từ đây, ông đã sáng tác được nhiều bài hát cách mạng như Chiều tù, Hận Sơn La, Côn Đảo… Vào cuộc kháng chiến chống Pháp, ông có nhiều ca khúc xuất sắc như Du kích sông Thao, Áo mùa đông…
Khi ta chuẩn bị chiến dịch Điện Biên Phủ, Đỗ Nhuận là nhạc sĩ của Đoàn văn công Tổng cục chính trị. Ông đã tham gia Điện biên với tư cách nghệ sĩ - chiến sĩ, tay đàn, tay súng, tham gia đào hầm đào hố, và biểu diễn phục vụ các chiến sĩ ngay chiến hào. Hồi ký của chính ủy Mạc Ninh của sư đoàn 312 kể lại câu chuyện: Có một buổi trong chiến hào Him Lam, khi chính ủy Mạc Ninh, Trung đoàn trưởng Trần Trọng Tuyến, Chủ nhiệm chính trị Lê Nam của Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 (đơn vị được giao nhiệm vụ đánh trận mở màn tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam) đang kiến thiết sở chỉ huy chiến đấu, có một người thấp đậm, tay chống gậy, quần xắn tới đầu gối, lưng đeo chiếc đàn ghi ta bước vào: “Tôi, cán bộ văn công Tổng cục Chính trị được lệnh tới trung đoàn công tác”. Anh em chưa kịp tay bắt mặt mừng đón chào thì nhạc sĩ Đỗ Nhuận yêu cầu: “Đề nghị ban chỉ huy cho 4 cái xẻng và cho chúng tôi lên vị trí xuất phát xung phong”.
Ngay lập tức, nhạc sĩ cùng tốp văn công của mình được chủ nhiệm chính trị Lê Nam và người chiến sĩ liên lạc đưa ngay xuống vị trí chiến đấu sát bên sông Nậm Rốm. Họ tự tay cầm xẻng đào 4 chiếc hầm đủ đứng, ngồi thoải mái để có thể đàn hát, sau đó lại về ngay đại đội 243 sống cùng các chiến sĩ tiểu đội mũi nhọn, như những chiến sĩ xung kích thực sự.
Đó chính là lý do mà ngay trong đêm chiến thắng Him Lam, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã có bài hát Trên đồi Him Lam rất kịp thời để động viên tinh thần chiến đấu của chiến sĩ. Và tiếp sau đó là bài hát Giải phóng Điện Biên từ gợi ý, kể như là mệnh lệnh của Đại tướng Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp. Bài hát này vang lên làm nức lòng đồng bào chiền sĩ cả nước. Gần như tất cả các đoàn văn công quân đội giai đoạn này đều dựng bộ ba tác phẩm của Đỗ Nhuận viết ở chiến dịch Điện Biên và viết về chiến thắng Điện Biên.
Phải ghi nhận đóng góp của nhạc sĩ Đỗ Nhuận với chiến dịch Điện Biên Phủ, với quân đội, với đất nước là rất lớn. Trong những ngày kỷ niệm 60 năm Điện biên này, chúng ta càng nhớ ông, tự hào về ông, càng mong muốn Đảng và Nhà nước tôn vinh danh hiệu anh hùng cho nhạc sĩ - chiến sĩ Đỗ Nhuận, như đối với nhạc sĩ Hoàng Việt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Khắc Tuế - Trương Nguyên Việt (Cựu chiến binh chống Pháp và cựu chiến binh chống Mỹ)
Theo Hội nhạc sĩ Việt Nam
|