|
Đoàn đến dâng hương tại nghĩa trang Hàng Dương
|
Nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cho đoàn kiều bào và cán bộ công chức người lao động của cơ quan về thăm Côn Đảo. Chuyến đi chỉ vỏn vẹn trong hai ngày ( từ ngày 17-19/04/2014) nhưng đã để lại cho đoàn nhiều cảm xúc.
Côn Đảo – Địa ngục trần gian
Nhắc đến Côn Đảo, mọi người nghĩ ngay đến một “địa ngục trần gian” với hệ thống nhà tù khét tiếng cùng với những thủ đoạn tra tấn dã man, phi nhân tính. Côn Đảo là nơi ghi lại rõ nét nhất tội ác man rợ của bọn thực dân, phong kiến, đế quốc đối với dân tộc Việt Nam trong suốt 113 năm ( 1862-1975). Trước sự sống và cái chết đang cận kề, nhưng những người chiến sĩ Cách mạng bị giam cầm ở Côn Đảo vẫn một mực son sắt thủy chung với lý tưởng cộng sản, với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Dù phải đối mặt với những đòn tra trấn man rợ của kẻ thù nhưng họ vẫn lạc quan và tin tưởng vào chiến thắng tất yếu của dân tộc. Nhà tù của địch được biến thành trường học về tinh thần yêu nước, về chủ nghĩa cộng sản, góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Ông Đỗ Tấn Sĩ – kiều bào Bỉ xúc động chia sẻ: “Từ thuở còn thơ tôi đã nghe nói về đảo Côn Nôn, nơi đày ải những người tù bị bắt vì “tội” đi làm cách mạng chống thực dân Pháp, ngoài ra không biết gì hơn. Cho mãi đến năm 1967 trong dịp dự trại mùa Xuân ở Baillet do phong trào sinh viên và Việt kiều yêu nước tại Pháp tổ chức, tôi mới được biết về chị Võ Thị Sáu qua bài hát mở đầu bằng một hình ảnh đẹp “Mùa hoa lê ki ma nở ......” để rồi kết thúc bằng một hình ảnh bi thương “Tôi đứng hát trước nấm mồ chôn người nữ anh hùng”. Trong chuyến thăm Côn Đảo lần này, mà đối với tôi là về thăm cội nguồn Côn Đảo, nơi yên nghỉ của chị Sáu và hai vạn người đã anh dũng hi sinh cho Tổ quốc. Chúng tôi không khỏi xót xa khi được thấy tận mắt các trại giam với hàng trăm tượng người tù mô phỏng trong mọi tư thế, ai ai cũng bị gông cùm, trông đầy thương cảm; được nghe lời thuyết minh của cô hướng dẫn về chế độ ngục tù hơn cả man rợ, đặc biệt là tại các chuồng cọp Pháp và chuồng cọp Mỹ. Chúng tôi đã đến nghĩa trang Hàng Dương thăm mộ nhà lãnh đạo cách mạng Lê Hồng Phong, hi sinh sau ngày Nam kỳ khởi nghĩa, thăm mộ người trí thức cánh tả Nguyễn An Ninh đi học ở Pháp về rồi hoạt động công khai chống Pháp bằng lý lẽ của một người cộng sản, thăm mộ chị Võ Thị Sáu đơn giản mà trang trọng và gợi lên nhiều bồi hồi cảm xúc với ba tấm mộ bia nghĩa tận nghĩa tình, mà nghe nói vào nửa đêm nào cũng có đông người đến thắp nhang khấn vái.”
Ông Huỳnh Công Mỹ - kiều bào Bỉ tâm sự: “ Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến Côn Đảo. Nhìn từ trên máy bay, khung cảnh ở đây thật hoang sơ và đẹp. Tôi thật sự không thể tin vào mắt mình khi nhìn thấy tượng của những người tù được tái hiện lại. Phải có một tinh thần thép, một trái tim dũng cảm và lòng yêu nước sâu sắc thì những người chiến sỹ cách mạng ấy mới có thể chịu được những đau đớn tột cùng về thể xác đến như vậy. Qua chuyến đi này tôi đã bổ sung được khá nhiều vốn kiến thức lịch sử dành cho mình. Và tôi lấy làm tự hào về truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của thế hệ cha anh đi trước. Tôi sẽ về Bruxelles và mang theo những kỷ niệm đẹp mà các anh chị ở Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố mang đến cho chúng tôi.”
Côn Đảo hôm nay
Cũng trong chuyến đi lần này, đoàn chúng tôi đã có dịp đến thăm và giao lưu với cán bộ và chiến sỹ Đại đội pháo binh 10. Phải tận mắt chứng kiến nơi ăn, chốn ở và cuộc sống của những người chiến sĩ nơi đây thì chúng ta mới thêm khâm phục họ. Trong điều kiện thiếu thốn về mọi mặt nhưng những người chiến sỹ ấy vẫn một lòng sống vì nhân dân, nguyện đem sức trẻ và tài năng phụng sự cho Tổ quốc, không quản ngại khó khăn gian khổ, hết lòng sống vì lý tưởng cách mạng. Những tiết mục văn nghệ “ cây nhà lá vườn” cùng với những câu chuyện kể thân tình như thắt chặt thêm tình cảm quân dân, xóa dần khoảng cách giữa mọi người.
Địa ngục trần gian mãi mãi là một minh chứng lịch sử. Côn Đảo với hình ảnh người chiến sỹ cộng sản Võ Thị Sáu sẽ ở mãi trong trái tim của người dân Việt Nam.Và hôm nay, Côn Đảo không còn là bảo tàng lịch sử mà còn là một điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Thu Ngân (UBVK) TPHCM
|