Khi chụp ảnh xong, ông ta mang đi rửa thì hoặc bị cháy phim, hoặc ảnh đen sì. Một thời gian sau, người thợ ảnh bỗng chết "bất đắc kỳ tử"...
Có người thợ ảnh nằng nặc đòi vào trong hậu cung, mặc cho người quan đám can ngăn vì sẽ phạm phải lệ làng. Khi chụp ảnh xong, ông ta mang đi rửa thì hoặc bị cháy phim, hoặc ảnh đen sì. Một thời gian sau, người thợ ảnh chết "bất đắc kỳ tử", người dẫn ông ta vào hậu cung cũng chết cách đó ít lâu. Đó là một trong số rất nhiều câu chuyện tôi được người dân kể cho nghe về sự linh thiêng của Đền Cao (xã An Lạc, Chí Linh, Hải Dương).
Khó như làm… quan đám
Đền Cao tọa lạc trên đỉnh núi Thiên Bồng, thôn Đại, xã An Lạc. Ngôi đền thờ ngài Vương Đức Minh - Thiên Bồng Đại Tướng Quân Đại Vương, người đã có công cùng bốn anh em nhà họ Vương khác giúp vua Lê Đại Hành đánh đuổi quân Tống xâm lược.
Lối lên đền Cao.
Ông Mai Văn Đủ năm nay 71 tuổi nhưng có tới 21 năm làm quan đám, làm ông trùm ở đền Cao. Ông kể, để được lên làm quan đám đòi hỏi những quy định khắt khe lắm.
Theo đó, mỗi năm, làng sẽ cử ra 5 ông quan đám của 5 giáp đội (đội lệnh 5 vị tướng họ Vương) và một cụ trùm (cụ trùm như là người tổ trưởng của các ông quan đám). Quan đám phải có tuổi đời ngoài 50, gia đình yên ấm, hòa thuận, không có tang. Nhằm mùng 2 Tết hằng năm, ai được tín nhiệm sẽ ra đền làm lễ nhậm chức, mùng 2 Tết năm sau sẽ "giao quan" để người khác lên thay. Sau khi làm quan đám sẽ lên ông lềnh cho đến khi mất. Trong thời gian làm lềnh, nếu như còn minh mẫn, vẫn giữ được khí tiết, gia đình yên ấm thì lại được dân làng tín nhiệm mời ra làm ông trùm đọc văn tế trong dịp lễ hội.
"Trong thời gian làm tế đám, các ông quan đám phải ăn riêng, ngủ riêng. Gia đình sẽ lo cho họ có một gian nhà riêng, giường chiếu mới và không ai được ngồi vào giường chiếu đó. Khi đơm cơm phải lấy cơm trên đỉnh nồi. Vào mùng một và ngày rằm, các quan đám sẽ lên đền, được bước vào trong hậu cung làm lễ. Trước đó ba ngày, quan đám phải ăn chay. Trong thời gian làm quan đám, nếu như gia đình có tang, tùy theo mức độ thân sơ mà ông đám có thể về nghỉ (đại tang) hoặc chỉ làm lễ phía sau các ông quan đám khác (tang họ hàng xa)", ông Đủ cho biết thêm.
Cũng theo lời ông Đủ thì "quy định là cứ nam giới ngoài 50 tuổi được cử ra làm quan đám song không phải ai cũng được làm. Từ thượng cổ truyền lại, mỗi thôn có một ông tướng giáp cai quản. Tuy nhiên, có điều đặc biệt, xã có 6 thôn gốc nhưng chỉ có 5 thôn mới được cử người lên làm quan đám tượng trưng cho 5 ông tướng giáp ra trông coi việc nhà thánh. Riêng thôn An Bài thờ Phạm Nhan thì tuyệt đối không được đến làm lễ chứ nói gì đến việc cử quan đám. Thêm nữa, chỉ có trai gốc ở làng mới được lên làm quan đám".
Những kiêng kỵ
Bà Dương Thị Hoa, thủ nhang trong khu di tích đền Cao cho hay: Ngoài những quy định về quan đám thì việc cúng tế ở đền Cao cũng có lệ riêng mà không phải ai cũng biết.
"Một điều tuyệt đối kiêng kỵ là đồ lễ mang lên đền phải là cỗ chay và phải đốt nhang đen", bà nói. Lý giải về điều này, bà Hoa cho rằng, dân gian vẫn quan niệm, năm vị tướng tuy là người trần nhưng không nhiễm bụi trần. Thêm nữa, ngày xưa khi làm hương, người ta cho xạ cầy vào để tạo mùi thơm. Thế nhưng làm thế cũng là không chay tịnh. Chỉ có vùng Đông Hưng (Thái Bình) làm ra loại nhang đen mới đảm bảo yêu cầu.
Lệ làng cũng quy định, những người vừa đi đám ma trong tháng đó, vừa ăn thịt chó hoặc phụ nữ đang đến kỳ kinh nguyệt không được vào đền. Còn gia đình có đại tang (cha, mẹ mất) thì phải đợi qua 100 ngày mới được vào làm lễ. Thế nhưng, cũng có người nghịch dại, muốn... thử độ thiêng của lệ làng.
Bí mật nào sau chốn hậu cung?
Bà Hoa kể lại câu chuyện cách đây gần chục năm, có một anh bên phường Sao Đỏ (thị xã Chí Linh) đi ăn thịt chó, uống rượu rồi leo lên đền Cao, mặc cho người nhà can ngăn. Thế nhưng, lạ thay, chỉ mới leo được ba, bốn bậc thang lên đền thì anh này bị vấp ngã chỏng vó, lăn long lóc trước sự chứng kiến của nhiều người. Đau quá, anh ta phải nhờ người dìu ra xe để về nhà, không dám lên đền nữa.
Bây giờ, người làng Đại vẫn truyền tai nhau câu chuyện về bà Lợi, Chủ tịch huyện trước đây. Dịp ấy, đền Cao vào hội. Lãnh đạo huyện, xã cùng về làm lễ. "Chẳng hiểu sao, khi ông Chủ tịch xã giới thiệu quan khách thì loa phát oang oang nhưng đến lượt bà Lợi phát biểu thì loa bị tịt, người khác thử thì lại nói được. Loay hoay một lúc, bà Lợi vẫn không thể nói vào micro phát trên loa được. Sau có người nhắc, nhà bà mới có tang mẹ. Lúc này, mọi người mới tá hỏa, bà Lợi phải lui về", bà Hoa kể.
"Biết không được nói, không biết không được hỏi"
Những câu chuyện truyền miệng như thế làm cho đền Cao càng trở nên linh thiêng. Thế nhưng, điều bí mật lại nằm ở chốn hậu cung, phía sau cánh cửa được sơn màu cánh gián thếp vàng và khóa im ỉm.
Dẫn tôi vào đền, ông Đủ xua tay, cảnh báo: "Cô hỏi gì thì hỏi, nhưng đừng hỏi gì về hậu cung. Ở làng tôi vẫn truyền lại câu nói "Biết không được nói, không biết không được hỏi" kẻo lại mắc vạ đấy!".
Với ông Đủ, bí mật phía sau cánh cửa hậu cung kia sẽ được chôn theo xuống mồ.
Ở hậu cung có gì, ông Đủ cùng những ông quan đám, ông lềnh đều biết. Tuy nhiên, họ không bao giờ được hé lời với bất cứ ai và sẽ mang bí mật đó theo xuống mồ. Vậy nên, hậu cung thật sự là một bí mật với những ai tò mò và "cả gan" bước qua lời nguyền.
Ông Đủ vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại câu chuyện. Năm 1988, khi đền được cấp bằng Di tích Lịch sử Quốc gia, khách thập phương đổ về nhiều hơn. Ngày ấy, ông Tách đang là cán bộ huyện. Ông có người em vợ ở thôn Trại Nẻ (xã An Lạc) làm thợ ảnh.
Hôm đó, ông Tách cùng em vợ và mấy người khác lỉnh kỉnh máy ảnh về, nằng nặc xin vào hậu cung, mặc cho các ông quan đám can ngăn. Cuối cùng thì quan đám cũng đành nhân nhượng. Họ vào đó để chụp ảnh, nhưng khi đem đi rửa thì hoặc bị cháy phim hoặc ra ảnh nhưng màu đen sì. Một thời gian sau, ông Tách ngã bệnh rồi mất, ông thợ ảnh kia cũng mất cách đó ít lâu. Người ta tin rằng đó là vì họ đã dám bước qua lời nguyền", ông Đủ nói.
Một điều đặc biệt là trong thiết kế đền Cao, giữa hậu cung và gian thờ chính có khoảng trống trên mái, dưới là rãnh nước chảy. "Người dân chỉ được làm lễ từ rãnh nước này trở ra, còn bước chân sang bên kia hậu cung là "phạm húy"", ông Đủ bảo.
Có hay không chuyện tự ý vào hậu cung chụp ảnh rồi mất mạng vẫn là lời đồn thổi. Thế nhưng, lệ làng "biết không được nói, không biết không được hỏi" cùng những câu chuyện nhuốm màu huyền bí càng làm cho đền Cao trở nên linh thiêng và chốn hậu cung thật sự là nơi "bất khả xâm phạm" trong tâm thức nhiều người.
"Ở đền Cao đúng là có những lệ bất thành văn vẫn được người dân truyền tai nhau từ đời này qua đời khác. Vì là lệ nên người ta rất sùng kính, tuân theo. Tuy nhiên, những câu chuyện lan truyền về việc bị thánh "quở" hay vào hậu cung bị mất mạng thì cũng chưa có ai kiểm chứng được. Vẫn không thể ngoại trừ đó chỉ là những sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng được người ta gắn vào không gian đền Cao để tăng phần linh ứng. Cái đó thuộc vào đức tin của mỗi người mà thôi".
Ông Mạc Văn Sự (Phó Chủ tịch UBND xã An Lạc)
|
Theo Kiến Thức
|