(Dân trí) - Về Việt Nam định cư đã nửa năm, nó vẫn không hiểu nổi quyết định của bố mẹ. Đất nước hình chữ S này có gì hay mà mê hoặc họ đến thế?
Nó là con lai, da trắng, tóc nâu, mũi cao vút nhờ gen bố. Gia tài duy nhất mẹ cho nó là đôi mắt nhung huyền. Nó soi gương cả tỉ lần vẫn chán ghét màu mắt đen lạc lõng trên khuôn mặt trắng hồng, li ti nốt tàn nhang. Đôi khi nó thầm nghĩ Việt Nam cũng đơn điệu và u tối như màu mắt ấy. Nó không yêu nổi nơi chôn rau cắt rốn của mẹ.
Mảnh đất bé nhỏ nhưng có quá nhiều phiền toái. Tại sao một vụ tai nạn nhỏ cũng thu hút hàng chục người xúm lại khiến cho đường sá lúc tan tầm rối như gà mắc tóc? Tại sao sáng đầu tiên nó chuyển đến trường đã có cả đám đông vây quanh cửa lớp hết xì xầm bàn tán lại trố mắt nhìn? Tại sao lúc nào ra đường nó cũng gặp câu hỏi “bạn bao nhiêu tuổi... nhà bạn ở đâu...bạn nghĩ gì về Việt Nam...?”.
Tiếng Việt thì chỉ có thể miêu tả bằng hai từ “ác mộng”. Từ nhỏ nó được mẹ dạy đánh vần, viết chữ nhưng vẫn không tài nào phân biệt mớ dấu câu rắc rối. Oái oăm thăm mẹ nó nói giọng Huế, nó cũng nói lơ lớ âm điệu miền Trung. Giờ sống ở Hà Nội, mỗi lần nó mở miệng mọi người lại trố mắt không hiểu nó đang nói tiếng gì. Rồi thì phong ba bão táp thành ngữ, tục ngữ, tiếng lóng, chơi chữ, cách xưng hô... Phương Đông huyền bí chính là đây!
Những ngày Hà Nội rắc mưa bụi rét mướt hay ẩm ương nổi nam, nồm, nó rúc mình trong chăn, lòng nhung nhớ trời Tây quanh năm có nắng vàng, biển xanh và không khí se lạnh. Thấy nó ủ rũ như con mèo lười, bố kéo nó ra đường. Mặt nó cứ méo xệch.
Nó không chịu nổi mùi khói xe, mùi dòng sông bốc lên nồng nặc, không dám ngồi vào một quán ăn vỉa hè, bày la liệt những hàng quà không rõ nguồn gốc, nó không mỉm cười nổi với mấy bà hàng rong cứ đon đả chào mời. Nhưng bố nó lại thích thú vô cùng. Ông thoải mái bắt chuyện với đám sinh viên bập bẹ nói tiếng Anh, ông háo hức sà vào một quán café cóc chỉ để uống thứ nước đen đặc và ngẩn ngơ nhìn phố xá tấp nập. Bố bảo Việt Nam rất lộn xộn, nhưng lộn xộn một cách đáng yêu.
Mùng 10 tháng 3 cả nhà hành hương về đền Hùng. Nó cực ghét chốn đông người nhưng thà lẽo đẽo theo bố mẹ còn hơn bị bỏ lại một mình giữa Hà Nội. Chưa kịp leo đến đền Hạ, chân nó đã bong gân, nó la thảm thiết. Mọi người xúm lại hỏi han. Có chị lót giấy lên ghế đá cho nó ngồi tạm, có cô chạy đi xin nước nóng về chườm vào chân nó. Có bác đề nghị đánh xe đưa nó tới bệnh viện nhưng ngay lúc đó có anh bác sỹ đến khám giúp, bảo là bong gân nhẹ nên chỉ cần ngồi nghỉ một lúc rồi bố mẹ đưa nó về.
Vài người tự nguyện ngồi lại với gia đình nó. Họ bình dị và chân thành, hết động viên lại thăm hỏi hết đau chưa. Bố mẹ nó xúc động ra mặt, không có các cô các bác giúp chắc giờ họ vẫn loay hoay không biết xử trí thế nào. Giữa bóng mát cây rừng và nghi ngút khói hương, nó được nghe một cụ kể chuyện tổ tiên người Việt - Lạc Long Quân và Âu Cơ là trường hợp li dị đầu tiên của nhân loại. Họ chia tay tử tế và nghĩa tình, chia con lên núi, xuống biển xây dựng Tổ quốc. Có người nhìn đôi mắt nó đen láy rồi thốt lên “trong như màu giếng Ngọc”. Tương truyền giếng Ngọc là nơi công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa soi dung nhan, vấn tóc, màu nước trong vắt như soi tỏ bao điều.
Nó đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, thấy lâng lâng tự hào vì được bao bọc trong vòng tay của những người xa lạ, vì nó mang một nửa dòng máu Việt Nam. Nó không còn thắc mắc sao mọi người thi nhau đổ về dâng hương. Đất nước lộn xộn một cách đáng yêu không chỉ có trang lịch sử hào hùng mà còn có trang huyền sử lấp lánh. Điều thiêng liêng ấy dễ gì lãng quên, dù đi ngược về xuôi, ai cũng mong mỗi năm một ngày được tìm về nguồn cội. Lần đầu tiên, nó biết yêu màu mắt nhung huyền, yêu những con người tò mò, lắm chuyện và chân chất, nghĩa tình.
May - Theo Dân trí
|