QĐND - Một trong những nhân tố quan trọng góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ đó là vai trò lãnh đạo, chỉ huy, tham mưu chính xác, kịp thời và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chiến dịch hiệu quả của cơ quan tham mưu chiến lược.
Ngay sau khi Bí thư Tổng Quân ủy Võ Nguyên Giáp báo cáo với Bộ Chính trị về chủ trương tác chiến Đông Xuân 1953-1954 vào ngày 19-11-1953, Bộ Tổng tham mưu đã mở hội nghị bàn thực hiện kế hoạch tác chiến. Hội nghị đang họp thì được tin Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đánh giá: “…địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản có lợi cho ta”.
Để kịp thời chỉ đạo làm công tác chuẩn bị cho đánh Điện Biên Phủ, ngày 26-11, cơ quan tiền phương Tổng Tư lệnh do đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách cùng Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Liêm, Phó chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Đặng Kim Giang đã hành quân ngay lên Tây Bắc. Ngày 6-12, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến; chỉ định Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Tư lệnh chiến dịch; các đồng chí Hoàng Văn Thái, Lê Liêm, Đặng Kim Giang là Đảng ủy viên chiến dịch.
|
Ảnh minh họa.
|
Bộ Tổng tham mưu đã huy động toàn lực cho chiến dịch. Ngày 5-1-1954, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra mặt trận, cùng đi có các đồng chí Trần Văn Quang, Cục trưởng Cục Tác chiến; Lê Trọng Nghĩa, Cục trưởng Cục Quân báo; Hoàng Đạo Thúy, Cục trưởng Thông tin liên lạc; Tiểu đoàn 303 Thông tin, Ban Cơ yếu chiến dịch và một số cán bộ cơ quan tham mưu...
Ngày 12-1-1954, Tư lệnh chiến dịch họp Đảng ủy bàn phương án tác chiến. Các đảng ủy viên đề nghị tranh thủ đánh ngay trong lúc địch chưa tăng thêm quân và chưa củng cố công sự, có khả năng giành thắng lợi trong 2 ngày 3 đêm; nếu chiến dịch kéo dài sẽ không giải quyết được vấn đề hậu cần.
Bí thư Đảng ủy kiêm Tư lệnh chiến dịch cho rằng, không thể đánh nhanh được, nhưng chưa có cơ sở để bác bỏ phương án này, nên ngày 14-1, vẫn giao nhiệm vụ cho các đơn vị theo phương châm: “Đánh nhanh, giải quyết nhanh”; dự kiến nổ súng vào 17 giờ ngày 20-1… Tham mưu trưởng triển khai cho cơ quan tham mưu thực hiện quyết định của Tư lệnh chiến dịch và ngày 19-1, do pháo ta vẫn chưa vào được vị trí, Tư lệnh chiến dịch quyết định hoãn nổ súng đến 25-1.
Lúc này, địch đã tăng quân và củng cố các cứ điểm…, trận địa phòng ngự của địch đã trở thành một tập đoàn cứ điểm mạnh. Ta có ba khó khăn lớn là trình độ đánh công kiên còn thấp, bộ đội mới tiêu diệt cao nhất 1 tiểu đoàn tăng cường có công sự vững chắc; chưa có kinh nghiệm chiến đấu hiệp đồng quy mô lớn, lại chưa qua diễn tập; mới quen tác chiến đêm ở địa hình rừng núi, chưa quen chiến đấu ban ngày, nay phải chiến đấu liên tục 3 đêm 2 ngày với địch có ưu thế về máy bay, pháo và xe tăng, trên địa hình trống trải, thì rất khó tránh khỏi thương vong, khó hoàn thành nhiệm vụ…
Ngày 24-1, một chiến sĩ ta bị địch bắt, biết địch nắm được thời gian nổ súng, Tư lệnh chiến dịch quyết định lùi thời gian nổ súng đến 17 giờ ngày 26-1. Cán bộ tham mưu tiếp tục nắm tình hình. Sáng 26-1, Bí thư Đảng ủy trình bày trong cuộc họp Đảng ủy những suy nghĩ về cách đánh tập đoàn cứ điểm, ba khó khăn lớn, những thay đổi quan trọng về địch và khẳng định: Vô luận tình hình nào, chúng ta cũng phải nắm vững nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”. Trước khi tôi lên đường, Bác dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Với tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị, trước sinh mạng của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, tôi đề nghị các đồng chí trả lời câu hỏi: Nếu đánh có chắc thắng một trăm phần trăm không?... Bí thư Đảng ủy kết luận: “Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Nay quyết định hoãn cuộc tấn công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới...
Tham mưu trưởng ra lệnh cho các đại đoàn bộ binh; Tư lệnh chiến dịch trực tiếp ra lệnh cho pháo binh và Đại đoàn 308; đồng thời viết thư hỏa tốc báo cáo Bác và Bộ Chính trị. Ít ngày sau, Tổng Bí thư Trường Chinh, Bộ Chính trị và Bác Hồ có thư trả lời nhất trí với phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” của Đảng ủy và Tư lệnh chiến dịch.
Ngày 7-2, cơ quan tham mưu bàn kế hoạch tác chiến mới, thực hiện nhiệm vụ của Đảng ủy, chỉ thị tổ chức các chốt xung quanh trận địa địch thật vững chắc, chuẩn bị đường cơ động và tổ chức trận địa pháo thật kiên cố; xây dựng trận địa tiến công; chuẩn bị bộ đội, chuẩn bị cung cấp, huấn luyện bổ sung, tổ chức chỉ huy hiệp đồng; trực tiếp nghiên cứu địa hình, địch tình; bố trí lại hệ thống đài quan sát, phối hợp chặt chẽ để nắm địch, củng cố vững chắc mạng thông tin. Ngày 28-2, cơ quan tham mưu tổ chức Hội nghị Quân chính, Tư lệnh chiến dịch kết luận, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành.
17 giờ ngày 13-3, ta mở đợt tiến công thứ nhất. Chỉ sau 5 giờ chiến đấu, ta đã tiêu diệt Tiểu đoàn 3 lê dương của địch; đêm 14-3, trong vòng một giờ tiêu diệt Tiểu đoàn 5 An-giê-ri... Sáng 15-3, địch phản kích bị pháo binh ta chế áp, Pi-rốt - viên chỉ huy pháo binh địch tự sát. Ta đã mở toang hai cánh cửa ở hướng Bắc và Đông, đưa pháo binh và cao xạ vào Mường Thanh trực tiếp chi viện cho bộ binh.
Ngày 17-3, cơ quan tham mưu chiến dịch sơ kết đợt tiến công thứ nhất, Tư lệnh chiến dịch biểu dương các đại đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ và nhấn mạnh phải nắm vững phương châm “đánh chắc, tiến chắc”...
Ngày 27-3, cơ quan tham mưu triệu tập cán bộ về sở chỉ huy nhận nhiệm vụ. Đây là đợt chiến đấu có tính chất quyết định, trong 5 cứ điểm phía đông, Đồi A1 là kiên cố - “chìa khóa” của tập đoàn cứ điểm. Sau khi phân công, Tư lệnh và Tham mưu trưởng chiến dịch quán triệt thêm nhiệm vụ cho các Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An và Vũ Lăng. Ngày 30-3, ta mở đợt tiến công thứ hai, cơ bản giải quyết được một số mục tiêu. Sáng 31-3, địch phản kích chiếm lại một phần Đồi A1 và C1. Trung đoàn 174 không đủ sức đánh tiếp, đêm 31-3, ta điều Trung đoàn 102 đánh A1. Được cơ quan tham mưu rút kinh nghiệm nhưng Trung đoàn 102 đánh A1 vẫn không thành công; Bộ chỉ huy chiến dịch cho Trung đoàn 102 rút, để Trung đoàn 174 trụ lại. Ngày 2-4, Trung đoàn 36 đánh lấn tiêu diệt cứ điểm 106. Ngày 4-4, ta kết thúc đợt tiến công thứ hai...
Bước vào đợt thứ ba, cơ quan tham mưu chấn chỉnh bộ đội, bổ sung quân số, trang bị, chỉ đạo huấn luyện, rút kinh nghiệm đánh địch phản kích và đánh lấn. Đêm mồng 1-5, đợt 3 bắt đầu: Ta tiêu diệt các vị trí C1, 311A, 505, 505A, khu C Hồng Cúm. Đêm mồng 3-5, ta tiêu diệt 311B... Na-va nhận thấy Điện Biên Phủ không thể chiến đấu được nữa đã lệnh cho Đờ Cát thực hiện kế hoạch chim “hải âu” rút chạy về Thượng Lào.
Đêm mồng 6-5, ta cho nổ khối bộc phá 1000kg làm hiệu lệnh tấn công và nhanh chóng tiêu diệt A1, chìa khóa cuối cùng của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; tiêu diệt C2, các cứ điểm 507, 508, 509 tả ngạn sông Nậm Rốm, tiêu diệt cứ điểm 310 - “con mắt” của khu trung tâm.
Sáng 7-5, địch có hiện tượng hỗn loạn và thời cơ đã tới để tổng công kích. 15 giờ, cơ quan tham mưu chuyển lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch: “Đánh thẳng vào Sở chỉ huy, bao vây thật chặt không cho Đờ Cát hoặc bất cứ tên địch nào chạy thoát”. 15 giờ 30 phút, những vị trí cuối cùng của địch án ngữ trên cầu Mường Thanh bị tiêu diệt. Không lâu sau đó, Đờ Cát và toàn bộ Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống.
18 giờ, cơ quan tham mưu chuyển lệnh cho Đại đoàn 308 tiếp quản, truy quét tàn binh địch, nhanh chóng ổn định tình hình và ngay trong đêm, đã chuyển bức điện của Đảng ủy chiến dịch báo cáo Trung ương Đảng, Bác Hồ, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ;… Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, có đóng góp quan trọng của công tác lãnh đạo, chỉ huy, tổ chức và điều hành hoạt động tác chiến chiến dịch. Trong đó, nổi lên vị trí, vai trò của cơ quan tham mưu chiến lược; khẳng định bước trưởng thành to lớn của Bộ Tổng tham mưu.
Đại tá, TS NGUYỄN THÀNH HỮU
QDND.VN
|