Kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014)
|
Chiến dịch Điện Biên Phủ - đỉnh cao của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 toàn thắng đã kết thúc vẻ vang cuộc trường kỳ kháng chiến của quân và dân ta chống thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ. Với Chiến thắng Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã buộc chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ và đánh dấu bước phát triển mới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới.
Quân và dân Tây Bắc vô cùng tự hào đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Vượt qua không gian và thời gian, địa danh Tây Bắc và Chiến thắng Điện Biên Phủ đã được thế giới biết đến như một chứng tích lịch sử về sự thảm bại của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trong thế kỷ XX.
|
Thanh niên xung phong và dân công Tây Bắc vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
|
Để làm nên chiến thắng vĩ đại ấy ta đã huy động lực lượng sức người, sức của vô cùng lớn. Ngay khi quyết định mở trận quyết chiến chiến lược tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị đã nhận thấy "khó khăn lớn nhất là về hậu cần". Trung ương Đảng chủ trương “tích cực huy động tại chỗ đồng thời kết hợp với huy động và vận chuyển từ hậu phương lên". Thực hiện chủ trương của Trung ương, để tuyên truyền, vận động, chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân chi viện cho tiền tuyến, Hội đồng Cung cấp mặt trận Khu Tây Bắc được thành lập. Với tinh thần "Tất cả cho mặt trận", "Tất cả để chiến thắng”, đồng bào Tây Bắc đã tích cực, chủ động cùng cả nước chi viện cho chiến dịch. Trên khắp miền Tây Bắc, đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao, Hà Nhì... thi đua phục vụ chiến dịch. Nhiều gia đình nhịn bữa hoặc ăn sắn, ăn khoai để dành gạo gửi ra mặt trận. Nhiều gia đình đã vét những hạt thóc giống cuối cùng để phục vụ chiến dịch. Nhiều phụ nữ xưa nay vốn chỉ ở nhà lo nội trợ, nghe theo tiếng gọi của Đảng cũng nô nức lên đường, chẳng quản gian khổ, hiểm nguy cùng với nam giới mở đường, gánh gạo, cấp dưỡng, tải thương... Tính chung toàn chiến dịch, nhân dân Tây Bắc đã tiếp tế cho bộ đội 7.311 tấn gạo; 389 tấn thịt và 800 tấn rau tươi. Riêng lượng gạo mà nhân dân Tây Bắc đóng góp chiếm khoảng 27% phải huy động cho toàn chiến dịch và chiếm 47% lượng gạo sử dụng ngay tại mặt trận. Đó là chưa kể số lương thực mà nhân dân các bản mường trực tiếp đưa đến ủng hộ các đơn vị. Nhân dân Tây Bắc còn huy động 31.818 dân công với hàng triệu ngày công và 914 ngựa thồ phục vụ chiến dịch... Đây quả là một kỳ tích phi thường. Kết quả đó khẳng định vai trò to lớn của hậu phương, hậu cần tại chỗ; khẳng định tinh thần yêu nước nồng nàn của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Khi tổng kết về chiến thắng của Quân đội ta tại Điện Biên Phủ, các tướng lĩnh và các nhà nghiên cứu của hai bên đều thống nhất: "Một nguyên nhân chính làm nên chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam tại trận đánh này là đã huy động được rất lớn nguồn sức người để đảm bảo hậu cần cho chiến dịch, một việc mà Pháp cho rằng, không thể giải quyết được".
|
Ô tô vận tải vượt bến phà Âu Lâu (Yên Bái) vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
|
Không chỉ là hậu phương tại chỗ, Tây Bắc còn là tiền tuyến - địa bàn trực tiếp diễn ra trận quyết chiến chiến lược. LLVT Tây Bắc đã cùng nhân dân vượt qua gian khó, hy sinh, tích cực chủ động chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, giải phóng phần lớn đất đai và mở rộng căn cứ địa, đập tan kế hoạch chiếm đóng, bình định lâu dài và thủ đoạn thâm độc của thực dân Pháp, bảo vệ thành quả cách mạng. Đến Đông Xuân 1953-1954, Tây Bắc vẫn là địa bàn được Trung ương Đảng chọn làm hướng hoạt động chính. Trên chiến trường Tây Bắc ta đã giải phóng được một vùng rộng lớn 28.500km2, với 25 vạn dân. Thực dân Pháp chỉ còn chiếm đóng thị xã Lai Châu và Nà Sản. Nhưng địch vẫn không ngừng củng cố khu vực chiếm đóng, tăng cường các cuộc càn quét mở rộng địa bàn...
Từ tháng 8-1953, Na-va tung xuống vùng giải phóng của Khu nhiều toán biệt kích, chủ yếu là những tên tay sai người địa phương để móc nối, nhen nhóm thổ phỉ. Chỉ trong vài tháng, chúng đã phát triển lực lượng lên gần 4000 tên, chiếm giữ nhiều vị trí then chốt ở các tỉnh thuộc Tây Bắc... Đến cuối năm 1953, tuy phần lớn Tây Bắc đã được giải phóng, nhưng tình hình chính trị, xã hội hết sức khó khăn, phức tạp. Để bảo vệ thành quả đạt được, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy, LLVT Tây Bắc tích cực xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, không ngừng phát triển cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích (DQDK), tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp... Đặc biệt, tỉnh Yên Bái trở thành khu căn cứ tập kết để tổ chức tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Thực hiện quyết tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Bộ chỉ huy chiến dịch, cùng với quân và dân cả nước, LLVT Tây Bắc khẩn trương chuẩn bị cho chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, siết chặt vòng vây Điện Biên Phủ...
Để ngăn chặn lực lượng chủ lực và các đoàn tiếp tế của ta, Pháp điên cuồng dùng máy bay đánh phá các tuyến đường, kết hợp sử dụng phỉ phá hoại hậu phương. Để chuẩn bị cho trận quyết chiến tại Điện Biên Phủ, LLVT Tây Bắc được Trung ương giao cho nhiệm vụ chủ yếu phối hợp với bộ đội chủ lực đánh những trận nhỏ tiêu diệt một bộ phận lực lượng quan trọng vòng ngoài của địch, tập trung tiêu diệt đập tan các ổ phỉ, bảo đảm giao thông, dẫn đường cho bộ đội chủ lực. Ngoài ra, LLVT Khu còn được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, như: Mở tuyến giao thông, đường kéo pháo, bắn máy bay bảo vệ tuyến giao thông...
Tại Yên Bái, Tiểu đoàn 281 chủ lực và 5 đại đội bộ đội địa phương các huyện, trung đội cầu đường và tất cả trung đội DQDK các xã đều tích cực tham gia chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Tỉnh Yên Bái trở thành hậu phương trực tiếp của chiến dịch, con đường 13A trở thành mạch máu giao thông chính nối liền căn cứ địa Việt Bắc với Điện Biên Phủ. Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, DQDK và nhân dân dọc đường 13A và đường từ Ba Khe nối với Đường 41 đã phối hợp chặt chẽ bám đường bảo đảm giao thông thông suốt. Địch càng đánh phá dữ dội, tinh thần dũng cảm bám giữ đường của quân và dân Tây Bắc càng cao... Hàng vạn dân công cùng DQDK Khu Tây Bắc đã dũng cảm vượt qua mưa bom, bão đạn, suối sâu, đèo cao vận chuyển hơn 22.370 tấn hàng hóa phục vụ chiến dịch...
Đại đội 956 bộ đội địa phương tỉnh Lào Cai phát huy tốt vai trò nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, tích cực chiến đấu giải phóng Sa Pa, Mường Vi, Bình Lư, Tam Đường, phá vỡ vòng vây của phỉ đối với thị xã Lào Cai, các thị trấn Sa Pa, Bát Xát và huyện lỵ Phong Thổ, đánh tan các ổ phỉ dọc đường từ Lào Cai đi Lai Châu. LLVT tỉnh đã tiêu diệt 150 tên, bắt sống và gọi hàng 443 tên, bắn rơi 1 máy bay, thu 231 khẩu súng và hàng chục tấn đạn dược; bảo đảm thông suốt tuyến đường cơ động từ Lào Cai đi Lai Châu.
Tại Lai Châu, LLVT trong khu vực mới giải phóng tập trung ổn định đời sống nhân dân, tuyên truyền chính sách của Đảng và Chính phủ, xây dựng cơ sở, càn quét tàn binh, thổ phỉ, việt gian phản động, đập tan âm mưu chia rẽ của địch... Ở phía bắc tỉnh Lai Châu, cuộc chiến đấu tiễu phỉ của LLVT địa phương phối hợp cùng bộ đội chủ lực diễn ra vô cùng quyết liệt. Quân ta đã thực hiện hơn 100 trận đánh lớn nhỏ, diệt 760 tên, bắt và gọi hàng 3000 tên, thu nhiều vũ khí, phá tan mưu đồ cắt đường tiếp tế của ta từ phía Bắc theo sông Nậm Na về thị xã Lai Châu của địch. Bộ đội địa phương Lai Châu, tích cực bảo vệ các mục tiêu quan trọng, diệt tề trừ gian, chống càn, bảo đảm an toàn cho cán bộ Trung ương và bộ đội chủ lực trinh sát mục tiêu, chỉ đạo mặt trận. Tại ngã ba chiến lược Cò Nòi (Mai Sơn), Đại đội TNXP tỉnh Sơn La không để mạch máu giao thông bị tắc nghẽn dù chỉ một giờ... Ngày 13-3-1954 chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn. Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu liên tục và cực kỳ anh dũng, LLVT Tây Bắc đã góp phần xứng đáng cùng các lực lượng toàn mặt trận đập tan hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Những trận chiến đấu ác liệt ở Đồi Al, Cl... còn in đậm và vang vọng mãi chiến công của Trung đoàn 174, Trung đoàn 98 Đại đoàn 316 - đơn vị chủ lực của Quân khu 2 ngày nay.
LLVT Quân khu 2 luôn trân trọng, mãi mãi ghi nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ, những thế hệ đi trước đã không tiếc máu xương làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. Phát huy tinh thần, khí phách Chiến thắng Điện Biên Phủ trong điều kiện mới, LLVT Quân khu 2 nguyện đoàn kết một lòng, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, xây dựng Đảng bộ Quân khu TSVM, luôn đảm bảo sự lãnh đạo vững chắc của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng. LLVT Quân khu tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng KVPT vững chắc. LLVT Quân khu tiếp tục xây dựng theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở; không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, làm thất bại chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ nhân dân, giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để phát triển KT-XH, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.
Trung tướng DƯƠNG ĐỨC HÒA
Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 2
Nguồn: Qđnd.vn
|